1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thị trường chứng khoán không có bán tháo bất chấp tin đồn bủa vây

Mai Chi

(Dân trí) - Thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt đã không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chung phiên hôm nay (30/3). Thậm chí trong hầu hết phiên, VN30-Index diễn biến trên đường tham chiếu.

Không có hoảng loạn, bán tháo 

Đương nhiên, "họ" FLC vẫn bị bán mạnh và nhà đầu tư rất khó có cơ hội thoát hàng khi dư bán sàn quá lớn. Lệnh bán sàn chất tại FLC đến cuối phiên là gần 97 triệu đơn vị, tại AMD là 10 triệu đơn vị; tại HAI là 6,6 triệu đơn vị; tại ROS hơn 89 triệu đơn vị, tại KLF xấp xỉ 13 triệu đơn vị và tại ART hơn 5 triệu đơn vị.

Nhiều cổ phiếu dòng đầu cơ bị bán mạnh. Vẫn có 704 mã giảm giá trên toàn thị trường nhưng số mã giảm sàn chỉ là 42 mã. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn ít nhiều lo ngại song không có hoảng loạn, bán tháo.

Đầu phiên chiều, VN-Index có nhịp điều chỉnh khá mạnh về dưới 1.485 điểm. Dù vậy, dòng tiền gia nhập thị trường vẫn tích cực. VN-Index đóng cửa giảm 7,25 điểm tương ứng 0,48% xuống còn 1.490,51 điểm trong khi VN30-Index chỉ giảm nhẹ 0,34 điểm tương ứng 0,02% còn 1.500,23 điểm.

Thị trường chứng khoán không có bán tháo bất chấp tin đồn bủa vây - 1

Thị trường giảm điểm, tâm lý nhà đầu tư vẫn ít nhiều lo ngại song không có hoảng loạn, bán tháo (Ảnh: Hải Long).

HNX-Index điều chỉnh sâu, giảm hơn 10 điểm tương ứng 2,18% còn 451,19 điểm; UPCoM-Index giảm 0,49 điểm tương ứng 0,41% còn 116,88 điểm.

Đáng chú ý là thị trường vẫn "giữ vùng" tương đối tích cực bất chấp trong giờ nghỉ trưa lan truyền những tin đồn mới liên quan đến một số nhân vật có ảnh hưởng. Điều này có nghĩa là tâm lý của nhà đầu tư vẫn vững vàng. Giới chuyên gia hầu hết chung nhận định, việc xử lý sai phạm, thanh lọc thị trường là động thái tốt cho thị trường nói chung, nắn dòng tiền vào những doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, tích cực.

Cổ phiếu VN30 có vẻ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi vẫn có 12 mã tăng giá, nhiều mã tăng mạnh, trong đó có cổ phiếu ngân hàng đầu ngành. Cụ thể, BID tăng 2,7%; HDB tăng 2,7%; MBB tăng 2%; VPB tăng 1,1%; FPT tăng 1%; VNM tăng 0,9%. VIC, VCB, TCB, CTG đều tăng giá.

Phiên sáng: Cổ phiếu "họ" FLC giảm sàn, trắng bên mua 

Đầu phiên 30/3, thị trường vẫn khá ổn với mức giảm quanh 6 điểm về khoảng 1.491-1.492 điểm. Lúc này, trên thị trường có khoảng 500 mã giảm và gần 200 mã tăng giá. Tuy nhiên chỉ có 6 mã giảm sàn, cho thấy không có hành động bán tháo.

Thị trường chứng khoán không có bán tháo bất chấp tin đồn bủa vây - 2

Không có bán tháo đầu phiên, chỉ có nhóm cổ phiếu "họ" FLC giảm sàn (Ảnh chụp màn hình).

Tại vùng này, VN-Index bật lên rất nhanh. 10 phút sau đợt ATO, VN30-Index đạt trạng thái tăng điểm và lấy lại mức 1.500 điểm. Dòng tiền có dấu hiệu "đổ" vào bluechips. Nhiều cổ phiếu trong rổ VN30 như PNJ, BVH, FPT, MBB, HDB, VNM, ACB, CTG, TCB, VRE, HPG… Đáng chú ý có sự góp mặt của VIC.

9h28, VN-Index "bật xanh", tăng nhẹ lên vùng 1.498 điểm. Dòng cổ phiếu ngân hàng vốn bị lo ngại bị liên đới nhưng ngược lại có rất nhiều mã tăng giá. Đến 9h55, VN-Index một lần nữa chinh phục mốc "cản tâm lý" 1.500 điểm. Có vẻ như vụ việc ông Trịnh Văn Quyết đã không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chung.

Thị trường chứng khoán không có bán tháo bất chấp tin đồn bủa vây - 3

Ảnh chụp màn hình diễn biến tại nhóm FLC lúc 9h27, lúc này các mã đều bị "khóa sàn".

Giữa lúc đó, nhóm cổ phiếu thuộc "họ" FLC bị chất lệnh bán giá sàn ngay từ khi thị trường mở cửa.

Tại thời điểm 9h30, FLC dư bán sàn xấp xỉ 100 triệu cổ phiếu, ROS dư bán sàn gần 90 triệu cổ phiếu; AMD dư bán sàn 9,3 triệu cổ phiếu, HAI dư bán sàn gần 5 triệu cổ phiếu; KLF dư bán sàn gần 7 triệu cổ phiếu và ART dư bán sàn trên 4 triệu cổ phiếu. Do lực cầu yếu nên dư lệnh bán sàn vẫn không ngừng tăng, nhà đầu tư đang "kẹp" hàng dòng cổ phiếu này tiếp tục bị khóa sàn.

Hiện tại, thị giá của FLC đã lùi về mức 11.800 đồng, AMD là 5.760 đồng, HAI là 5.470 đồng, ROS là 7.590 đồng, KLF là 5.400 đồng và ART là 8.800 đồng.

Theo nhận định của ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT - sự việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của FLC như AMD, KFL, ART, ROS, HAI, GAB... Tình huống nhóm cổ phiếu này tiếp tục bị bán tháo được cho là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, BVA cũng sẽ rơi mạnh trên thị trường OTC là điều tất yếu.

Tuy nhiên, ông Tuấn đánh giá, sự kiện này "thật sự không liên quan gì" đến thị trường chung cũng như các nhóm ngành còn lại, vì "họ" FLC này từ lâu đã tách bạch và "định vị" ở nhóm đầu cơ rất rõ.

Có chăng  chỉ là một lượng tiền đầu cơ tương đối sẽ bị nhốt trong "họ" FLC cũng như liên đới tới một vài "kho hàng" tự phát theo kiểu bán bổ sung tài sản. Dù vậy, mức độ của vụ việc lần này nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với trước đây và gần như không có nhiều hoạt động bán giải chấp liên đới ở các "kho hàng" này khi đã bị "xử lý" ở tháng 1 vừa qua.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp - CEO tại Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư S-Talk đã đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư khi có tin đồn, trước hết cần quan sát và ra quyết định thật nhanh đầu phiên. Kế tiếp là xác định những tin mang tính cục bộ một nhóm cổ phiếu (nếu giả sử là thật) có thể sẽ lan ra cho nhóm ngành liên quan, không loại trừ sẽ lan cả thị trường.

"Đừng nghĩ đó là sự vô lý vì thị trường chứng khoán được ví như một cơ thể, bất cứ bộ phận nào bị sự cố, đều sẽ làm cơ thể yếu mệt", ông Điệp lưu ý.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, thông thường, những ảnh hưởng cục bộ sẽ tác động tức thời và ngắn hạn. Kinh nghiệm chỉ ra rằng nếu tin đồn không có thật, câu chuyện sẽ kết thúc hoàn toàn trong 1,5 phiên. Trong trường hợp sự việc có thật, nhóm của vụ việc sẽ rơi sâu và kéo dài, nhóm liên quan có thể sẽ mất khoảng 15% trong thời gian 3-4 phiên, thị trường chung sẽ mất 5% - 8% trong vòng 2-3 phiên.

"Như vậy trong mọi trường hợp, vùng 1.450 là vùng cận đáy" - ông Điệp phân tích.

Ông cũng cho biết, đối với mỗi lớp nhà đầu tư có trạng thái tài khoản, danh mục đầu tư khác nhau, tâm lý cũng như khả năng chịu đựng khác nhau, đều cần phải xây dựng kế hoạch và xử lý chuyên biệt.