UBCKNN cần mạnh tay hơn nữa để làm sạch thị trường!
(Dân trí) - Dư luận mấy hôm nay "dậy sóng" về vụ bán chui cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FLC...
Đáng nói là giao dịch "bán chui" của ông Quyết (vừa là nhà sáng lập, vừa là cổ đông lớn) chiếm đến phân nửa tổng số lượng cổ phiếu được khớp lệnh trong ngày 10/1. Gần như lập tức sau khi giao dịch kết thúc, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đã có báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về "giao dịch chui" này. Đại gia trên sau đó bị phong tỏa toàn bộ các tài khoản mở tại các công ty chứng khoán, đồng thời, giao dịch nói trên bị hủy kết quả, nhà đầu tư được khẳng định là sẽ nhận lại số tiền đã mua đối ứng trong giao dịch này.
Nhìn chung, động thái cứng rắn và kịp thời của giới chức trách trong lần xử lý này được giới quan sát và nhà đầu tư trên thị trường đánh giá cao. Lãnh đạo UB CKNN cũng thừa nhận rằng, việc hủy kết quả đối với một giao dịch "chui" - xác nhận là không hợp pháp - song lại chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra trong lịch sử vận hành thị trường.
Với quyết định này của cơ quan chức năng, những nhà đầu tư mua phải cổ phiếu "bán chui" sẽ nhận lại tiền, hay nói cách khác, quyền lợi của họ được bảo vệ.
Dù vậy, cũng phải thấy rằng, do ảnh hưởng của giao dịch "chui" nói trên mà giá cổ phiếu bị lao dốc, phiên 12/1, cổ phiếu liên quan đến tập đoàn nói trên bị "khóa sàn". Những nhà đầu tư đã kịp thoát thì không nói làm gì, có thể có người vẫn bị thiệt hại nhưng còn có lãi (tức giảm lãi), còn nhiều nhà đầu tư "đu đỉnh" ở phiên 9/1 và 10/1 thì sao? Họ không có cơ hội thoát hàng do cổ phiếu chưa về tới tài khoản và thua lỗ là chắc chắn.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên ông Quyết vi phạm công bố thông tin, cũng không phải là trường hợp hiếm về mua - bán "chui" cổ phiếu. Vào website của UB CKNN thấy rằng, mỗi ngày cơ quan này lại ban hành một loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Có nghĩa là, phát hiện vi phạm thì thường xuyên, xử phạt cũng thường xuyên, nhưng vi phạm vẫn liên tục xuất hiện. Vì nhà đầu tư không hiểu luật? Hay vì phạt nhẹ quá, không đủ sức răn đe, vì thế những người vi phạm trở nên "nhờn luật"? Còn nhớ năm 2017, chính vị đại gia kia cũng có giao dịch "chui" mà chỉ bị phạt có… 65 triệu đồng!
Một số độc giả Dân trí đánh giá sự kiện này là "chuyện thật mà như đùa". Độc giả Thu Hương Lê đặt câu hỏi: "Trả lại tiền còn là ít, cả sàn bị ảnh hưởng thì ai bồi thường?". Độc giả Bình Minh còn so sánh: "Xét về bản chất thì vụ việc bán chui cổ phiếu này có lẽ cũng giống như vụ mua bán cổ phần AVG, đều giống nhau là một loại tài sản vô hình, lợi dụng cái vô hình để trục lợi".
Một thanh tra viên trong lĩnh vực chứng khoán có trao đổi với người viết rằng, thực tế là với những giao dịch tương tự, khi xác định là có hành vi che giấu thông tin, gây thiệt hại cho thị trường và nhà đầu tư thì có thể áp dụng xử lý hình sự.
Trên thế giới không phải không có giao dịch "chui", giao dịch nội gián, song luật pháp nhiều quốc gia xử phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi này.
Ở Mỹ, một người bị kết tội là giao dịch nội gián có thể bị phạt tối đa là 5 triệu USD hoặc lên đến 20 năm tù. Ở Hồng Kông, người bị kết tội giao dịch nội gián có thể đối mặt với mức phạt tối đa 10 triệu HKD hoặc phạt tù 10 năm. Tại Singapore, hành vi giao dịch nội gián cũng bị phạt rất nặng, có thể bị phạt tới 250.000 đô la Singapore hoặc bị phạt tù đến 7 năm hoặc cả hai…
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn "hoàng kim" với sự gia nhập ngày càng mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới. 1,5 triệu tài khoản mở mới trong năm 2021 là con số đáng mừng. Tuy nhiên, khi mà người dân còn đang rất kỳ vọng ở thị trường này thì sự minh bạch, sự nghiêm túc càng phải được đề cao.
Như Luật sư Trương Thanh Đức khi trao đổi với phóng viên Dân trí đã bày tỏ, ông mong muốn các cơ quan Nhà nước phải xử lý đến nơi đến chốn không riêng trường hợp này mà cả những trường hợp vi phạm khác để thị trường chứng khoán thật sự minh bạch, trong sạch, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Theo ông, nếu không làm nghiêm, uy tín của thị trường chứng khoán sẽ càng đi xuống.
Người viết bài cũng đặt nhiều kỳ vọng vào UBCKNN và Bộ Tài chính, kỳ vọng chứng khoán Việt ngày một minh bạch, sớm nâng hạng, vươn mình cùng khu vực và thế giới.
Bích Diệp