Cái khó của những người viết văn trẻ
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 diễn ra trong hai ngày 18 và 19/6 tại thành phố biển Đà Nẵng với chủ đề "Vì sao chúng ta viết". Đây chắc hẳn là câu hỏi luôn vang lên với mỗi nhà văn khi cầm bút.
"Nếu viết trở nên khó khăn, đó là bởi nó khó. Viết là một trong những việc khó khăn nhất mà con người có thể làm"- William Zinsser, nhà văn nổi tiếng người Mỹ đã nói như vậy. Không thần thánh hóa, quan trọng hóa công việc của nhà văn, nhưng thực sự, viết chưa bao giờ là điều dễ dàng, ngay cả với người tài năng nhất.
Mọi nhà văn có lẽ đều trải qua cảm giác thất vọng về những gì mình viết ra ít nhất một vài lần trong đời. Rằng nó quá bé nhỏ, chật hẹp, thậm chí ngớ ngẩn so với đời sống mênh mông rộng lớn vô cùng vô tận ngoài kia. Đôi khi nhà văn bị cảm giác bất lực xâm chiếm, cảm thấy ngòi bút không thể nào chạm đến điều mà họ ước mơ, mong muốn. Như người chèo thuyền muốn tìm đến bờ bên kia, nhà văn dùng chữ để làm phương tiện, nhưng không ít thời khắc ngặt nghèo, họ thấy mình chới với giữa dòng. Đó thực sự là một cảm giác cùng cực, không thể diễn tả. Nó cho thấy sự vô vọng của con chữ, sự vô tăm tích của nghề viết. Và cùng với đó, nó là lý do cho thấy sự hấp dẫn, bí ẩn lôi cuốn người cầm bút.
Không gì đáng sợ và thu hút hơn một hành trình mà người ta không thể nào đoán định kết quả cuối cùng là gì. Chữ có hào quang cho một số người và chữ có thể hủy hoại không ít người. Đôi khi ta mất toi cả cuộc đời vì chạy theo một cuộc tình là như vậy.
Khi còn trẻ, tôi đã bàng hoàng đọc về nhà văn Kafka. Thế giới xếp ông vào danh sách các nhà văn vĩ đại của thế kỷ 20, nhưng ngược lại, cả đời cầm bút ông không ngừng thất vọng về chữ của chính mình. Trước khi qua đời ở tuổi 41, Kafka đã đề nghị bạn mình là Max Brod và người yêu Dora Diamant đốt tất cả bản thảo của ông. Tôi tự hỏi, một nhà văn dành cả đời mình để viết, và đã sống mà không thể không viết, nhưng cuối cùng lại muốn tiêu hủy hoàn toàn những gì mình viết ra là vì sao? Vậy ông ta viết để làm gì? Nhưng giờ khi đã trưởng thành, nhiều trải nghiệm hơn trong công việc của người cầm bút, tôi phần nào lý giải được cảm giác đó.
Viết khó, vậy nó khó hơn khi người ta còn trẻ hay khi người ta đã già? Câu trả lời là cả hai. Nhưng lý do thì có khác.
Trẻ, như người ta thường nói, ngoài bầu nhiệt huyết bừng bừng tuổi đôi mươi, cái gì của anh cũng thiếu: nào kinh nghiệm, nào vốn sống, nào kỹ năng.
Trẻ, người ta dễ chạy đuổi theo những thứ ngỡ là quan trọng và tốn nhiều năng lượng cho nó.
Trẻ, người ta dễ đau đớn bởi một vài lời chê bai dị nghị, và cũng dễ hưng phấn, ảo tưởng bởi một vài lời khen ngợi, bốc thơm.
Trẻ, người ta không chịu nổi cảm giác vô danh, người ta nôn nóng nhìn ngang ngó dọc, người ta loay hoay chọn lối này lối kia, và quẫy cựa cái tôi cho nhu cầu được thể hiện mạnh mẽ đang hối thúc.
Trẻ của 6X, 7X chúng tôi đã là như vậy, nhưng Trẻ của hôm nay còn "phiền phức" hơn, khi thế giới đã trở nên chìm ngập sắc màu giải trí. Không gian mạng mở ra vô số ngả đường, cách thức, mỗi phút mỗi giây phân tán cặp mắt nhìn và cái đầu khôn ngoan của tuổi trẻ. Cuộc sống đang trôi đi với tốc độ chóng mặt. Những hứa hẹn "vươn tới một ngôi sao" trong một khoảng thời gian ngắn không ngừng dội vào tâm trí người trẻ nhờ sự hỗ trợ của những thành tựu về công nghệ.
Ngày nay, người ta có thể đúc rút công thức tạo nên một ngôi sao truyền hình, điện ảnh, âm nhạc… Nhưng đáng ghét thay, vẫn chẳng có công thức nào để trở thành nhà văn cả. Chọn viết trong một thế giới như vậy đã là một sự dũng cảm. Không thể không cảm động khi một người trẻ chọn nghề cầm bút, đơn độc với chiếc bàn phím trong bóng tối của thanh xuân, mà xung quanh, để thành công, người ta làm gì cũng phải có ê-kip. Nhà văn chưa, và mãi mãi không bao giờ hành nghề theo tâm lý ê-kip, ngay cả khi họ đã tham gia hội đoàn, bút nhóm. Thậm chí thế gian càng trở nên muôn màu sắc rộn ràng, thì họ càng phải chấp nhận sống với một mình, cô độc. Sáng tạo của nhà văn là tuyệt đối cô đơn.
Do vậy, cái khó của nhà văn trẻ hôm nay là làm sao để có thể sống trong cái cô đơn tuyệt đối đó. Thời của chúng tôi chưa có internet, công nghệ số, chưa có nhiều phương tiện giải trí, lối sống và khoảng cách thu nhập giữa nhiều ngành nghề chưa quá xa, việc sống được trong cái tĩnh lặng cô đơn rõ ràng dễ hơn nhà văn Trẻ hôm nay.
Nhưng theo tôi nghĩ, cái khó muôn đời của nhà văn Trẻ ở nước Nam mình, là câu chuyện mưu sinh. Khi người ta đôi mươi, bước chân vào đời, chọn lấy một cái nghề, thì mong ước đầu tiên là đảm bảo đời sống. Nói ngắn gọn là kiếm ra tiền, lo cho bản thân gia đình, thoát khỏi hai từ "ăn bám". Gánh mưu sinh đó thế kỷ này qua thế kỷ khác dường như nó luôn "chừa" cái nghề cầm bút ra. Cho nên, nhà văn trở thành nghiệp. Và người ta trở thành nhà văn là bởi đã chọn thêm một nghề khác kiếm sống nuôi nghề văn.
Chúng ta đang sống trong xã hội tiêu thụ. Con người càng ngày càng trở nên nhiều nhu cầu vật chất hơn. Nhà văn trẻ khó có thể ngồi yên viết văn, theo đuổi một câu chuyện mà chính họ cũng không biết nó sẽ mang lại điều gì cho đến khi tác phẩm thực sự đến với độc giả, trong sự thúc bách của đời sống xung quanh. Gánh nặng cơm áo chưa khi nào là nhẹ, nó có thể làm xộc xệch cả ước mơ, thái độ người viết với nghề. Dần dần người ta có thể xa rời với những xác tín ban đầu, chỉ bởi những trang viết mùa vụ, câu view, câu like, gây sự chú ý bằng làm xiếc ngôn từ. Mỏi mệt, dừng chân, chuyển hướng chọn đường khác dễ đi là chuyện "thường ngày ở huyện" với người viết trẻ, ngoài lý do tài năng là lý do mưu sinh. Mỗi thế hệ nhìn lại, đội ngũ trẻ trung hăm hở buổi đầu hao hụt dần, đến một ngày điểm mặt gọi tên còn rất ít.
Viết đến đây vẫn cần phải nhắc lại quan điểm, nghề cầm bút không sang hơn nghề nào. Nhưng độ khó chắc chắn nó không đứng sau nghề nào. Đã khó còn khổ, còn gánh theo bao nhiêu áp lực. Cái áp lực vô hình của con chữ dù muốn hay không vẫn luôn là một cái ách đè nặng lên tiềm thức người cầm bút. Dĩ nhiên nhà văn có quyền viết nhạt, viết dở - anh ta hiểu điều đó, nhưng viết nhạt, viết dở là con đường đến với cái chết nhanh nhất của nhà văn - anh ta cũng biết điều đó. Như Kafka vĩ đại của thế kỷ 20 đã "tự kỷ" đến nỗi muốn đốt hết những gì mình viết ra cùng với cái chết của mình. Một người đã dành toàn bộ thời gian sống để hiểu ra một điều cốt tử, nghề viết thật tốn thời gian mà rồi có khi ta vẫn thấy tuyệt vọng về nó.
Cho nên, nếu tỉnh táo và thiếu chút "điên rồ", người ta khó mà trở thành nhà văn. Bởi chỉ khi điên rồ người ta mới sẵn sàng với những phiêu lưu, dấn thân và mong muốn tìm kiếm những mới mẻ cho chính mình và cho thế giới.
Đời sống chưa bao giờ thuận tiện như hôm nay, với sự trợ giúp của các thành tựu khoa học, công nghệ. Trí tuệ nhân tạo đang thay thế con người trong rất nhiều công việc, nhưng tôi tin rằng viết văn là nghề không bao giờ thất nghiệp. Ngược lại, nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng sẽ chính là phương thuốc để giúp con người khỏi nguy cơ bị máy móc hóa.
Nghề văn là nghề khó. Khi còn trẻ, sẵn sàng với nghề văn là một lựa chọn khó. Bởi vậy, hãy không ngừng cổ vũ nhà văn trẻ để họ có thể phiêu lưu tận cùng trên con đường của mình.
Tác giả: Bình Nguyên Trang tên thật là Vũ Thị Quỳnh Trang, tác giả của nhiều tập thơ, truyện ngắn, ký chân dung. Chị từng đoạt giải thưởng văn chương của báo Hoa Học Trò, Áo Trắng, Mực Tím, Tiền Phong, giải B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ "Những bông hoa đang thiền". Hiện nhà văn Bình Nguyên Trang công tác tại báo Nhân Dân.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!