Bắt ông Trịnh Văn Quyết: "Sự kiện" chứ đâu là "sự cố"!
Hơn 2 tháng trước, ngay sau khi vụ việc ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu FLC bị phát giác, tôi có bài viết "Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cần mạnh tay hơn nữa để làm sạch thị trường!" trên mục BLOG đăng ngày 13/1.
Ở bài viết trên, tôi có dẫn đánh giá của một người hoạt động trong ngành chứng khoán cho biết, với những giao dịch tương tự, khi xác định là có hành vi che giấu thông tin, gây thiệt hại cho thị trường và nhà đầu tư thì có thể áp dụng xử lý hình sự.
Sau đó, ngày 18/1, ông Quyết bị UBCKNN ban hành quyết định xử phạt hành chính với số tiền 1,5 tỷ đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng. Chưa dừng lại, ngày 29/3, các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết cùng một số cá nhân khác đã được ban hành. Chủ tịch FLC bị cáo buộc "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trái với những dự cảm, "đoán già đoán non" về cơn bán tháo chực chờ, thị trường chung vẫn khỏe. Ngoại trừ "họ" cổ phiếu FLC và các mã đầu cơ bị bán mạnh, thậm chí "khóa sàn" (giảm sàn và tắt thanh khoản khiến nhà đầu tư mắc kẹt lại), phiên 30/3, VN-Index có những thời điểm vượt 1.500 điểm còn VN30-Index phần lớn thời gian tăng điểm trước khi đóng phiên ngay sát đường tham chiếu.
Tâm lý thị trường nhìn chung vẫn vững, không xuất hiện bán tháo (vì cả phiên chỉ có trên 40 mã giảm sàn), có chăng là sự dịch chuyển của dòng tiền rút khỏi dòng cổ phiếu đầu cơ để chảy sang các mã có triển vọng kinh doanh tích cực và nền tảng tốt.
Đáng chú ý là từ đêm hôm trước và đặc biệt là vào giờ nghỉ trưa, mạng xã hội lại tiếp tục lan truyền những tin đồn mới về một số nhân vật quan trọng khác, tuy vậy, thị trường chỉ "nhúng nhẹ" đầu phiên chiều rồi hồi phục ngay sau đó.
Điều này khá bất ngờ với một người quan sát, theo dõi thị trường chứng khoán nhiều năm như tôi. Giai đoạn trước, khi xuất hiện thông tin bắt bớ (kể cả khi mới ở dạng tin đồn) thì chứng khoán lập tức sẽ phản ứng tiêu cực, nhưng lần này thì không (ít nhất là cho đến thời điểm tôi thực hiện bài viết này).
Tôi tự hỏi, liệu có phải là những gì đang diễn ra phù hợp với kỳ vọng, với sự mong đợi của nhà đầu tư về một thị trường trong sạch, minh bạch và lành mạnh hơn hay không?
Trước đây, mặc dù cơ quan quản lý vẫn thường xuyên công bố phát hiện vi phạm và xử phạt, nhưng vi phạm vẫn liên tục xuất hiện và tái diễn. Cộng đồng nhà đầu tư bức xúc bởi sự hiện diện một cách ngang nhiên, lộ liễu của những chiêu thổi giá, "lùa gà", "đánh úp". Một trong những nguyên nhân được cho là mức phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, khiến người vi phạm trở nên "nhờn luật". Ngay như trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, năm 2017, vị đại gia này lúc đó cũng có giao dịch "chui" mà chỉ bị phạt… 65 triệu đồng!
Ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT - đã đánh giá sự kiện bắt ông Trịnh Văn Quyết sẽ có tác động theo hướng tích cực đến thị trường: Chấn chỉnh tâm lý đầu cơ, đánh bạc; đội lái sẽ giảm bớt và việc nắn dòng vốn đầu tư sẽ diễn ra rất rõ.
Việc thể hiện quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh và minh bạch của thị trường sẽ thúc đẩy một luồng vốn quy mô lớn vào thị trường chứng khoán vì đây vẫn là nơi phân bổ tài sản chất lượng và là nơi huy động vốn trung, dài hạn tốt cho nhóm công ty làm ăn "đàng hoàng, minh bạch".
Đồng thời, vụ việc trên còn được đánh giá là pha "ghi điểm" trong mắt các nhà đầu tư ngoại đi kèm với triển vọng sáng sủa cho việc nâng hạng của thị trường chứng khoán trong tương lai gần (2024 - 2025) khi những lực cản trở định tính đã được gỡ bỏ (kém minh bạch, hệ thống giao dịch lỗi thời..).
Tư duy một cách thật đơn giản thế này: Người có vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho người khác, ảnh hưởng đến thị trường chung thì mới bị khởi tố. Dù nhân vật đó là ai, có vị trí, chức vụ như thế nào thì trước pháp luật cũng bình đẳng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tới đây, khi hoạt động điều tra được mở rộng, có thể những người có liên quan, bao che, tiếp tay cho những vi phạm của nhóm ông Trịnh Văn Quyết cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng. Lúc đó, tôi tin rằng, nhà đầu tư cũng sẽ lấy làm phấn chấn, ủng hộ cơ quan điều tra, ủng hộ tinh thần thượng tôn pháp luật - thay vì coi đó là "sự cố" thì nên coi là "sự kiện", là cơ hội để thị trường phát triển đi lên.
Về mặt điều hành, ngay trong ngày 30/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Tài chính, UBCKNN và Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp ổn định thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Chính phủ và các cơ quan hữu quan đều đang nỗ lực bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững, và vì vậy, nhà đầu tư càng có cơ sở để tự tin vào sự đi lên của thị trường trong dài hạn, bất chấp tin tức hay tin đồn bắt bớ lan tràn.