Tâm điểm
Phạm Anh Thắng

Giữ chân người lao động

54% người lao động đang có tâm lý muốn nghỉ công ty mình đang theo làm. Đây là số liệu từ một khảo sát do Cargill Việt Nam (công ty thuộc tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp và dịch vụ tài chính) tiến hành, được công bố tại Hội thảo do ManpowerGroup tổ chức gần đây. Báo cáo khảo sát cũng chỉ ra tâm lý chung là "trước hậu quả kinh hoàng của đại dịch Covid - 19, suy nghĩ của đa số người lao động đã thay đổi. Họ thấy cuộc đời quá ngắn ngủi, thấy người thân ra đi, từ đó xuất hiện tâm lý "nghĩ xa quá làm gì cho mệt". Điều này tác động trực tiếp đến tâm lý, tình cảm của người lao động dẫn đến thay đổi thị trường lao động nói chung" (trích lời phát biểu của bà Nguyễn Tâm Thanh, Giám đốc nhân sự vùng Cargill Việt Nam và Thái Lan)

Tạm chưa bàn đến tính chính xác, mức độ tin cậy đối với số liệu khảo sát, nhưng quan sát thực tế từ tình hình cung - cầu lao động và nhu cầu nhân lực tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng thiếu hụt nhân lực đang diễn ra. Trong đó các doanh nghiệp bàn rất nhiều đến các giải pháp để làm sao "giữ chân" được người lao động. Thực tế, tình trạng "nhảy việc", tìm kiếm việc làm mới với thu nhập cao hơn, điều kiện phúc lợi tốt hơn đang diễn ra phổ biến ở các nhà máy, xí nghiệp và có lẽ sôi động nhất là khu vực các ngành dịch vụ. 

Giữ chân người lao động - 1

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM, trao quà hỗ trợ người lao động trong thời điểm bùng dịch Covid-19. (Ảnh: Xuân Hinh)

Người lao động mong muốn tìm việc làm phù hợp hơn, có mức lương, thu nhập cao hơn và điều kiện phúc lợi tốt hơn là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng của họ. Bởi, trong điều kiện môi trường làm việc lâu năm với mức lương, thu nhập èo uột, cuộc sống khó khăn, trong khi phải lo toan nhiều thứ như nhà ở, học hành của con cái và những chi phí cho sinh hoạt thường nhật thì việc "dứt áo ra đi" để tìm môi trường làm việc mới là điều đương nhiên. Cũng cần lưu ý rằng, mức lương tối thiểu hiện nay chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu cho người lao động, mà như ông Mai Văn Chính, nguyên Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam từng nói "mức lương tối thiểu đang nợ mức sống tối thiểu khoảng 15%". 

Hơn 20 năm sinh sống, công tác tại TPHCM, người viết bài này đã từng vào rất nhiều các khu nhà trọ để gặp gỡ công nhân, người lao động, tìm hiểu và trao đổi về đời sống của họ. Ngay trong thời điểm đại dịch Covid - 19 đang bùng phát ở TPHCM và các tỉnh phía Nam, tôi cũng đã từng vào tận các khu trọ để thăm hỏi, động viên người lao động. Qua đó mới thấy rằng đa số người lao động đang có cuộc sống rất khó khăn, không có tích lũy, khả năng chống chịu trước các rủi ro phát sinh là rất thấp. Và cũng thấy mong muốn chung của người lao động là ngoài lương, thu nhập tăng thêm (vốn không có cơ hội tăng cao đột biến) thì cái mà họ cần bên cạnh tiền lương là các chính sách an sinh, phúc lợi mà người sử dụng lao động, doanh nghiệp dành cho họ. 

Vậy hóa ra, để thu hút và giữ chân người lao động thì chỉ cần tăng lương thôi, hẳn chưa đủ. Một lao động đã từng gắn bó 11 năm với công ty FDI tại Khu công nghệ cao TPHCM từ khi mới vào làm, khi xin nghỉ việc, quyết tâm dứt áo ra đi để tìm bến đỗ mới đã từng ứa nước mắt mà tâm sự rằng: "Ở đây ai cũng tốt với em, các sếp rất quý em, công việc cũng đã quá thành thạo, nhưng làm mãi ở chỗ này thì em không thể. Bởi, sau lưng em là gia đình, các con em cần có chỗ học, nhà ở ổn định, em cần có thêm thu nhập để trang trải sinh hoạt cuộc sống, nhất là bây giờ giá cả mọi thứ đều tăng, …" 

"Lao động luôn là một vấn đề đại sự Quốc gia", nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội chưa bao giờ là vấn đề "nguội" trong thảo luận chính sách phát triển. Vậy nên, người lao động phải được quan tâm chăm lo để họ yên tâm lao động, sản xuất, cống hiến. Và để thu hút, giữ chân người lao động thì không chỉ bằng chính sách tiền lương mà phải đồng bộ cả các chính sách an sinh, phúc lợi đi kèm.

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về an sinh xã hội, về tiền lương… nhằm bảo vệ và không ngừng nâng cao quyền lợi của người lao động; đồng thời tiếp tục nghiên cứu cải cách, cải thiện các chính sách liên quan. Lương tối thiểu vùng đã được quyết định tăng sớm 6 tháng, áp dụng từ 1/7. Tuy nhiên, để thu hút, chăm lo và giữ chân người lao động, thiết nghĩ không chỉ là cơ chế, chính sách của Nhà nước mà phải bằng chính cả trách nhiệm của doanh nghiệp - Người sử dụng lao động để sao cho người lao động yên tâm cống hiến. 

Tác giảÔng Phạm Anh Thắng là Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!