Vụ Việt Á và loạt câu hỏi người dân cần câu trả lời!
(Dân trí) - Các bên liên quan, từ Học viện Quân Y, Bộ Y tế, Bộ Khoa học & Công nghệ… đều cần lên tiếng, phải lên tiếng và giải thích rõ. Người dân có quyền "yêu cầu", chứ không chỉ là "đề nghị"!
440.000 đồng là mức giá mà đại biểu tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho biết, ông đã phải trả khi xét nghiệm tại "vỉa hè" của Sân bay Tân Sơn Nhất khi đi họp Quốc hội hồi tháng 10-11 vừa qua. Không nói rõ nhưng tôi đoán đây là giá test nhanh.
Còn theo phản ánh của báo chí thì phí xét nghiệm tại nhiều nơi niêm yết một đằng, thu một nẻo, giá chi thực tế cũng chẳng thua gì giá "vỉa hè" như vị đại biểu Đồng Tháp nêu.
Một người bạn của tôi gần đây khi đi test Covid-19 đã "kêu khóc" với tôi vì phí đắt đỏ quá. Bạn tôi là doanh nhân, đi xe Lexus, đương nhiên là chẳng phải không có tiền trả phí, còn bất bình như vậy, thử hỏi số đông chúng ta sẽ cảm thấy "xót ví" đến thế nào (!!).
Nhưng rồi ai cũng sẽ "chậc lưỡi" cả thôi, vì để cho "được việc" (giờ đi đâu cũng phải có giấy chứng nhận, đi đâu chẳng phải test!).
Khi mà khắp nơi dư luận sục sôi về vụ bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á vỡ lở chuyện "lại quả", "hoa hồng" lên tới hàng chục tỷ đồng, điều mà tôi thật sự quan tâm là, rốt cuộc chất lượng bộ kit đó thế nào? Nó có dùng được không, có hiệu quả không, có phát hiện được virus không?
Nói thật, với một người dân bình thường không có trình độ về hóa sinh như tôi, khi nghe tin kit test của Việt Á bị WHO tuyên bố là "không được chấp thuận" vì chưa đạt được một số tiêu chuẩn, đã không khỏi hoang mang. WHO không chấp nhận vậy sao Bộ Y tế chấp nhận?
Đây là bộ kit test do Học viện Quân y phối hợp với doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất. Trong thông tin mà Bộ KH&CN vừa công bố, Bộ này khẳng định, bộ kit xét nghiệm có hàm lượng khoa học cao, cũng như tính ứng dụng thực tiễn thể hiện bằng những chứng nhận, bao gồm Quyết định cấp phép lưu hành của Bộ Y tế Việt Nam (số 774/QĐ-BYT ngày 04/3/2020; số 5071/QĐ-BYT ngày 04/12/2020); Giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế chẩn đoán in-vitro số 1160/VSDTTƯ -NCYS ngày 18/8/2020.
Ngoài ra, kit test của Việt Á cũng được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sinh phẩm (20/4/2020).
Một đại diện của Bộ KH&CN thừa nhận rằng Bộ có thể đã chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. "WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng". "Đây là sơ suất của Bộ KH&CN", đại diện này bày tỏ. Vậy thì sơ suất này là sơ suất gì (chả lẽ dịch thuật sai chăng?), có để lại hậu quả nghiêm trọng không, có vô tình hay cố ý?
Rốt cuộc là một bộ kit không được WHO chấp nhận nhưng vì sao vẫn được nhiều cơ quan chấp nhận và đưa ra thị trường? Hay nói cách khác, việc không được WHO chấp nhận có đồng nghĩa đó là "kit dởm" hay không? Yếu tố nào còn thiếu sót khiến WHO không chấp nhận bộ kit trên? Quan trọng nhất chính là việc sản phẩm đã đưa ra thị trường sử dụng vậy thì sử dụng ở những đâu, chất lượng thực tế thế nào?
Những câu hỏi này, Học viện Quân Y, Bộ Y tế và Bộ KH&CN đều phải trả lời rõ, trả lời đúng trọng tâm và trọng điểm. Bởi, điều này không chỉ liên quan đến danh dự của chính các nhà khoa học, đến danh dự của Học viện và những cơ quan nói trên, liên quan đến kỳ vọng về "make in Vietnam" mà còn để trả lời, hàng thật hay hàng "dởm"?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an mở rộng vụ án. Tôi tin rồi thì "trùm đầu", "trùm cuối" hay các thế lực "chống lưng" nào đó nếu có rồi cũng sẽ lộ diện cả thôi.
Vấn đề là người dân cần thông tin và sự khẳng định về chất lượng của chẳng phải riêng bộ kit của Việt Á mà còn là của những bộ kit khác đang được sử dụng! Cần xem lại cơ chế, đã là thị trường thì vì sao doanh nghiệp phải "gửi giá"? Đã kiểm soát, đã niêm yết thì vì đâu vẫn còn "đội giá"?
Người dân có quyền được biết. Những cán bộ tham gia chống dịch cũng có quyền được biết. Cả hệ thống đã rất vất vả rồi!