DNews

PwC bị Trung Quốc điều tra về vụ Evergrande, liệu Big 4 có thành Big 3?

Phương Liên

(Dân trí) - Bê bối Enron đã khiến tập đoàn kiểm toán nổi tiếng Arthur Andersen sụp đổ vào năm 2001 khiến Big 5 thành Big 4, trong khi vụ Evergrande được cho là gây thiệt hại cao gấp hàng chục lần.

PwC bị Trung Quốc điều tra về vụ Evergrande, liệu Big 4 có thành Big 3?

Bê bối lớn chưa từng có

Hãng tin Bloomberg cho hay các cơ quan chức năng Trung Quốc đang điều tra trách nhiệm của tập đoàn kiểm toán nổi tiếng PwC trong vụ Evergrande khai khống 78 tỷ USD doanh thu, tạo nên một trong những vụ bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử kiểm toán.

Evergrande từng là hãng bất động sản lớn nhất Trung Quốc nhưng đã phải gánh khoản nợ khổng lồ do chiến lược tích cực vay vốn mở rộng dự án. Cáo buộc trên là đòn giáng lên ông Hứa Gia Ấn, người từng là một trong những ông trùm giàu nhất châu Á, người sở hữu một đế chế rộng lớn từ bất động sản đến xe điện.

Vụ Worldcom năm 1999-2002 cũng chỉ bị cáo buộc lừa đảo tài chính 11 tỷ USD. Thậm chí vụ lừa đảo mô hình đa cấp lớn nhất trong lịch sử của tỷ phú Bernie Madoff cũng chỉ khiến nhà đầu tư thiệt hại 64,8 tỷ USD.

Năm 2001, vụ sụp đổ của tập đoàn Enron chỉ khai khống 600 triệu USD lợi nhuận. Vụ việc đã khiến Arthur Andersen, một công ty kiểm toán nổi tiếng nằm trong Big 5 thời đó sụp đổ và chỉ còn Big 4 (4 hãng kiểm toán lớn nhất toàn cầu gồm PwC, KPMG, Deloitte, Ernst & Young). 

Không chỉ bị các hãng khác xâu xé, Arthur Andersen, hãng kiểm toán có 89 năm lịch sử và 85.000 chuyên gia thì đến năm 2007 chỉ còn không đến 200 người, chủ yếu để hầu tòa trong các vụ kiện của cổ đông trong các công ty khách hàng trước đây.

PwC bị Trung Quốc điều tra về vụ Evergrande, liệu Big 4 có thành Big 3? - 1

Những vụ bê bối lớn trong ngành kiểm toán (Ảnh: Bloomberg),

Bởi vậy, nếu vụ việc Evergrande bị các cơ quan điều tra mở rộng, đây sẽ trở thành một trong những vụ bê bối lớn nhất lịch sử ngành kiểm toán. Các chuyên gia lo ngại rằng hình ảnh của PwC sẽ bị ảnh hưởng trên toàn cầu, dẫn đến nguy cơ sụp đổ cũng như ảnh hưởng lan rộng toàn ngành.

Trước đó, Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã cáo buộc công ty con Hengda của Evergrande ghi nhận khống doanh số bán hàng và phóng đại doanh thu lên gấp nhiều lần trong khoảng 2 năm cho đến năm 2020, trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến tập đoàn vỡ nợ.

Nguồn tin thân cận cho hay các quan chức Trung Quốc đang điều tra xem vai trò của PwC trong vụ việc này là gì khi công ty kiểm toán để xảy ra sai sót quá lớn gây hậu quả nghiêm trọng như vậy.

"Lỗi cơ bản nhất"

"Sai sót này là một trong những lỗi cơ bản nhất của ngành kiểm toán. Bởi vậy rủi ro mất danh tiếng của PwC không chỉ ở Trung Quốc mà là trên toàn thế giới", Richard Murphy, Giáo sư tài chính của đại học Sheffield (Anh), khẳng định với Bloomberg.

Vụ việc Evergrande diễn ra trong bối cảnh PwC đang gặp rất nhiều khó khăn khi hãng kiểm toán nổi tiếng thuộc nhóm Big 4 này phải giải quyết hậu quả nhiều vụ bê bối trên toàn cầu của mình. Điều này khiến PwC phải cắt giảm hàng loạt lao động ở Anh và Canada.

PwC chi nhánh Australia đã gặp chỉ trích vì tiết lộ kế hoạch thuế của Chính phủ cho khách hàng, qua đó buộc phải sa thải hàng loạt nhân sự. Tương tự ở Anh, hãng này bị phạt 5,6 triệu bảng Anh vào năm 2023 vì vi phạm kiểm toán tại công ty quốc phòng Babcock International.

"Nghi vấn về trách nhiệm của PwC trong vụ lừa đảo tại Evergrande là rất lớn, nhất là mối liên quan trong vấn đề khai khống doanh thu", Nigel Stevenson, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu GMT Research, chia sẻ với Bloomberg.

Trước đó vào tháng 12, GMT đã đặt câu hỏi về báo cáo tài chính của Evergrande khi cho rằng tập đoàn này chưa bao giờ đạt được mức lợi nhuận như họ thông báo. Tuy nhiên Evergrande trả lời rằng nghi vấn của GMT là không có cơ sở khi báo cáo tài chính được một hãng kiểm toán danh giá thuộc Big 4 như PwC thực hiện.

PwC bị Trung Quốc điều tra về vụ Evergrande, liệu Big 4 có thành Big 3? - 2

PwC là hãng kiểm toán có doanh thu lớn nhất tại Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg).

Hengda Real Estate, công ty con chủ lực của Evergrande, đã khai khống doanh thu năm 2019 thêm khoảng 214 tỷ nhân dân tệ, tương đương 29,7 tỷ USD, chiếm đến nửa tổng doanh thu. Năm 2020, hãng này tiếp tục khai khống 350 tỷ nhân dân tệ, tương đương 79% tổng doanh thu năm đó.

Theo Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc, ngoài thổi phồng doanh thu, công ty con Hengda còn thổi phồng lợi nhuận thêm 91,9 tỷ nhân dân tệ, tương đương 12,7 tỷ USD và chiếm 75% thu nhập trong khoảng 2019-2020. Con số này cao gấp 20 lần lợi nhuận khai khống trong vụ bê bối Enron năm 2001.

Hengda đã dựa vào những báo cáo tài chính không đúng sự thật này để phát hành trái phiếu, huy động 20,8 tỷ nhân dân tệ từ nhà đầu tư.

Trước năm 2021, Evergrande cũng đã ghi nhận doanh thu dù dự án chưa hoàn thiện và bàn giao nhà cho người mua. Chiến lược này đã giúp tập đoàn ghi nhận tỷ lệ nợ thấp, qua đó bán trái phiếu dễ dàng hơn. 

Sau đó do gặp khó khăn trong dòng tiền ập đến khiến Evergrande rơi vào tình trạng vỡ nợ khi những căn nhà ghi nhận doanh thu trước đó không được hoàn thiện và bàn giao cho khách đúng thời hạn.

Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cáo buộc phần lớn trách nhiệm thuộc về ông Hứa Gia Ấn, người sáng lập và cựu Chủ tịch Evergrande. Ông bị cho là người đã chỉ đạo cấp dưới làm sai lệch số liệu trong báo cáo tài chính hàng năm trong 2 năm nói trên. Theo các chuyên gia, ông Hứa đã sử dụng vai trò giám sát cao nhất trong công ty, đã sử dụng những thủ đoạn cực kỳ tinh vi.

PwC bị Trung Quốc điều tra về vụ Evergrande, liệu Big 4 có thành Big 3? - 3

Ông Hứa Gia Ấn, người sáng lập và cựu Chủ tịch Evergrande (Ảnh: Reuters).

Ông Hứa Gia Ấn bị phạt 47 triệu nhân dân tệ vì làm sai lệch kết quả và các cáo buộc vi phạm khác, đồng thời bị cấm tham gia các hoạt động thị trường vốn suốt đời. Các cựu giám đốc điều hành cũng bị phạt tiền và cấm tham gia vào thị trường vốn.

"Án phạt có thể là lời cảnh báo cho những người chủ doanh nghiệp bất động sản đã vỡ nợ, rằng nếu không hợp tác cùng các cơ quan chức trách về tái cấu trúc nợ, họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng", Zerlina Zeng, chuyên viên tín dụng cấp cao tại công ty phân tích Creditsights, khẳng định với Bloomberg.

Tuy nhiên, vụ kiện có thể gây ra rắc rối pháp lý cũng như bê bối cực kỳ lớn cho PwC khi mắc lỗi kiểm toán cơ bản này. Tập đoàn Evergrande đang tiến hành thủ tục thanh lý phá sản ở Hong Kong và các chủ nợ có thể sẽ tìm PwC để đòi bồi thường.

Việc Hengda bị phạt 4,18 tỷ nhân dân tệ do khai khống doanh thu sẽ khiến Evergrande càng khó trả hết nợ. Tính đến tháng 6/2023, tập đoàn này đang gánh khoản nợ lên đến 332 tỷ USD.

Hậu quả nghiêm trọng

Trong vụ Evergrande, PwC kiểm toán cho Hengda suốt 10 năm cho đến tháng 1/2023 thì xin dừng vì những bất đồng liên quan đến kiểm toán.

PwC có hơn 1.600 kiểm toán viên được chứng nhận ở Trung Quốc. PwC cũng ghi nhận doanh thu 7,9 tỷ nhân dân tệ năm 2022, trở thành hãng kiểm toán lớn nhất trong số hơn 9.000 công ty tại thị trường này. Doanh thu toàn cầu của PwC lên đến 50,3 tỷ USD.

Ngoài Evergrande, hãng PwC cũng kiểm toán cho các tập đoàn bất động sản Trung Quốc như Country Garden, Sunac China trước khi họ vỡ nợ. Trong hơn 2 năm vừa qua, PwC đã rút lui khỏi ít nhất 10 tập đoàn bất động sản Trung Quốc như Sunac, Shimao cùng nhiều lý do không rõ ràng.

PwC bị Trung Quốc điều tra về vụ Evergrande, liệu Big 4 có thành Big 3? - 4

Tổng nợ của Evergrande (Ảnh: Bloomberg).

Theo các chuyên gia, hầu hết các hãng bất động sản Trung Quốc đều kiếm tiền bằng cách bán các bất động sản dở dang và cam kết sẽ bàn giao sau vài năm. Người mua nhà đặt cọc và thế chấp tài sản để mua chúng. Số tiền này đáng lẽ phải được đưa vào một tài khoản ký quỹ và chỉ được giải ngân khi nhà đã được bàn giao cho khách.

Tuy nhiên, dòng tiền này thường bị "mất tích" bí ẩn ngay trước mắt các kiểm toán viên PwC cho đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra.

Mãi đến năm 2021-2022, Evergrande mới ghi nhận doanh thu từ những dự án đã bàn giao cho khách hàng, khiến báo cáo tài chính thay đổi một cách đột ngột và làm dấy lên những nghi ngờ lừa đảo.

Năm ngoái, Deloitte cũng bị Bộ tài chính Trung Quốc đã phạt 212 triệu nhân dân tệ đồng thời đình chỉ hoạt động văn phòng ở Bắc Kinh trong 3 tháng vì lỗi kiểm toán ở công ty tài chính China Huarong trong giai đoạn 2014-2019.