Làm gì để giúp bà con hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia
(Dân trí) - Thời gian qua, huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đã thực hiện xây dựng nhà ở dân cư và hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hộ đồng bào dân tộc, góp phần cải thiện cuộc sống của bà con.
Huyện Hương Khê nằm ở phía tây nam tỉnh Hà Tĩnh, diện tích tự nhiên 126.293,8ha, dân số gần 100 ngàn người.
Huyện này có 21 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 4 xã biên giới với trên 50km đường biên giới chung với nước bạn Lào, 4 bản dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình), huyện Hương Khê đã và đang triển khai một số dự án quan trọng, cấp thiết để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Chương trình.
Mất cân bằng giới và nguy cơ tái hiện hôn nhân cận huyết
Thưa ông, hiện nay, trên địa bàn huyện Hương Khê có những đồng bào dân tộc thiểu số nào, chiếm bao nhiêu dân số toàn huyện?
- Trên địa bàn huyện chúng tôi đang có 294 hộ đồng bào dân tộc với 1.128 nhân khẩu. Những dân tộc này gồm Chứt có 72 hộ, 233 nhân khẩu, sinh sống tại 2 khu vực địa giới hành chính của xã Hương Liên và xã Hương Vĩnh; trong đó tại bản Rào Tre thuộc địa bàn xã Hương Liên có 57 hộ, 177 nhân khẩu; bản Giàng II thuộc địa bàn xã Hương Vĩnh có 15 hộ, 56 nhân khẩu.
Ngoài ra, có một số dân tộc sống rải rác, như: Lào, Thái ở thôn Phú Lâm, xã Phú Gia với 60 hộ, 247 nhân khẩu; Mường, Thái, Mông, Tày ở thôn Bắc Lĩnh, xã Hương Trạch với 155 hộ, 616 nhân khẩu.
Dân tộc Tày, Thái, Mường, Nùng, Giarai, Lào ở thôn 2, xã Hòa Hải với 7 hộ, 32 nhân khẩu.
Được biết, Hà Tĩnh có 2 thôn thực hiện Chương trình là bản Rào Tre, xã Hương Liên và bản Giàng, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, ông có thể khái quát về sự hình thành, tình hình kinh tế - xã hội tại các địa phương này?
- Từ những năm 60 của thế kỷ trước, người Chứt ở Hương Khê sống du canh du cư trên các triền núi. Năm 1967, Bộ đội Biên phòng đưa người Chứt đến bản Ba Mèo, xã Hương Vĩnh. Trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, năm 1970, người Chứt về sống nơi ngọn khe Đằng Đằng, xã Hương Liên.
Năm 1976, chính quyền địa phương phối hợp với Biên phòng đưa người Chứt về định cư nơi bản Rào Tre ngày nay.
Đồng bào dân tộc có thu nhập chủ yếu dựa vào nghề đi rừng, sản xuất nông nghiệp và dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; sử dụng ngôn ngữ là tiếng Mã Liềng và tiếng Việt.
Hiện nay, đồng bào dân tộc Chứt đã từ bỏ cuộc sống bầy đàn, sống theo lối tự nhiên để về sống theo cá thể từng gia đình, từng nhà sàn riêng.
Đời sống của bà con dân tộc Chứt hiện nay như thế nào? tình trạng hôn nhân cận huyết nhức nhối ngày trước đã thay đổi?
- Nhìn chung đời sống của bà con dân bản vẫn còn rất nhiều khó khăn, như: Cơ sở kết cấu hạ tầng và các điều kiện phục vụ sản xuất chưa được đầu tư đầy đủ; một số nhà ở, công trình phụ trợ, công trình chăn nuôi tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; diện tích đất phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi còn ít, khó khăn, chưa tự túc được lương thực, thực phẩm; việc hòa nhập cộng đồng còn rất hạn chế.
Tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã được thay đổi. Hiện nay, còn một cặp hôn nhân cận huyết. Song, tình trạng mất cân bằng giới tính trong cộng đồng dân tộc Chứt đang tồn tại. Cụ thể, độ tuổi vị thành niên từ 18 trở lên chưa kết hôn gồm 12 nam và 3 nữ, như vậy, nam cao gấp 4 lần so với nữ.
Độ tuổi chưa đến độ tuổi kết hôn nam cao gấp 3-4 lần so với nữ, trong khi đó xu hướng nữ dân tộc Chứt lấy nam người Kinh nhiều, mà nữ dân tộc Kinh lại không lấy nam dân tộc Chứt. Do đó, chúng tôi nhận thấy nguy cơ hôn nhân cận huyết thống có khả năng tái hiện.
Những chuyển biến sau khi có chương trình MTQG
Để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua, các cấp, ngành, tổ chức đã ưu tiên, dành nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, chính sách đối với những địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào?
- Thực hiện Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện Chương trình.
Đến nay, tổng số vốn bố trí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 là hơn 18 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển gần 15 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 3,5 tỷ đồng; giá trị giải ngân đến nay hơn 7,6 tỷ đồng.
Việc này nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn.
Sau khi thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Rào Tre và bản Giàng chuyển biến như thế nào, thưa ông?
- Nhìn chung sau khi thực hiện chủ trương, chương trình, chính sách, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đồng bào dân tộc ở bản Rào Tre và bản Giàng II đã có bước nâng lên.
Chúng tôi đã thực hiện xây dựng nhà ở dân cư và hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hộ đồng bào dân tộc, góp phần cải thiện cuộc sống của bà con.
Đa số đồng bào có nước sinh hoạt hợp vệ sinh để sử dụng; hệ thống lưới điện đã được đầu tư; học sinh được đến trường theo từng lứa tuổi, có em thi đậu đại học, cao đẳng.
Tình hình an ninh trật tự được kiểm soát; người dân đã có những con đường mới; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Các hộ gia đình có các công cụ sản xuất, có các con giống để chăn nuôi…
Đời sống tại các vùng này đã đi vào nề nếp, tỷ lệ hộ nghèo có chiều hướng giảm. Các lễ hội truyền thống được phục dựng, nhiều hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao được tổ chức tạo không khí vui tươi phấn khởi cho bà con.
Khó khăn và đề xuất giải pháp
Thưa ông, khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện có gặp nhiều khó khăn không, cụ thể đó là gì?
- Qua thời gian thực hiện, chúng tôi nhận thấy, đối với Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025: Điểm a, Khoản 9, Mục III quy định việc thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng thuộc Dự án 9 (Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn) theo quy định của Chương trình bao gồm: Đường giao thông; điện sản xuất, sinh hoạt; thủy lợi; công trình chống sạt lở; công trình văn hóa - giáo dục.
Vì thế, địa phương không thể lựa chọn lĩnh vực khác. Mặt khác, địa bàn đầu tư 2 bản dân tộc với diện tích nhỏ, dân số ít nên quá trình lựa chọn công trình, hạng mục để đầu tư đảm bảo theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế gặp khó khăn.
Đối với Thông tư số 02/2023 ngày 21/8/2023 của Ủy ban dân tộc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022 ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025: Khoản 4, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư số 02/2022 ngày 30/6/2022 quy định: "Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 1 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương đáp ứng yêu cầu về chất lượng nhà ở theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 01/2022 ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Thông tư số 01/2022/TT-BXD).
Mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 4 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg; cơ chế hỗ trợ áp dụng cơ chế đặc thù trong hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách thuộc nội dung của chương trình MTQG quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP".
Theo đó, kinh phí hỗ trợ được sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công, mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương tối đa 40 triệu đồng/căn nhà, phần còn lại từ ngân sách địa phương (tối thiểu 4 triệu đồng/căn nhà) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tuy vậy, theo phong tục tập quán của bà con dân tộc trên địa bàn huyện Hương Khê thường sinh sống trong những ngôi nhà sàn làm bằng gỗ, chi phí làm mới khoảng 360 triệu đồng/căn nhà. Do đó, để hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho bà con dân tộc trên địa bàn huyện theo mức hỗ trợ như trên gặp khó khăn.
Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến 2025: Trên địa bàn huyện có 2 bản dân tộc thiểu số (bản Giàng II, xã Hương Vĩnh và bản Rào Tre, xã Hương Liên) có 62 hộ, 212 khẩu.
Hàng năm, các xã Hương Vĩnh, Hương Liên đều được phân bổ kinh phí sự nghiệp để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ gia đình dân tộc nên việc rà soát, lựa chọn đối tượng đảm bảo theo quy định để thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng ngày càng khó khăn bởi dễ trùng lặp, số hộ có lao động ít.
Từ thực tế đó, huyện có đưa ra những kiến nghị, đề xuất gì với tỉnh và các cơ quan cấp có thẩm quyền để Chương trình phát huy hiệu quả hơn?
- Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trung ương cấp kinh phí riêng cho công tác làm nhà ở tại bản dân tộc theo hướng sửa chữa, làm mới theo kiến trúc nhà sàn, tạo nét riêng biệt cho bản Rào Tre; cấp kinh phí thường xuyên hàng năm để xã có điều kiện tổ chức các ngày lễ, hội và duy trì các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ của người Chứt.
Đối với dân tộc Chứt tại xã Hương Liên, tình trạng kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe, thể trạng của phụ nữ và trẻ em dân tộc, làm suy thoái giống nòi. Nguyên nhân chủ yếu là hiện nay người dân tộc Chứt không kết hôn được với người bên ngoài.
Từ thực tế đó, chúng tôi kiến nghị cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người dân tộc Chứt kết hôn với người Kinh hoặc kết hôn với người dân tộc ở các bản khác.
Kiến nghị Chính phủ quan tâm sớm mở con đường từ bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh sang xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình để tạo điều kiện cho dân tộc Chứt ở 2 địa phương, giao lưu kết nối tình cảm, giảm nguy cơ hôn nhân cận huyết thống và phát triển kinh tế.
Chúng tôi cũng đề nghị xem xét lại việc xác định tiêu chí Vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 15% trở lên vì bản Rào Tre, bản Giàng 2 ít hộ dân nên không được áp dụng phân định thuộc vùng đồng bào dân tộc.
Do vậy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, chưa được quan tâm đầu tư nhiều từ cấp trên. Huyện Hương Khê cũng đề nghị tỉnh, huyện có cơ chế bố trí một cán bộ chuyên trách cắm bản, được đào tạo tiếng dân tộc và được hưởng các chế độ tương ứng theo quy định để có thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con.
Xin cảm ơn ông!