Gói phục hồi kinh tế xã hội 350.000 tỷ đồng sẽ tập trung vào nhiệm vụ nào?

Hà Phong

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chia sẻ về "chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng" tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam.

Tập trung các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính 

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh "bình thường mới" do đại dịch, diễn biến tình hình tiếp tục phức tạp, cạnh tranh chiến lược gay gắt trên toàn cầu và trong khu vực, nhiều yếu tố bất ổn, khó lường chưa thể dự báo hết…

Việt Nam triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với chương trình tổng thể phòng chống dịch dựa trên kinh nghiệm đã được đúc kết về phòng chống dịch (gồm 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị, công thức 5K + vaccine + thuốc + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác, tăng cường năng lực y tế).

Gói phục hồi kinh tế xã hội 350.000 tỷ đồng sẽ tập trung vào nhiệm vụ nào? - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 21/2 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Nhấn mạnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (khoảng trên 4% GDP) sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan tỏa lớn; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Xác định nguồn lực bên trong gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài gồm hỗ trợ về thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị và trình độ nguồn nhân lực là quan trọng và đột phá, Việt Nam đang tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. 

Về thể chế, Việt Nam sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Về hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu...

Về đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đẩy mạnh phòng chống tiêu cực tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số (xây dựng hạ tầng số, Chính phủ số, công dân số, phát triển kinh tế số) và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trường kinh tế đơn thuần.

Trong điều kiện một nước đang phát triển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi bảo đảm công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi xanh, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, quản trị và nguồn nhân lực. 

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". 

Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại Diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.