Tâm điểm
Bích Diệp

Những "sát thủ" ngông nghênh trên phố

Theo thông tin ban đầu trên báo chí, khoảng 9h ngày 23/4, một xe máy chở theo nhiều thanh sắt dài di chuyển trên phố Kim Ngưu hướng Mai Động - Trần Khát Chân. Khi xe máy đi tới khu vực nút giao cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), các thanh sắt trên xe đã xuyên thủng một ô tô 7 chỗ đi hướng ngược lại. Cùng lúc, một xe 5 chỗ đi cùng chiều phía sau xe máy cũng đâm vào các thanh sắt này.

Dù may mắn những người trên xe không bị thương, song nhìn hiện trường sự việc, chắc là ai cũng giật mình về sự nguy hiểm của tình trạng chuyên chở vật liệu trái phép, cụ thể ở đây là những thanh sắt dài để trên xe máy. Những trường hợp như thế này có thể dẫn đến tai nạn với người tham gia giao thông bất cứ lúc nào, vậy nên gọi đây là những "sát thủ" ngông nghênh trên phố chắc không quá lời.

Còn nhớ mấy năm trước, từng xảy ra sự việc thương tâm khi cháu bé 9 tuổi tử vong do va cổ vào tấm tôn để trên xe xích lô đậu bên đường. Người đạp xe xích lô vốn là một cựu binh làm nghề bốc vác, vì tai nạn này mà vướng vòng lao lý.

Những hồi chuông cảnh báo không ngừng rung lên suốt những năm qua về tình trạng sử dụng xe máy, xe thô sơ hoặc xe gắn máy đã cải tạo… chở tôn, sắt thép, vật liệu xây dựng trên đường phố. Những chuyến xe "sát thủ" thường không được chằng buộc, che đậy… đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao và lưu thông ngang nhiên trên đường phố.

Chắc rằng nhiều người dân ở các đô thị lớn, cũng như người viết bài này, đã không hiếm lần bắt gặp xe "sát thủ" như vậy, kể cả giờ cao điểm. Có lần, nếu không kịp đánh tay lái để tránh một chiếc xe thô sơ chở sắt thép trên phố thì có thể tôi đã gặp tai nạn. Cũng phải kể thêm, không riêng gì xe máy, xích lô chở sắt thép, mà các loại xe tải chở đất, chở quặng, than đá, lá khô… không che chắn kỹ để rơi vung vãi trên đường cũng gây bức xúc lớn cho người tham gia giao thông.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP và các văn bản khác liên quan đã quy định cụ thể về khung hình phạt với những chủ phương tiện chở hàng hóa vượt quá các giới hạn cho phép, chở hàng cồng kềnh, không che chắn làm rơi vãi vật liệu ra đường… Người vi phạm ngoài nộp phạt hành chính còn phải khắc phục hậu quả khi làm rơi vãi vật liệu; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn nếu gây tai nạn giao thông… Trong trường hợp gây tai nạn tùy theo mức độ cụ thể thì còn bị xử lý hình sự.

Quy định đã có, vì sao tình trạng trên vẫn tồn tại?

Trong thực tế, nhiều công trường xây dựng, sửa chữa nhà cửa ở các đô thị nằm trong khu vực cấm xe tải, nơi mật độ giao thông cao hoặc trong các con phố nhỏ, ngõ nhỏ, nên phát sinh nhu cầu thuê xe thô sơ, xe máy chở vật liệu để dễ luồn lách. Từ nhu cầu này, việc chở thuê bó sắt, tôn thép bằng xe gắn máy, xích lô, ba gác… trở thành công việc mưu sinh của một nhóm những người dân thu nhập thấp trong xã hội.

Giải pháp đầu tiên là lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử phạt nghiêm các vi phạm trên đường phố, cần thiết tăng mức phạt, tịch thu phương tiện để đảm bảo răn đe. Cùng với đó, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu chế tài, truy cứu trách nhiệm của chủ hàng hóa - người thuê chở, nếu người này có hành vi chủ động, cố ý thuê phương tiện chuyên chở hàng hóa cồng kềnh trái quy định.

Trong trường hợp buộc chở hàng bằng phương tiện thô sơ (đường hẹp, ngõ ngách) thì phải yêu cầu có sắp xếp gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, có biện pháp phòng tránh tai nạn theo quy định đã có trong luật và nên chăng chỉ cho phép hoạt động trong khung giờ nhất định (ví dụ ban đêm, khi vắng xe cộ lưu thông)?

Về lâu dài, cùng với các biện pháp giáo dục, phổ biến pháp luật, là chính sách an sinh, hướng nghiệp để tạo sinh kế mới cho người lao động - sao cho họ không còn phải mưu sinh bằng những chuyến xe gây nguy hiểm cho cộng đồng.