VKS quân sự: 2 cựu thiếu tướng cảnh sát biển bị đồng tiền cám dỗ
(Dân trí) - Đại diện VKS quân sự Bộ đội biên phòng đánh giá, hai cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh, đã không làm chủ được bản thân trước cám dỗ của đồng tiền
Hôm nay (14/7), tại trụ sở Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội, phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án "Buôn lậu", "Nhận hối lộ", "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" và "Không tố giác tội phạm" bước sang ngày làm việc thứ 2. Đây là vụ án có liên quan đến đường dây buôn lậu xăng, làm xăng giả số lượng lớn tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, do Phan Thanh Hữu - Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh - cầm đầu.
Trong phiên xử sáng nay, sau khoảng một tiếng thẩm vấn, trước khi chuyển sang phần tranh tụng, đại diện Viện kiểm sát (VKS) quân sự Bộ đội biên phòng đã đọc bản luận tội đối với các bị cáo.
Hàng loạt bị cáo nhận hối lộ để tiếp tay cho hoạt động buôn lậu
VKS đánh giá, vụ án xảy ra từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Cụ thể, hành vi tham gia góp vốn buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III trị giá gần 2.800 tỷ đồng của bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) đã xâm phạm trật tự quản lý kinh nhà nước.
"Bị cáo Thoại và đồng phạm đã nhận thức việc mua bán xăng như vậy là vi phạm pháp luật, nhưng vì động cơ, thu lợi bất chính nên đã thực hiện hành vi vi phạm. Hành vi phạm tội của bị cáo cần phải xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật", đại diện VKS đánh giá.
Tiếp tục luận tội, đại diện VKS cho biết, hành vi nhận hối lộ của các bị cáo Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Văn An, Lê Văn Phương, Lê Xuân Thanh, Phan Thị Xuân, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Văn Trên… đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của nhà nước, gây mất uy tín của lực lượng công an, quân đội, cán bộ thi hành công vụ nhà nước.
"Vì nhận hối lộ của các đối tượng buôn lậu nên các bị cáo Nguyễn Thế Anh, Lê Văn Minh, Lê Xuân Thanh, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Văn Trên, Lê Văn Phương, Phạm Hồ Hải, Nguyễn Thanh Lâm, Sơn Hoàng Ngự, Lưu Thế Đức đã tiếp tay hoặc làm ngơ, không thực hiện đầy đủ chức năng được giao, cho phép các đối tượng buôn lậu xăng dầu hoạt động trong một thời gian dài, buôn lậu số lượng lớn, nhưng không bị kiểm tra, bắt giữ và xử lý", VKS luận tội.
Các bị cáo Phan Thị Xuân (vợ của bị cáo Lê Xuân Thanh), Nguyễn Văn An (em họ bị cáo Nguyễn Thế Anh), VKS xác định, mặc dù biết chồng mình, anh mình là đối tượng nhận hối lộ, vi phạm pháp luật nhưng vẫn tiếp tay, giúp sức trực tiếp nhận tiền của người đưa hối lộ, vi phạm pháp luật hình sự.
Hành vi nhận hối lộ của các bị cáo nêu trên cần phải xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật để trừng phạt người phạm tội, đồng thời để răn đe, cảnh tỉnh cho những người khác.
VKS đánh giá, hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài của bị cáo Nguyễn Thế Anh đã xâm phạm vào trật tự quản lý hành chính của nhà nước. Bị cáo Nguyễn Thế Anh là sĩ quan biên phòng, có chức vụ, quyền hạn nhất định nên phải nắm rõ các quy định pháp luật nhà nước, quy định về xuất nhập cảnh, nhưng vì che giấu hành vi phạm tội nhận hối lộ của mình đã hướng dẫn, đưa tiền cho bị cáo Nguyễn Văn An đi trốn.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh đã thông qua các mối quan hệ cá nhân để tổ chức cho Nguyễn Văn An trốn đi nước ngoài trái phép. Hành vi này của bị cáo Nguyễn Thế Anh cần được xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Bản thân có nhiều thành tích nhưng bị đồng tiền cám dỗ
Về việc xem xét vai trò của từng bị cáo, đại diện VKS quân sự Bộ đội biên phòng đánh giá, trước khi phạm tội bị cáo Phùng Danh Thoại có nhân thân tốt, đã có quá trình phục vụ quân đội và được quân đội tin tưởng giao quản lý ngành xăng dầu thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Tuy nhiên, vì vụ lợi cá nhân nên bị cáo đã không làm chủ được bản thân trước cám dỗ đồng tiền, bị lôi kéo tham gia cùng các đối tượng để buôn lậu xăng dầu.
Bị cáo phạm tội với vai trò thực hành, đồng phạm với các đối tượng ngoài quân đội. Do bị cáo là quân nhân nên thuộc thẩm quyền xét xử của quân đội. Bị cáo Thoại đã cùng đồng phạm phạm tội buôn lậu nhiều lần nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh trước khi phạm tội là cán bộ đã có thời gian dài công tác trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, đã lập được nhiều thành tích trong công tác đấu tranh với loại tội phạm ma túy. Bị cáo nhiều lần được khen thưởng, bản thân bị cáo được lực lượng biên phòng tin tưởng giao cho những trọng trách quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng bị cáo không thấy được điều đó để cống hiến, mà đã bị cám dỗ vật chất làm cho sa ngã vào tội nhận hối lộ. Khi vụ án bị phát hiện, Phan Thanh Hữu bị bắt, bị cáo đã tìm cách che giấu hành vi phạm tội của mình bằng cách tổ chức cho bị cáo Nguyễn Văn An trốn đi nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật hình sự.
Hành vi vi phạm của bị cáo Nguyễn Thế Anh là đặc biệt nghiêm trọng, với phương thức tinh vi là không tự mình đi nhận tiền hối lộ mà nhờ Nguyễn Văn An đi nhận tiền hối lộ từ Phan Thanh Hữu. Bị cáo đã nhiều lần nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu, mỗi lần nhận đều cấu thành tội "nhận hối lộ" nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng.
Đánh giá vai trò của 2 cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển số 3 và số 4 là Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh, VKS cho biết, trước khi phạm tội, 2 bị cáo này đều có nhân thân tốt, có quá trình cống hiến trong quân đội và lực lượng cảnh sát biển. Hai bị cáo này còn được tin tưởng giao chức vụ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, được phong quân hàm cấp tướng, nhưng vì lợi ích vật chất cám dỗ nên đã thực hiện hành vi nhận hối lộ, với vai trò chính trong vụ án.
Ngoài ra, khi vụ án bị phát hiện, bị cáo Thanh còn tìm cách né tránh trách nhiệm, bỏ mặc cho vợ là bị cáo Phan Thị Xuân nhận trách nhiệm.
Hành vi phạm tội của bị cáo Minh và Thanh phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định.
Cáo trạng cáo buộc, bị cáo Lê Văn Minh đã nhận 6,9 tỷ đồng hối lộ của Phan Thanh Hữu; Lê Xuân Thanh nhận của Hữu 1,8 tỷ đồng, mục đích giúp Hữu buôn lậu xăng.
VKS quân sự Bộ đội biên phòng đề nghị mức án với 14 bị cáo
1. Bị cáo Phùng Danh Thoại - cựu đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - phạm tội "Buôn lậu", phạt tù 7-9 năm tù.
2. Bị cáo Nguyễn Thế Anh - cựu đại tá, cựu Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cựu Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang - bị phạt tù chung thân về tội "Nhận hối lộ", 1-2 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép"; tổng hình phạt là chung thân.
3. Bị cáo Lê Văn Minh - cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển số 4 - bị phạt 15-17 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
4. Bị cáo Lê Văn Thanh - cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển số 4 - bị phạt 15 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhiệm chức vụ từ 3-5 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
5. Bị cáo Nguyễn Văn An (em họ bị cáo Nguyễn Thế Anh) bị đề nghị 17-18 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
6. Bị cáo Nguyễn Văn Hùng - cựu thượng tá, cựu Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh - bị đề nghị 17 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 3-5 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
7. Bị cáo Phan Thị Xuân (vợ bị can Lê Xuân Thanh) bị đề nghị 24-36 tháng tù treo về tội "Nhận hối lộ".
8. Bị cáo Nguyễn Thanh Lâm - cựu trung tá, cựu Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng - bị đề nghị 10-12 năm tù tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 3-5 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
9. Bị cáo Phạm Văn Trên - cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh - bị đề nghị 9-11 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 3-5 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
10. Bị cáo Sơn Hoàng Ngự - cựu thượng úy, cựu nhân viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh - bị đề nghị về 4-5 năm tù tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 1- 3 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
11. Bị cáo Lưu Thế Đức - cựu thiếu tá, cựu Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - bị đề nghị 4-5 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 1- 3 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
12. Bị cáo Lê Văn Phương, cựu thượng tá, cựu Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh - bị đề nghị 3-4 năm về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 1- 3 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
13. Bị cáo Phạm Hồ Hải - cựu Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh - bị đề nghị 7-8 năm tù về tội "Nhận hối lộ", cấm đảm nhận chức vụ 1- 3 năm sau khi chấp hành xong án phạt.
14. Bị cáo Cao Phước Hoài (lao động tự do) bị đề nghị 6-8 năm tù về tội "Không tố giác tội phạm".