Sách giáo khoa không phải mảnh đất để kiếm "lãi khủng"
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký quyết định cảnh cáo ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Theo thông tin ban đầu, ông Thái được xác định có khuyết điểm trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, phát hành sách giáo khoa mới; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật của Nhà nước… Hiện các vi phạm, khuyết điểm của lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam chưa được công bố chi tiết. Tuy nhiên, động thái kỷ luật nêu trên được công luận rất quan tâm, bởi sách giáo khoa là vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Cách đây chưa lâu, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo lợi nhuận kỷ lục trong năm 2021, đạt 287 tỷ đồng, vượt 150% kế hoạch được giao. Đây là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của đơn vị này. Những năm trước, lợi nhuận chỉ bằng khoảng phân nửa con số này, tức dao động quanh 120-150 tỷ đồng. Mặc dù lãi cao kỷ lục nhưng đơn vị này lại kêu khó trăm bề.
Với một đơn vị kinh doanh thì lãi cao phải khuyến khích, động viên chứ nhỉ? Nhưng dường như dư luận qua các phát biểu trên mạng xã hội đã đón nhận tin tức này không mấy vui vẻ. Hiểu như thế nào về phản ứng đó? Có thể nhận thấy kết quả kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhảy vọt theo đà tăng giá sách giáo khoa. Năm học 2020-2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, giá sách cao hơn 3-4 lần. Năm nay, mức giá sách giáo khoa cho các lớp 3, 7 và 10 cũng cao hơn 2-3 lần so với các bộ sách cũ. Như vậy, tâm lý các bậc phụ huynh nhìn vào lợi nhuận kinh doanh sách giáo khoa và bối cảnh vật giá leo thang, bao gồm cả chi phí cho giáo dục tăng lên, chắc hẳn khó mà cảm thấy thoải mái.
NXB Giáo dục Việt Nam công bố, đơn vị này năm qua đã phát hành 164,6 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra (tức gần gấp rưỡi). Cần làm rõ mức tăng này do số lượng học sinh trên toàn quốc tăng hay lý do nào khác? Có phải do số lượng đầu sách tăng lên hay không? Một vị đại biểu Quốc hội khi đề cập đến vấn đề chống lãng phí đã nhận xét, nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa của một số bậc học tăng từ 2 đến 4 lần không chỉ bởi chi phí tăng trên từng đầu sách mà còn do số lượng đầu sách tăng. Theo vị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định cụ thể sách nào là sách giáo khoa bắt buộc phải mua, sách nào là tham khảo và phụ huynh được quyền chỉ mua những sách bắt buộc.
Người viết cho rằng, để rộng đường dư luận, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng như các đơn vị phát hành cần làm rõ lượng tiêu thụ sách giáo khoa đến từ nhu cầu thực hay đâu đó còn tình trạng "vẽ chân cho rắn", tăng đầu sách không cần thiết? Có bao nhiêu đầu sách học sinh mua về nhưng không dùng đến? Như vậy, sau khi sàng lọc nhu cầu thực tiễn, phụ huynh bớt đi một khoản chi phí, học sinh bớt "nặng vai" và đơn vị xuất bản cũng giảm bớt việc phát hành những đầu sách chỉ mang tính "tham khảo".
Nói cho cùng, đã là đơn vị kinh doanh thì bao giờ cũng mưu cầu lợi nhuận. Song, trong những mảng kinh doanh đặc thù như giáo dục, lợi nhuận của doanh nghiệp cần phải hài hòa với lợi ích của người dân và xã hội. Không nên coi đây là mảnh đất để "buôn to, lãi khủng" trong khi giáo dục là quốc sách, người dân đang phải "còng lưng" gánh nặng cơm áo và các chi phí giáo dục cho con em mình.
Hơn nữa, nếu giá sách tăng chỉ vì in khổ lớn hơn, giấy tốt hơn - thiết nghĩ là không cần thiết! Chi phí giáo dục tăng đi ngược với mục tiêu xây dựng xã hội học tập, mục tiêu tạo mọi điều kiện để trẻ em được tiếp cận với sách vở, với kiến thức.
Với những gia đình lao động ở thành phố, chi phí tiền trường (trong đó có SGK, sách tham khảo) đã là một gánh nặng, vậy với những học sinh ở nông thôn, miền núi thì sao?
Xin đừng nói một cách vô cảm rằng mỗi năm một lần mua sách, làm gì mà không cố được! Ngoài tiền sách giáo khoa, phụ huynh còn phải kham thêm nào học phí, nào học cụ, giáo cụ, nào đồng phục, nào tiền xã hội hóa…
Trước diễn đàn Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã bày tỏ trăn trở về việc vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra sao "trong lựa chọn sách giáo khoa (theo chương trình mới) để đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa? Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa hay không?".
Cũng xin nhắc lại, vào tháng 12/2021, xem xét kết quả giám sát một số tổ chức đảng và đảng viên, bên cạnh những ưu điểm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; công tác tổ chức cán bộ; tham mưu xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách; biên soạn sách giáo khoa; đầu tư công…
Cơ quan kiểm tra nêu rõ những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 "cần được tiếp tục kiểm tra, làm rõ".
Như vậy, liên quan đến sách giáo khoa, không riêng sự việc ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam như nêu trên, mà cả trong giai đoạn 2016-2021 cũng có vấn đề cần làm rõ.
Tóm lại, sách giáo khoa là vấn đề liên quan trực tiếp đến đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh, các vi phạm (nếu có) cần phải xử lý nghiêm minh nhằm thiết lập lại trật tự, sự ổn định cho lĩnh vực đặc thù này.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!