Tâm điểm
Nguyễn Sĩ Dũng

Chính phủ sau một năm kiện toàn: Những thành tựu và thách thức

Kể từ khi Chính phủ được kiện toàn, một năm đã trôi qua. Một năm với nhiều thách thức, vừa điều hành nền kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm quốc phòng - an ninh, lại vừa chỉ đạo cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Chính phủ phải đối mặt với một núi công việc. 

Trong bộn bề và dồn nén công việc như vậy thì việc xác lập cho đúng ưu tiên rất quan trọng. Và có vẻ như Chính phủ đã làm rất tốt điều này. Khi vừa mới nhận chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận thấy nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, khó khăn nhất là cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Để khống chế được đại dịch, phải tạo ra được miễn dịch cộng đồng. Để tạo ra được miễn dịch cộng đồng, thì quan trọng là phải tiêm đủ vaccine đại trà cho toàn dân. 

Một chiến lược vaccine hiệu quả, toàn diện đã được các cấp có thẩm quyền cùng Chính phủ hình thành và thúc đẩy thành công. Ba nội dung cốt lõi của chiến lược này là: 1. Quỹ vaccine; 2. Chiến lược ngoại giao vaccine; 3. Chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân.

Quỹ vaccine là công cụ để bảo đảm nguồn lực tài chính cho việc mua sắm vaccine; Chiến lược ngoại giao vaccine nhằm bảo đảm việc tiếp cận và huy động các nguồn hỗ trợ. Chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân là để tạo ra miễn dịch cộng đồng và để mọi người dân đều được bảo vệ, không ai bị bỏ lại phía sau. Từ một nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới, chỉ trong hơn nửa năm điều hành của Chính phủ khóa mới, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất. Quả thật đây là thành tựu to lớn và đáng ghi nhận nhất của Chính phủ sau kiện toàn.

Một thành tựu khác là chuyển đổi thành công mô thức phòng chống dịch. Trong năm 2020, chúng ta đã phòng chống dịch theo mô thức zero Covid và thành công. Tuy nhiên, nó đã trở thành một vấn đề nan giải trong năm 2021. Với biến chủng Delta, dịch bệnh lây lan nhanh chóng và sâu rộng trong cộng đồng, các giải pháp của mô thức zero Covid như phong tỏa cứng, khoanh vùng rộng… không còn phát huy tác dụng. Quả thật, tình thế đã hoàn toàn thay đổi, thế nhưng mô thức zero Covid vẫn tiếp tục ngự trị. Hậu quả là với cách làm cũ, chúng ta đã không chỉ không thể đạt được trạng thái zero Covid, mà còn làm cho các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất - kinh doanh bị đình trệ và thất nghiệp tăng cao. Với Nghị quyết 128 của Chính phủ về mô thức phòng chống dịch mới - mô thức sống chung an toàn với Covid-19, nhiều hệ lụy của cách chống dịch cực đoan đã từng bước được khắc phục. Từ mức tăng trưởng âm 6,17% trong quý III, nền kinh tế đã dần phục hồi trở lại. Và cả năm 2021, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP ước đạt 2,58%.

Các gói chính sách tài chính và tiền tệ lên đến 350.000 tỷ đồng đã được Chính phủ thiết kế kịp thời, được Quốc hội thông qua để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế trong hai năm 2022-2023. Rất nhiều kinh nghiệm quý báu của các gói kích thích kinh tế trước đây đã được đúc kết trong những phản ứng chính sách lần này. Thắt chặt việc quản lý thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu để định hướng dòng tiền theo đúng các ưu tiên của nền kinh tế đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. 

Để tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá và lâu bền, thì cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông đóng một vai trò hết sức quan trọng. Thủ tướng đã không chỉ đặc biệt quan tâm, mà còn đặc biệt chi tiết trong việc thúc đẩy các dự án xây dựng đường cao tốc xuyên Việt. Một điểm mới trong chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng là chủ trương thúc đẩy hợp tác công tư. Bằng cách này, ngành giao thông sẽ huy động được nguồn lực to lớn của xã hội cho việc hiện thực hóa đột phá chiến lược trong xây dựng cơ sở hạ tầng.

Qua một năm, phương thức hành động của Chính phủ mới cũng dần được xác lập. Những nét đặc trưng của phương thức này là tập trung tối đa mọi nguồn lực - tâm lực, trí lực và tài lực cho các mục tiêu chiến lược quan trọng, kiên quyết không dàn trải, không phân tán; giải quyết các vấn đề đang được đề ra một cách dứt điểm, không để dây dưa, kéo dài. Nhờ cách làm này, 5/12 dự án yếu kém, tồn tại qua rất nhiều năm của Ngành Công Thương đã được xử lý.

Ngoài ra, những phản ứng chính sách ngày càng kỹ trị hơn cũng là điều dễ cảm nhận. Điều này thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng linh hoạt, an toàn trong phòng chống dịch. Việc Nghị quyết đòi hỏi các giải pháp phòng chống dịch phải được áp dụng tương thích với mức độ nguy cơ của dịch bệnh là một ví dụ cụ thể. Mức độ nguy cơ cũng được xác định dựa trên các dữ liệu khách quan: Số người bị nhiễm trên 1.000 dân; tỷ lệ tiêm chủng. Nhờ cách tiếp cận này, tính hợp lý của các giải pháp phòng chống dịch đã được bảo đảm. Việc cân đối giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, cũng như bảo đảm an sinh xã hội cũng đã đạt được. 

Các thành tựu trong việc khống chế đại dịch Covid-19; chuyển đổi mô thức phòng chống dịch để vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, vừa phục hồi đời sống kinh tế - xã hội và tạo đà tăng trưởng; thúc đẩy mạnh mẽ đột phá chiến lược về xây dựng cơ sở hạ tầng; phong cách hành động tập trung, quyết đáp và kỹ trị không phải là các thành tựu duy nhất của Chính phủ nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, đây có lẽ là những thành tựu dễ cảm nhận nhất. 

Tất nhiên, để tái mở cửa đất nước, phục hồi nền kinh tế và bảo đảm sự phát triển bền vững, những thách thức ở phía trước vẫn còn rất lớn.

Trước hết, đó là sự bất định của tình hình thế giới. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, mọi biến động của thế giới đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến Việt Nam. Đại dịch Covid bao giờ sẽ kết thúc; tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine sẽ diễn tiến ra sao; thế giới hậu Covid, hậu chiến tranh Nga-Ukraine sẽ như thế nào… là những vấn đề không dễ đoán định. Chèo lái đất nước trong bối cảnh như vậy, quả thật vô cùng khó khăn. Lấy cuộc chiến giữa Nga và Ukraine làm ví dụ, chúng ta sẽ phải ứng xử thế nào để vừa bảo vệ được những giá trị mà Việt Nam theo đuổi, vừa bảo vệ được lợi ích quốc gia, vừa chứng tỏ mình là một dân tộc sống có thủy, có chung? Chính phủ đang phải giải những bài toán vô cùng hóc búa. Về nguyên tắc, tình hình bất định, thì phản ứng chính sách buộc lòng phải hết sức linh hoạt. 

Hai là, các mục tiêu đề ra và kỳ vọng của người dân là rất cao. Trên cơ sở thành tựu chống dịch trong năm 2020, chúng ta chưa lường hết được dịch bệnh sẽ bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nên vào đầu nhiệm kỳ các mục tiêu đề ra ở mức cao. Chính phủ sẽ phải cố gắng gấp nhiều lần, sáng tạo gấp nhiều để hiện thực hóa các mục tiêu này.

Thứ ba, cải cách thể chế là rất quan trọng. Nhưng cải cách thể chế đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và Quốc hội. Thiết kế và thúc đẩy sự hợp tác này phải là một mảng công việc quan trọng của Chính phủ.

Trên đây, quả thực mới chỉ điểm danh một vài thách thức cơ bản nhất. Kể ra cho hết những thách thức đang chờ không hề dễ dàng. Tuy nhiên, bất chấp mọi thách thức, những thành tựu Chính phủ đã đạt được là rất cơ bản và rất quan trọng. Đây thật sự là tiền đề để Chính phủ hiện thực hóa những mục tiêu to lớn hơn của mình. 

Tác giả: TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông được biết đến là chuyên gia về các vấn đề khoa học chính trị; tham gia Nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.