Tâm điểm
Bích Diệp

Biểu tượng của ngành y

Cách đây vài tháng, do sức khỏe không tốt nên tôi phải nằm viện nhiều ngày. Thú thật, dù biết là không nên những hễ tiêm truyền và uống thuốc xong theo hướng dẫn của bác sĩ là tôi lại tìm cách trốn về nhà, bởi chỉ ở trong bệnh viện 5-7 ngày thôi nhưng tôi thấy thời gian trôi chậm chạp như cả tháng trời vậy.

Mùi thuốc men, chất khử trùng, bệnh nhân chen chúc đông đúc, sự khốn khổ hằn lên gương mặt người bệnh, sự cáu gắt khó chịu của người nhà... Mỗi giây mỗi phút trong bầu không khí ấy, tôi lại có cảm tưởng như tất cả những gì ngột ngạt nhất của đời sống đều đã dồn vào bệnh viện. Bệnh tật, nỗi cô đơn và cả những cơn đau thể xác... 

Lúc đó tôi tâm sự với bạn mình, dẫu cho lương tháng cả trăm triệu đồng thì tôi cũng không nghĩ là tôi sẽ sẵn sàng chọn môi trường làm việc ở bệnh viện. Và tôi tin rằng nhiều bệnh nhân cùng có suy nghĩ như vậy. Một người bạn vong niên của tôi chia sẻ rằng, bệnh nhân khỏe lại thì hớn hở thoát khỏi cái ngột ngạt và không khí đặc trưng chẳng thể nào chịu nổi của bệnh viện, còn các bác sĩ vẫn phải ở lại, cả đời họ sống trong môi trường ấy.

Biết bao thầy thuốc là nữ giới, họ còn làm vợ, làm mẹ, ngoài công việc kiếm sống họ cũng có vô vàn công việc gia đình phải lo toan, gánh vác như bao người phụ nữ khác. Nếu họ không được tôn trọng, không được chăm sóc thì thử hỏi họ có thể nào cứ làm được "mẹ hiền" của xã hội như thiên chức nghề nghiệp của họ đòi hỏi hay không..!

Biểu tượng của ngành y - 1

Hình ảnh logo lạ của Bộ Y tế lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh: FB).

Bởi vậy nên khi xảy ra vụ sửa logo Bộ Y tế thành "rắn ngậm phong bì" ồn ào trên mạng xã hội và nhiều người lấy đó để đùa cợt về nghề thầy thuốc, tôi thấy xót xa như chuyện của mình dù không công tác trong ngành y. Tôi nhớ đến những người bác sĩ đã giúp tôi vượt cạn 2 lần, đã cấp cứu người thân tôi những lúc nguy kịch, đã khám chữa cho các con tôi những lúc ốm đau..., và thầm cảm ơn họ đã lựa chọn nghề nghiệp ấy.

Đa số chúng ta để lấy bằng cử nhân mất 4 năm và mất 5 năm để lấy bằng kỹ sư, nếu muốn học lên thạc sĩ cũng chỉ mất thêm 2 năm, thế nhưng để trở thành một bác sĩ cần tối thiểu 6 năm và mất thêm nhiều năm nữa để phấn đấu làm bác sĩ giỏi.

Việt Nam hiện có khoảng 80.000 bác sĩ và hơn 128.000 y tá trên toàn quốc. Đây là con số còn khiêm tốn so với tổng dân số cả nước vì tính ra chúng ta có chưa đến 1 bác sĩ và 2 y tá/1.000 người dân. Nhân lực ngành y là "vốn quý" vì đây là một nghề phải học hành, rèn luyện với thời gian dài, phải chịu đựng rất nhiều thứ mà người bình thường như tôi không thể, thì họ phải có thu nhập xứng đáng và phải nhận được sự tôn trọng của xã hội.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi không biết rằng có những tiêu cực trong ngành y, có những chuyện vòi vĩnh phong bì ở nơi này nơi khác. Nhưng từ thực tế là một bệnh nhân nằm viện, tôi không nghĩ rằng hiện tượng như vậy là phổ biến. Và trong nhiều trường hợp, khi bệnh nhân được cứu chữa, gia đình thực sự biết ơn bác sĩ thì xin đừng nghĩ xấu về chiếc phong bì.

Ngành y tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bệnh viện vẫn quá tải, trong khi thu nhập chưa được cải thiện là một trong những lý do khiến hàng nghìn nhân viên y tế khu vực công xin nghỉ việc, chuyển chỗ làm thời gian qua. Thực tế này cho chúng ta thấy rằng ngành y vất vả song thu nhập vẫn là sự trăn trở của những người đang phục vụ trong ngành này.

Theo báo cáo "Tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam", nguồn tài chính cho chi tiêu y tế chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước và bảo hiểm. Mặc dù nhận được sự ưu tiên của Chính phủ, nhưng tốc độ gia tăng ngân sách cho y tế không tăng nhanh bằng tốc độ gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, dẫn tới thiếu hụt ngân sách.

Vậy nên, vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để tăng tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam; thêm sự quan tâm, đầu tư cho cơ sở hạ tầng của ngành y tế, cũng như đầu tư cho nhân lực ngành y (bao gồm bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, dược sĩ…).

Trong bối cảnh sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm và già hóa dân số thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có trình độ, đặc biệt ở tuyến cơ sở; có cơ chế chính sách đảm bảo chất lượng chuyên môn y tế và chất lượng đào tạo tại các trường đại học y; và đảm bảo mức lương xứng đáng cho các cán bộ y tế là vô cùng cần thiết. Dĩ nhiên, chúng ta không cần thêm những lời đùa cợt, những sự phê phán thiếu tỉnh táo theo kiểu "vơ đũa cả nắm".

Chúng ta không coi nhẹ và không dung túng cho tiêu cực trong bất cứ ngành nghề nào, gồm cả ngành y. Thực tế nhiều bác sĩ "nhúng chàm" liên quan đến vụ Việt Á đang phải trả giá đắt. Nhưng chúng ta cần tôn trọng những người thầy thuốc, tôn trọng biểu tượng con rắn quấn quanh chiếc gậy của ngành y - một biểu tượng đẹp dựa vào truyền thuyết đặc biệt, tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ của nhân loại.

Tôn trọng các y bác sĩ, tôn trọng ngành y cũng là thái độ rất "con người", cần có ở bất cứ ai và chẳng ngẫu nhiên mà từ xa xưa họ đã được xã hội gọi là "thầy thuốc"! Nên nhớ, cuộc đời chúng ta, bất cứ ai cũng đều trải qua "sinh - lão - bệnh - tử" và ở giai đoạn nào cũng đều cậy nhờ đến họ, những người y, bác sĩ!

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!