Hết vụ Việt Á đến bay "giải cứu": Sao có thể "ăn" và nuốt trôi cho nổi?!

Bích Diệp

(Dân trí) - Nhân dân thấy hết, biết hết và họ được pháp luật bảo vệ - dù sớm dù muộn, những ai "ăn" trên mồ hôi, nước mắt, trục lợi trên nỗi bĩ cực của đồng bào cũng sẽ phải trả giá.

Ngày 27/1 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Trong số 4 cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Nhận hối lộ" có Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao ra quyết định đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ Cục Lãnh sự để phục vụ công tác điều tra, gồm: Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Lê Tuấn Anh - Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Lưu Tuấn Dũng - Phó Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

"Xác định đây là hành vi trục lợi cá nhân, với tinh thần vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bao che, không dung túng, bất kể người đó là ai, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ toàn bộ vụ việc, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm và theo đúng các quy định của pháp luật" - cơ quan Ngoại giao nhấn mạnh.

"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bao che, không dung túng, bất kể người đó là ai" - trước hết, xin ghi nhận và hoan nghênh tinh thần của Bộ Ngoại giao về tuyên bố này. Đồng thời, sự vào cuộc của cơ quan công an và các đơn vị chức năng là rất kịp thời và cần thiết.

Hết vụ Việt Á đến bay giải cứu: Sao có thể ăn và nuốt trôi cho nổi?! - 1

Việc trục lợi từ những chuyến bay giải cứu sẽ phải bị trừng trị

Như đã đề cập ở bài viết trên mục BLOG ngày 23/1: Trục lợi từ chuyến bay giải cứu: "phải bị lên án và chịu sự trừng phạt", người dân mong rằng, vụ án sẽ được xử lý nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, bất cứ ai liên quan cũng đều phải bị đưa ra trước ánh sáng pháp luật.

Vụ án này đang thu hút sự quan tâm của công chúng bởi tác động "Nhận hối lộ" của 4 cá nhân trên liên quan đến quyền lợi của rất nhiều người, ảnh hưởng tới nhiều bên và thiệt hại chắc chắn không chỉ nằm ở số tiền đã "bỏ túi", "trao tay dưới gầm bàn".

Đừng nghĩ chẳng qua đó là sự thiên vị cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp khác. Đã có đút lót, lại quả chỗ này thì sẽ có nâng khống, bòn rút ở chỗ kia. Họ bòn rút ở đâu, ngoài những người dân khắc khoải tìm đường về với quê nhà trong đại dịch rối ren?

Trong những người dân ấy có bao bà con phải bôn ba kiếm sống, chắt bóp từng đồng bằng các nghề lao động phổ thông, phải gom góp mới có tiền hồi hương. Vậy mà gọi là "giải cứu" và "nhân đạo"? Giải cứu nỗi gì khi tiền "combo" gấp 4 gấp 5 lần chi phí cho một vé bay thương mại thông thường!

Một người bạn tôi đang nghiên cứu ở nước ngoài đã phải than rằng: "Sao họ có thể ăn được, có thể nuốt trôi được những đồng tiền ấy? Hàng ngàn đồng bào đã phải vất vưởng nơi đất khách quê người, giữa khó khăn mong về nước để nương tựa người thân, mà sao họ nỡ tước đoạt đi mong muốn đơn giản nhất ấy được? Tôi thực lòng không hiểu".

Nếu có thể hiểu được, theo người viết, chỉ có thể là lòng tham và sự vô cảm mà thôi!

Việc điều tra và khởi tố vụ án được tiến hành một cách gấp rút, khẩn trương ngay trước dịp Tết Nguyên đán, ít nhất cũng để nạn nhân - những đồng bào đã phải cực khổ tìm đường về quê mẹ nhiều tháng qua - nguôi ngoai phần nào cảm giác oan ức, bên cạnh đó còn nhấn mạnh thông điệp: Lò chống tham nhũng không bao giờ nguội, tắt.

Nhìn lại những vụ án gần đây, đặc biệt là những vụ án liên quan đến hoạt động chống dịch, xảy ra trong thời kỳ dịch bệnh như vụ Việt Á với hàng loạt cá nhân "dây mơ, rễ má", để thấy trong bối cảnh đại dịch hoành hành, đất nước xảy ra nhiều tình huống chưa từng có tiền lệ, song không có nghĩa là "nước đục thả câu" thì không ai biết.

Xin thưa, mọi hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược với chính nghĩa, lẽ phải, đều khó lọt lưới pháp luật, càng không thể qua mắt được nhân dân. Nhân dân thấy hết, biết hết và họ được pháp luật bảo vệ - dù sớm dù muộn, những ai "ăn" trên mồ hôi, nước mắt, trục lợi trên nỗi bĩ cực của đồng bào cũng sẽ phải trả giá.

Ở đây, sự việc có thể mang tính hệ thống và có thể liên quan tới không ít cá nhân, đơn vị. Dư luận mong mỏi, cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ các đầu mối, tương tự như tiến trình điều tra vụ Việt Á vừa qua.

Vấn đề cần giải quyết tiếp theo là làm sao bù đắp thiệt hại cho các "nạn nhân" trong những chuyến bay đó? Trả lại tiền ư? Tổn thất tinh thần của người dân, hình ảnh của ngành ngoại giao, ngành du lịch bị "bôi nhọ" thì ai chịu trách nhiệm?

Quan trọng hơn cả, nếu đã vì cơ chế "xin - cho" mới xảy ra "hối lộ" thì cần sửa lại cơ chế.

Nay khi xác định việc sống chung với Covid và có các phương án ứng phó, thiết nghĩ, đã đến lúc bình thường hóa lại các đường bay quốc tế nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng cũng như vực dậy ngành hàng không và du lịch.