Những lời xin lỗi muộn màng
Mới đây hai cựu thiếu tướng từng giữ chức vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển số 3 và số 4, khi ra tòa trong vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng trị giá gần 2.800 tỷ đồng, đều trình bày hối hận về hành vi phạm tội của mình, gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước và quân đội.
"Bị cáo đã làm mất danh dự của quân đội, ảnh hưởng uy tín của Đảng và quân đội. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi, mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sửa chữa lại lỗi lầm. Bản thân bị cáo hiện nay sức khỏe yếu, mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, tha thiết mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về gia đình, còn tí sức khỏe chăm sóc mẹ già", bị cáo Lê Văn Minh (57 tuổi) - cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, nói lời sau cùng tại tòa.
Bị cáo Lê Xuân Thanh (61 tuổi) - cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, nói ngắn gọn hơn nhưng cũng bày tỏ sự hối hận về hành vi phạm tội của mình, hứa sẽ nỗ lực để khắc phục hậu quả do mình gây ra và mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.
Là những người được giao trọng trách, đặc biệt ở vị trí cấp tướng trong việc giữ gìn phên dậu của Quốc gia mà tay vẫn "nhúng chàm", thì có lẽ những lời xin lỗi đó là quá muộn màng. Kỷ cương phép nước phải được giữ nghiêm và những ai có vi phạm phải được xét xử theo đúng quy định pháp luật.
Bị cáo Minh và Thanh được đánh giá, trước khi phạm tội đều có nhân thân tốt, có quá trình cống hiến trong quân đội và lực lượng cảnh sát biển, nhưng vì lợi ích vật chất cám dỗ nên đã thực hiện hành vi nhận hối lộ, với vai trò chính trong vụ án nêu trên. Ngoài ra, có thể kể thêm rất nhiều bị cáo trong các phiên tòa khác từng được đánh giá có năng lực và được giao trọng trách, nhưng rồi đã sa ngã, suy thoái. Họ đều xin lỗi trong lời nói sau cùng, có người bật khóc.
Những phiên tòa như vậy, chắc chắn đặt ra nhiều bài học trong công tác cán bộ. Trong đó, một chuyện đáng bàn là quá trình suy thoái của những cựu cán bộ này khi họ từng được tin tưởng bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng?. Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) vừa diễn ra, trong phát biểu chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, một trong những vấn đề cũng được nêu lên là: "Chúng ta phải đặt câu hỏi vì sao nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa nhưng trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?". Theo Thường trực Ban Bí thư, để khắc phục vấn đề này, phải nêu ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hóa rất cao dù đây là việc rất khó. Ông cũng nhấn mạnh, cần phải tạo đột phá trong đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng, đảng viên sao cho thực chất, phản ánh đúng hiện thực khách quan.
Rõ ràng, đánh giá đúng cán bộ ngay từ đầu và trong suốt quá trình công tác thì tổ chức sẽ bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc và góp phần ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở những vị trí quan trọng.
Tin tưởng rằng những giải pháp đồng bộ và cụ thể sẽ tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ở góc độ mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức vụ quyền hạn, thiết nghĩ cần tự mình rèn luyện và nâng cao sức "đề kháng" trước các cám dỗ. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu là "phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực".
Trong các phiên tòa, khi chứng kiến những lời xin lỗi, những giọt nước mắt muộn màng rơi xuống, tôi nghĩ rằng nếu trước đó những cựu cán bộ này có ý thức trọng liêm sỉ, danh dự thì có thể cuối đời họ đã không phải trả giá đắt như vậy.
Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!