Thủ tướng phát động chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 xuyên Tết

Hà An

(Dân trí) - Sáng 20/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động chiến dịch tiêm chủng mùa xuân 2022 từ ngày 1/2 đến 28/2, trong đó giao Bộ Y tế xây dựng kế hoạch thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác của ngành y tế diễn ra sáng 20/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã đi qua một năm 2021 với những khó khăn và thách thức chưa từng có, đặc biệt là với ngành y tế và để lại dấu ấn đặc biệt với nhiều cung bậc cảm xúc rất khác nhau. 

Thủ tướng cũng biểu dương thành tích của ngành y tế trong năm 2021, phòng chống dịch là điểm sáng nổi bật của năm.

Theo Thủ tướng, khi chưa có vaccine, thuốc, chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về virus, Việt Nam đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe của người dân trên hết nên buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để chống dịch, chống lây lan. Khi áp dụng biện hành chính, nền kinh tế, mọi hoạt động của đất nước bị đảo lộn, gây hậu quả về kinh tế tâm lý và các mặt xã hội khác. Virus là kẻ thù hoàn toàn vô hình nhưng rất nguy hiểm. 

Thủ tướng phát động chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 xuyên Tết - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực của ngành y tế trong năm 2021 (Ảnh: Trần Minh).

"Trong thời khắc khó khăn nhất, chúng ta không tuyên bố tình trạng khẩn cấp mà tăng cường giãn cách xã hội để chống dịch. Chúng ta không bị đổ vỡ về hệ thống y tế trên phạm vi cả nước đặc biệt là các tỉnh tâm dịch thời kỳ tháng 8-9. Đây là điều rất quan trọng", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nắm chắc dự báo tình hình, tuyệt đối không được lơ là chủ quan mất cảnh giác, thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Đồng thời cảnh giác với biến chủng mới, Omicron đã xâm nhập, đã có ca trong cộng đồng. Ngành y tế cũng cần thần tốc hơn nữa trong việc bao phủ vaccine cho các đối tượng theo nguyên tắc an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả.

"Các biện pháp chống dịch phải thống nhất trên toàn quốc, linh hoạt trong phạm vi nhất định, không được ngăn sông cấm chợ, nhất là khi đã có vaccine, không thể mỗi nơi làm một kiểu", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Y tế nghiên cứu việc tiêm vaccine cho trẻ 5 tuổi, tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao ý thức của người dân, tăng cường kiểm tra giám sát khen thưởng kỷ luật kịp thời…

Thủ tướng phát động chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 xuyên Tết - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết công tác ngành y tế sáng 20/1 (Ảnh: Trần Minh).

Đồng thời, Thủ tướng cũng phát động chiến dịch tiêm chủng mùa xuân 2022 từ ngày 1/2 đến ngày 28/2. Trong đó, giao Bộ Y tế xây dựng kế hoạch gồm mục tiêu, giải pháp, các phương án tổ chức thực hiện… Bộ cũng cần nhanh chóng xem xét công nhận vaccine, thuốc sản xuất trong nước theo nguyên tắc cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo yếu tố khoa học, an toàn và hiệu quả. 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn. Cùng đó, số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. 

"Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch", Bộ trưởng nói.

Trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 xuyên Tết và không có nghỉ tết. 

Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1-2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1-2022. Trong đó, đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 đến 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. 

TS Satoko Otsu, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chia sẻ: "Chúng ta cần xác định phải sống với Covid-19 thời gian dài. Nhiều quốc gia đã chứng kiến làn sóng mới do biến chủng Omicron gây ra. Việt Nam cũng đã báo cáo có ca Omicron cộng đồng". 

Theo bà, Omicron lây lan nhanh hơn biến chủng trước, có thể không gây bệnh nặng nhưng Việt Nam cần có động thái chủ động sẵn sàng trong việc gia tăng ca bệnh sắp tới. Có hai mục tiêu mà Việt Nam cần lưu ý là bảo vệ nhóm dân số nguy cơ cao dễ bị tổn thương và bảo đảm hệ thống y tế không bị quá tải. 

"Người dân đã quá mệt mỏi với các biện pháp y tế cộng đồng suốt 2 năm qua nên cần tuyên truyền để người dân không chủ quan dù đã tiêm vaccine", chuyên gia WHO nói.