DNews

Evergrande và hành trình từ ngôi sao tới "chúa nợ" sụp đổ

Phương Liên

(Dân trí) - "Chúa chổm" bất động sản Evergrande chính thức sụp đổ. Từ ông trùm bất động sản khổng lồ tại Trung Quốc, chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn vướng loạt lao lý, tương lai bất định.

Evergrande  và hành trình từ ngôi sao tới "chúa nợ" sụp đổ

Hành trình từ cậu bé nghèo đến tỷ phú bất động sản đã từng khiến chủ tịch tập đoàn Evergrande trở thành biểu tượng cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. 

Lời hứa biến các làng quê thành thành phố với nhiều tiện ích cho tầng lớp trung lưu đã biến ông trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Nhưng giờ đây, ông lại đang bị cơ quan chức năng giám sát vì những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Mới đây, tòa án Hong Kong đã đưa ra phán quyết với Evergrande. Thẩm phán Linda Chan cho biết công ty này không thể đưa ra kế hoạch tái cấu trúc hợp lý dù phiên tòa đã được trì hoãn nhiều tháng.

Công ty này hiện có khoảng 240 tỷ USD tài sản nhưng lại phải gánh khối nợ hơn 300 tỷ USD. Họ được coi là công ty nặng nợ nhất thế giới. Phán quyết thanh lý Evergrande có thể sẽ làm rung chuyển thị trường vốn và thị trường bất động sản vốn đã mong manh của Trung Quốc.

Ai là người đứng sau Evergrande?

Ông Hứa Gia Ấn là người thành lập nên tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande. Ông sinh năm 1958 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Ông mồ côi mẹ khi chưa đầy 1 tuổi và sống với bà nội trong cảnh nghèo đói ở một vùng nông thôn. Ông có một tuổi thơ cơ cực khi phải ăn những chiếc bánh bao, bánh mì mốc.

Lớn lên, ông chia sẻ rằng mình từng dự định trở thành một thợ xây để có thể nhận lương đều đặn. "Lúc đó, tôi rất muốn được người khác giúp đỡ và háo hức để có một công việc, rời bỏ nông thôn và có cuộc sống mới", ông nói trong một bài diễn thuyết năm 2018.

Evergrande  và hành trình từ ngôi sao tới chúa nợ sụp đổ - 1

Ông Hứa Gia Ấn (Ảnh: SCMP).

Năm 1975, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông nghỉ học và làm nông ở nhà. Năm 1977, ông quyết định đi thi đại học nhưng bị trượt.

Sang năm 1978, với những nỗ lực cố gắng, ông đã thi đỗ vào Học viện Gang thép Vũ Hán. Ông tốt nghiệp năm 1982, sau đó làm việc tại nhà máy thép ở đây một thời gian trước khi đến Thâm Quyến vào năm 1992.

Thời gian đầu ở Thâm Quyến, ông phải ngủ ở hành lang nhà một người bạn rồi vào làm phụ trách một văn phòng công ty, tối ngủ ở gian nhà bếp. Ông cũng mở một công ty nhỏ ở Thâm Quyến trước khi tới Quảng Châu.

Một thời hoàng kim

Năm 1996, Hứa Gia Ấn đặt dấu mốc quan trọng khi thành lập Tập đoàn Evergrande. Chỉ 10 năm sau, Evergrande đã chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong.

Tập đoàn này nhanh chóng vươn mình trở thành doanh nghiệp bất động sản hàng đầu, bán được nhiều diện tích nhà nhất cả nước. Evergrande đã phát triển "thần kỳ" với 1300 dự án bất động sản ở 280 thành phố.

Năm 2020, tập đoàn này công bố đang sở hữu hơn 293 triệu m2 đất. Phần lớn các khu đất của Evergrande đều nằm ở các thành phố cấp một ở Trung Quốc, có trị giá tới 81,34 tỷ USD.

Người mua đổ xô mua căn hộ của Evergrande ở hàng trăm thành phố khắp Trung Quốc. Evergrande thường bán trước các căn hộ nhiều năm trước khi tòa nhà được hoàn thành. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, tập đoàn này báo cáo doanh số bán hàng lập đỉnh khi giá nhà tăng mạnh.

Evergrande  và hành trình từ ngôi sao tới chúa nợ sụp đổ - 2

Một dự án của Evergrande ở thành phố Hoài An, Trung Quốc (Ảnh:Bloomberg).

Sau khi đưa Evergrande lên sàn, ông Hứa Gia Ấn cũng sử dụng lợi nhuận từ bất động sản vào các lĩnh vực khác.

Evergrande đã mua lại câu lạc bộ bóng đá và chi hàng tỷ USD cho các cầu thủ nước ngoài trong nhiều năm. Một số khoản đầu tư khác của ông bao gồm phát triển xe điện, y học truyền thống...

Với tham vọng mở rộng quy mô trên toàn quốc, Evergrande đã vay mượn khá nhiều. Công ty đã vay tiền từ các ngân hàng và thậm chí cả nhân viên của mình.

Sóng gió liên tiếp ập đến

Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng 34% sau khi niêm yết vào năm 2009, Evergrande lại nhanh chóng trở thành biểu tượng với những khoản vay nợ quá đà.

Bằng cách vay hơn 300 tỷ USD, Evergrande quyết tâm mở rộng mạnh mẽ để trở thành một trong những công ty lớn nhất Trung Quốc với những khu căn hộ, cao ốc văn phòng và trung tâm mua sắm.

Tuy nhiên, những rắc rối của Evergrande bắt đầu xuất hiện vào năm 2020 khi thị trường bất động sản của Trung Quốc hạ nhiệt sau loạt quy định của Chính phủ.

Bắc Kinh đã đưa ra các quy định mới để kiểm soát khoản nợ của các nhà phát triển bất động sản lớn. Nhiều biện pháp đã khiến Evergrande phải bán các sản phẩm của mình với mức chiết khấu lớn, để đảm bảo đủ tiền để duy trì hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, những biện pháp thắt chặt để phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.

Evergrande  và hành trình từ ngôi sao tới chúa nợ sụp đổ - 3

Nhân viên an ninh vây kín trụ sở của Evergrande, nơi nhiều người tụ tập yêu cầu hoàn trả các khoản vay (Ảnh: Reuters).

Năm 2021, Evergrande bắt đầu không thể thanh toán được các khoản nợ với một số bên cho vay. Kể từ đó, các khoản nợ xấu của họ ngày càng gia tăng.

Người mua nhà đã biểu tình trên nhiều tuyến phố. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải đưa Evergrande vào tình trạng cảnh báo để giải quyết nợ.

Trước đây, Evergrande nằm trong số các cổ phiếu có hiệu suất cao nhất trên thị trường. Tuy nhiên sau sự kiện này, cổ phiếu của công ty giảm sút do lo ngại về khả năng trả nợ và hoàn thành xây dựng các căn hộ của công ty.

Evergrande đã báo cáo có khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Công ty đã đệ đơn xin phá sản ở New York (Mỹ) và cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết nợ với các chủ nợ trái phiếu nước ngoài.

Những vấn đề của Evergrande trở nên căng thẳng hơn sau khi họ phải hủy bỏ các cuộc họp quan trọng với chủ nợ và xem xét lại kế hoạch tái cơ cấu nợ ở nước ngoài. Công ty cũng liên tục gặp khó khăn trong việc bán đi một số tài sản của mình để huy động vốn.

Reuters dẫn nguồn tin cho biết, Evergrande phải bán siêu du thuyền dài 60m với giá 32 triệu USD trong quy trình bán bớt tài sản. Một nguồn tin khác xác nhận việc bán du thuyền đã diễn ra. 

Khi ông bị điều tra, giới phân tích và đầu tư băn khoăn rằng ai sẽ điều hành các hoạt động của tập đoàn và điều gì sẽ xảy ra với kế hoạch tái cấu trúc nợ ở nước ngoài.

Tượng đài khổng lồ sụp đổ

Shen Chen, một đối tác tại Shanghai Maoliang Investment Management, cho biết: "Hứa Gia Ấn từng nhiều lần đưa Evergrande thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ trong quá khứ nhờ bán nợ, bán cổ phần...

Tuy nhiên lần này mọi chuyện đã khác. Cuộc khủng hoảng nợ ở Evergrande đang leo thang. Công ty không thể tiếp cận nguồn vốn mới cũng như không thể xử lý tài sản đủ nhanh để gây quỹ".

Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh ngày càng thắt chặt các quy định vay nợ, Evergrande không thể phát hành bất kỳ trái phiếu mới nào ở thị trường nước ngoài trong năm nay. 

Không những vậy, trong một báo cáo gửi cho Sàn giao dịch Chứng khoán Hong Kong, Evergrande thông báo rằng ông bị cơ quan chức năng nghi ngờ về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chủ tịch Hứa Gia Ấn đã phải chịu các biện pháp quản thúc bắt buộc do liên quan đến các cáo buộc nghi ngờ về hành động bất hợp pháp.

Theo Wall Street Journal, giới chức Trung Quốc đang điều tra xem liệu ông Hứa có đang cố gắng chuyển tài sản ra nước ngoài hay không, trong bối cảnh Evergrande còn đang chật vật để hoàn thiện các dự án đang dang dở.

Quá trình tái cơ cấu nợ của Evergrande cũng trở nên phức tạp hơn sau khi trụ sở chính bị điều tra. 

Evergrande  và hành trình từ ngôi sao tới chúa nợ sụp đổ - 4

Tượng đài Evergrande chính thức sụp đổ (Ảnh: SCMP).

Evergrande là tập đoàn nợ "khủng" nhất thế giới, với tổng số nợ lên đến hơn 300 tỷ USD. Cuộc khủng hoảng của tập đoàn này từ năm 2021 gây tác động nặng nề lên nền kinh tế Trung Quốc và cả thị trường toàn cầu.

Trước đó, tập đoàn này tiến hành kế hoạch cải tổ khoản nợ trị giá 23 tỷ USD đối với nhóm trái chủ đặc biệt trong gần 2 năm. Tuy nhiên, kế hoạch ban đầu này đã thất bại vào cuối tháng 9 năm ngoái khi tỷ phú Hứa Gia Ấn, nhà sáng lập Evergrande, bị điều tra.

"Việc Evergrande phải thanh lý tài sản là tín hiệu Trung Quốc sẵn sàng làm đến cùng để chấm dứt bong bóng bất động sản. Điều này có thể tác động tích cực với nền kinh tế trong dài hạn, nhưng sẽ gây ra khó khăn trong ngắn hạn", Andrew Collier, Giám đốc công ty nghiên cứu Orient Capital Research, nhận định với Reuters

Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chìm sâu trong vũng lầy khủng hoảng. Thị trường chứng khoán cũng xuống thấp nhất 5 năm. Tin tức về Evergrande có thể khiến tình hình trở nên tệ hơn.