DBiz

Nữ tổng giám đốc nhận lương 17 tỷ đồng giờ ra sao?

Khổng Chiêm
Nữ tổng giám đốc nhận lương 17 tỷ đồng giờ ra sao?

Thu nhập đáng mơ ước trong nhiều năm

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) nhận mức lương gần 17 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 70% so với năm trước đó.

Thu nhập của bà Hương cao gấp gần 3 lần ông Phạm Phúc Hiếu - Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng và gấp hơn 4 lần bà Nguyễn Mỹ Ngọc - Phó tổng giám đốc.

Thu nhập của CEO này vượt trội so với các vị trí tương đương ở nhiều doanh nghiệp bất động sản khác. "Nữ tướng" của Vinhomes - bà Nguyễn Thu Hằng - cũng nhận lương thấp hơn 18% so với bà Hương, ở mức gần 14 tỷ đồng vào năm 2023.

Nửa đầu năm nay, bà Hương nhận mức thu nhập hơn 6,4 tỷ đồng. Số này đã giảm 54% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Hương được Đô thị Kinh Bắc giới thiệu sinh năm 1971, gắn bó với công ty từ ngày đầu thành lập, được bầu làm Thành viên HĐQT và Tổng giám đốc từ năm 2012. Bà Hương có bằng Tiến sĩ kinh tế, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, thành thạo tiếng Trung và tiếng Anh.

Cũng theo doanh nghiệp, bà Hương có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao, có vai trò quan trọng trong công tác xúc tiến quan hệ đầu tư với các tập đoàn lớn cũng như kiểm soát hoạt động kinh doanh tại từng khu công nghiệp. 

Nữ tổng giám đốc nhận lương 17 tỷ đồng giờ ra sao? - 1

Bà Nguyễn Thị Thu Hương (áo tím) - Tổng giám đốc Đô thị Kinh Bắc (Ảnh: KBC).

Theo báo cáo quản trị nửa đầu năm của Đô thị Kinh Bắc, bà Hương sở hữu 399.304 cổ phiếu KBC, tỷ lệ 0,052%. Những người có liên quan trong gia đình bà Hương không sở hữu hoặc sở hữu lượng cổ phần không đáng kể.

Báo cáo này cũng nêu bà Hương còn làm lãnh đạo cấp cao trong 2 công ty con của Đô thị Kinh Bắc. Cụ thể, bà Hương làm Chủ tịch Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang, làm Phó Chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng.

Đô thị Kinh Bắc hoạt động ra sao?

Đô thị Kinh Bắc phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT, được thành lập từ năm 2002. Ông Tâm sinh năm 1964, tốt nghiệp Kỹ sư hàng hải tại Đại học Hàng Hải; có bằng cử nhân luật, cử nhân quản trị kinh doanh.

Ông Tâm đặt nền móng cho sự phát triển của Đô thị Kinh Bắc từ việc xây dựng Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) từ năm 2002. Từ đó, công ty mở rộng phát triển nhiều khu công nghiệp từ Bắc vào Nam.

Khởi đầu bằng kinh doanh khu công nghiệp, Đô thị Kinh Bắc đã từng mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực khác như ngân hàng, năng lượng, khoáng sản nhưng không hiệu quả. Từ năm 2016, công ty tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là kinh doanh khu công nghiệp, từng bước phát triển khu đô thị và nhà ở xã hội gắn liền với khu công nghiệp.

Theo báo cáo thường niên 2023, công ty đang sở hữu quỹ đất khu công nghiệp hơn 6.610ha, chiếm 5% quỹ đất khu công nghiệp của cả nước, tính đến 31/12/2023.

Về diện tích đất khu đô thị, công ty đang sở hữu 1.413ha ở các tỉnh, thành phố lớn ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và gần 118ha quỹ đất khác để xây dựng nhà máy sản xuất. Công ty cũng tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội, phát triển các dự án ở Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Hết năm 2023, công ty có 27 khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên toàn quốc, thu hút các tập đoàn quốc tế lớn như Canon, Foxconn, LG, JA Solar, Goertek...

Phần lớn doanh thu của Đô thị Kinh Bắc trong năm 2023 xuất phát từ Bắc Ninh, Bắc Giang, TPHCM. Công ty có kế hoạch phát triển các dự án mới ở các địa phương như Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu... với diện tích gia tăng khoảng 3.500ha đất khu công nghiệp và 650ha đất khu đô thị.

Năm 2023 - năm bà Thu Hương nhận thu nhập cao cũng là thời điểm Kinh Bắc ký được hàng loạt các hợp đồng có giá trị lớn, ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhất từ khi niêm yết đến nay.

Doanh thu thuần đạt 5.618 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.245 tỷ đồng, tăng lần lượt 491% và 42% so với năm trước. Doanh thu chủ yếu đến từ các dự án khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh (Bắc Ninh), khu công nghiệp Quang Châu mở rộng (Bắc Giang) và khu đô thị Tràng Duệ (Hải Phòng).

Tuy nhiên, kết quả này chưa giúp công ty hoàn thành kế hoạch năm. Doanh thu mới chỉ thực hiện 67% mục tiêu còn lợi nhuận là 56% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân công ty giải trình là các khu đô thị dự kiến ghi nhận doanh thu trong năm vẫn chưa được hạch toán.

Cũng trong năm 2023, Đô thị Kinh Bắc đã thanh toán toàn bộ 3.900 tỷ đồng dư nợ gốc trái phiếu và tiền lãi. Do đó, công ty đưa nợ trái phiếu về 0 trước ngày 30/6 cùng năm.

Năm nay, công ty đặt kế hoạch doanh thu 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 60% và 78% so với thực hiện năm trước. Công ty ước tính cho thuê đất khu công nghiệp tại các dự án như Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung, Tràng Duệ 3, các cụm công nghiệp ở Hưng Yên, Long An.

Nửa đầu năm nay, Đô thị Kinh Bắc đạt doanh thu 1.044 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 196 tỷ đồng, đều giảm mạnh so với thực hiện năm trước. So với kế hoạch năm, công ty cũng còn cách khá xa.

Sau khi hoàn thành trả hết nợ trái phiếu từ năm trước, nửa đầu năm nay, Đô thị Kinh Bắc còn hơn 405 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và 4.495 tỷ đồng nợ vay tài chính dài hạn. Tổng nợ vay/vốn chủ sở hữu là 0,24 lần.

Tính đến 30/6, công ty có hơn 7.909 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế trên vốn chủ sở hữu 20.417 tỷ đồng.