Vụ "rắn ngậm phong bì": Sử dụng sai logo của cơ quan, tổ chức có bị phạt?

Thế Hưng Khả Vân

(Dân trí) - Nếu hình ảnh logo "rắn ngậm phong bì" được dùng với dụng ý bôi nhọ uy tín của ngành y thì tùy tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vụ sửa, cắt ghép Logo của Bộ y tế thành con rắn quấn quanh cây gậy theo hình chữ S và "ngậm phong bì" tại logo trên phông nền của lễ khai mạc kỳ thi "Nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022" diễn ra sáng 10/9 tại Trường Đại học Y Hà Nội đang gây xôn xao dư luận. Vụ việc này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành Y và cơ quan công an đang vào cuộc xác minh.

Độc giả Dân trí băn khoăn, đây là sự việc khá hi hữu và hiếm gặp, pháp luật có chế tài xử phạt nào đối với việc sử dụng sai logo của cơ quan, tổ chức không? Nếu có, hình thức xử phạt sẽ được áp dụng thế nào trong trường hợp này?

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, vụ việc làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của ngành y. Vì vậy cơ quan chức năng cần sớm làm rõ và xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Vụ rắn ngậm phong bì: Sử dụng sai logo của cơ quan, tổ chức có bị phạt? - 1

Hình ảnh logo lạ của Bộ Y tế lan truyền trên mạng xã hội.

Hình phạt cao nhất là phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc án tù từ 2-7 năm!

Theo luật sư, việc chỉnh sửa ảnh với mục đích giải trí sẽ đem lại rất nhiều tiếng cười và khoảng thời gian thư giãn và vui vẻ. Tuy nhiên, việc chỉnh sửa, sửa chữa và ghép ảnh sẽ gây ra hậu quả không lường trước được nếu như có mục đích xấu.

Hình ảnh "con rắn quấn quanh cây gậy" là biểu tượng của ngành y đã được quốc tế hóa, màu trắng là màu của ngành Y tế, tượng trưng cho sự khôn ngoan khả năng chữa trị và kéo dài tuổi thọ. Nếu hình ảnh logo "rắn ngậm phong bì" được dùng với dụng ý bôi nhọ uy tín của ngành y thì tùy theo tính chất, mức độ mà người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng tải những thông tin hình ảnh làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế có thể bị xử phạt từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ- CP. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm trên còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó người này có thể bị áp dụng mức hình phạt thấp nhất tương ứng phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và cao nhất là bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Ngoài ra, người thực hiện hành vi này còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Tiền phân tích, đối với hành vi của người cán bộ kĩ thuật thì theo như thông tin ban đầu, Bộ Y tế đã gửi sang Trường đại học Y Hà Nội mẫu logo của Bộ Y tế là không có sai sót. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, cán bộ kỹ thuật của trường đã lấy logo ở trên mạng đưa vào mà không để ý rằng logo không đúng với logo chính thức của bộ.

Không rõ vì cố tình hay vô ý, nhưng việc sử dụng logo này đã gây nhiều bức xúc trong ngành y, làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ cán bộ,... Vì vậy, người phụ trách nhiệm vụ này sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật và nếu có căn cứ chứng minh hành vi của người này nhằm mục đích bôi nhọ, xuyên tạc danh dự nhân phẩm của Bộ Y tế thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với việc tài liệu hướng dẫn ôn thi môn ngoại ngữ của Bộ Y tế ban hành nội bộ trong kỳ thi này cũng gặp lỗi sai tương tự, cơ quan chức năng cũng cần phải điều tra, xác minh để xử lý kịp thời.

Vụ rắn ngậm phong bì: Sử dụng sai logo của cơ quan, tổ chức có bị phạt? - 2

Hình ảnh logo chính thức của Bộ Y tế.

Qua sự việc này, luật sư cũng khuyến cáo rằng, cơ quan chức năng cần rà soát triển khai các biện pháp để ngăn chặn, xử lý các hành vi sửa chữa, cắt ghép xuyên tạc không chỉ là logo mà còn nhiều đối tượng khác nữa. Việc cán bộ kỹ thuật viên sao chép logo trên mạng cũng xuất phát nguyên nhân từ việc lỏng lẻo trong khâu quản lý trên mạng xã hội khi để những hình ảnh xuyên tạc tràn lan.

Bên cạnh đó, các cá nhân, cơ quan tổ chức cần phải có trách nhiệm cao hơn nữa trong việc kiểm tra chọn lọc thông tin khi được giao tổ chức một sự kiện nào đó. Rõ ràng, chưa cần biết nguyên nhân chủ quan hay khách quan nhưng để sự việc xảy ra, về mặt trách nhiệm pháp lý thì người được giao thực hiện nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Bài học đắt giá trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao

Bình luận về vụ việc, Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật Chính pháp cho rằng, đối với ngành y tế thì phong bì là hai từ nhạy cảm. Việc cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế nhận "phong bì" của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trở thành "vấn nạn" của nhiều năm trước ở một số cơ sở khám chữa bệnh khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế.

Nhận phong bì của người nhà bệnh nhân chính là hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ; là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xem xét xử lý bởi những hành vi đó sẽ làm bất bình đẳng trong xã hội, làm gia tăng tham nhũng, tiêu cực và ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, làm suy giảm y đức của các cán bộ ngành y tế.

Bởi vậy, rất nhiều lãnh đạo Bộ Y tế đã phát động phong trào "nói không với phong bì" và yêu cầu xử lý nghiêm nếu như phát hiện trường hợp bác sĩ, nhân viên y tế nhận phong bì của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Thế nhưng không hiểu lý do gì mà trong tài liệu ôn thi của trường này lại có logo "lạ" thể hiện hình ảnh con rắn ngậm phong bì rất "trào phúng" và có ý xấu, xúc phạm đến uy tín của ngành y tế. Hình ảnh đó khiến các bác sĩ chân chính chạnh lòng.

Trong bối cảnh phòng chống tham nhũng quyết liệt như hiện nay, đặc biệt là phòng chống và xử lý hành vi tham nhũng trong lĩnh vực y tế thời gian qua khiến tư lệnh ngành của ngành y tế, giám đốc một số bệnh viện, lãnh đạo cơ sở y tế ở nhiều địa phương bị khởi tố, xử lý hình sự. Việc này khiến tâm lý của nhiều cán bộ bác sĩ dao động; niềm tin của người dân đối với ngành y tế giảm sút, thì nay lại xuất hiện câu chuyện này.

Sự việc này rõ ràng ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế, gây ra những suy nghĩ tiêu cực trong xã hội. Bởi vậy cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ động cơ của sai phạm để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Với những cán bộ phụ trách trong việc quản lý, in ấn, phát hành và lưu hành những tài liệu này mà không phát hiện hoặc cố ý đưa ra hình ảnh logo "trào phúng" như vậy thì cần phải xem xét xử lý kỷ luật. Nếu hành vi là cố ý tuyên truyền có yếu tố chính trị, xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì còn có thể xem xét xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc. Đồng thời, nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội danh mà bộ luật hình sự quy định thì có thể xem xét xử lý bằng chế tài hình sự.

Luật sư Cường cho rằng, đây là một vụ việc đáng tiếc và cũng đáng báo động trong công tác quản lý. Hiện tượng các băng rôn, khẩu hiệu, biển hiệu quảng cáo, các phông bạt của các cơ quan tổ chức thời gian qua liên tục có những sai sót do sự thiếu trách nhiệm của người tổ chức thực hiện in ấn, kiểm tra, nghiệm thu, lưu hành sử dụng khiến nhiều vụ việc dở khóc dở cười, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tổ chức. Bởi vậy, đây là bài học đắt giá trong việc quản lý công việc, quản lý con người khi thực hiện các nhiệm vụ được giao.