Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời "đất hứa"
(Dân trí) - "Ở thành phố hơn 10 năm, chấp nhận sống xa con, xa bố mẹ, nhìn lại, tôi chẳng dư được gì mà luôn trong tâm trạng thấp thỏm, cuộc sống thiếu trước hụt sau", chị Lệ nghẹn ngào.
![Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời "đất hứa"](https://cdnphoto.dantri.com.vn/O0fhIV_10Bx6Euyr_8TLpu3DOL4=/2025/01/22/cong-nhantrinh-nguyen-34-1737526540943.jpg)
Khép lại giấc mơ đổi đời
Trước Tết Ất Tỵ vài tuần, chị Trương Thị Lệ (34 tuổi, quê tại tỉnh Quảng Bình) ngậm ngùi ký vào lá đơn tự nguyện nghỉ việc. Lúc ấy, chị Lệ biết rõ sẽ không thể sắm áo mới cho con, mua ít bánh mứt ngày Tết cho bố mẹ, vì trong túi chỉ còn lại một ít tiền, chuẩn bị cho khoảng thời gian đầy khó khăn sắp tới.
Hơn 8 năm làm công nhân tại công ty dệt may đông lao động nhất thành phố và có hơn 1 thập kỷ bám trụ nơi xa xứ, người mẹ 2 con chợt giật mình khi nhận ra, vợ chồng chị không có nổi một khoản tích cóp.
Chị Lệ cười méo xệch tổng kết, vợ chồng chị đến thành phố với hai bàn tay trắng, rồi lại trắng tay trở về quê nhà. Chỉ có ước mơ thoát nghèo là vẫn nằm nơi "đất hứa", không biết khi nào thành hiện thực.
![Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 1 Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/7TimntkMxjP0_-5nSR3D5x_E_w4=/thumb_w/1920/2025/01/22/cong-nhantrinh-nguyen-38-1737526540854.jpg)
![Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 2 Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/m1crOBNR8Xiw3Pm3DkgrMnt6dDo=/thumb_w/1920/2025/01/13/cong-nhantrinh-nguyen-18-1736764527423.jpg)
Chị còn nghĩ đến cảnh đối mặt với những câu hỏi của hàng xóm, khi lỡ "mang tiếng" lên thành phố lớn làm việc mà rồi chẳng khấm khá nổi.
"Thế nhưng, thà như vậy còn hơn sống thiếu thốn, chật vật như hiện tại", chị Lệ ứa nước mắt.
Nữ công nhân bộc bạch, khoảnh khắc chị thấy tủi hổ, day dứt nhất là vào những dịp đặc biệt, nhìn các gia đình khác sắm sửa, đưa con cái đi chơi đầy đủ, chỉ có vợ chồng chị phải cố viện lí do để nói đỡ với các con.
Tiền làm ra chỉ đủ chi trả sinh hoạt phí ở thành phố, thậm chí có tháng ốm đau chị còn phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi. Vì thế, đối với gia đình chị, cốc cà phê 60.000 đồng hay bát phở 50.000 đồng đều là những thứ xa xỉ nơi "đất hứa", nơi mãi những công nhân nghèo như chị không được đón nhận.
"Làm công nhân, tôi được trả lương 5 triệu đồng/tháng, nếu có tăng ca thì được 8 triệu đồng. Số tiền chỉ đủ trả tiền trọ, ăn uống, sinh hoạt cơ bản của hai vợ chồng.
Kể từ khi có con, chúng tôi vất vả hơn nhiều vì không biết kiếm đâu ra tiền để bù vào các khoản chi phát sinh. Tôi đành chấp nhận sống xa con, gửi các cháu về quê nhờ ông bà chăm giúp", chị Lệ nói.
![Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 3 Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/Mc7QclTBrD8KJGjNH-K6qg-MfY4=/thumb_w/1920/2025/01/13/cong-nhantrinh-nguyen-12-1736764527126.jpg)
![Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 4 Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 4](https://cdnphoto.dantri.com.vn/LmE2ezMvhlCVILMs1SjyH2PO_i8=/thumb_w/1920/2025/01/22/cong-nhantrinh-nguyen-40-1737526540844.jpg)
Con đầu 2 tuổi và con út 4 tháng tuổi của chị Lệ phải sống trong cảnh thiếu thốn hơi ấm của ba mẹ. Ông bà ở quê đã lớn tuổi, quanh quẩn kiếm ba cọc ba đồng từ nghề nông, cũng chỉ có thể phụ lo cho các cháu một thời gian đầu.
Sống xa con lại chẳng yên tâm, chị Lệ và chồng cứ đắn đo mãi chuyện "về hay ở".
"Nhiều đêm tôi trằn trọc không ngủ được, ngẫm lại thấy mình ở thành phố cả một thập kỷ, hi sinh tình cảm gia đình và nhiều thứ khác nhưng đổi lại chẳng có gì. Chúng tôi phải xa cách con cái, sức khỏe ngày càng hao mòn do công việc ở nhà máy áp lực, vất vả. Cứ đà này, có cố bám trụ thêm vài năm nữa, tôi cũng sẽ sớm bị sa thải như những lao động lớn tuổi khác", chị Lệ trải lòng.
Sau nhiều tháng đấu tranh tư tưởng, cuối cùng, nữ công nhân đưa ra quyết định mà chị khẳng định "dù có nằm mơ cũng không ngờ tới".
Ngày chị ký vào lá đơn xin nghỉ việc, chồng chị cũng ngỏ ý cùng vợ về quê chăm sóc con. Nhưng cảnh nhà còn nghèo, chị Lệ chỉ có thể cắn răng, thuyết phục chồng ở lại làm lụng thêm một thời gian, chờ đến khi chị tìm được công việc ổn định ở quê hãy tính tiếp.
![Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 5 Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 5](https://cdnphoto.dantri.com.vn/YE0fm4erD_IuX7v82g795UTnn98=/thumb_w/1920/2024/08/07/cong-nhannguyenvy-3-1723037393142.jpg)
![Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 6 Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 6](https://cdnphoto.dantri.com.vn/UnnaQ_psTrzRJZENLJPGotoov7k=/thumb_w/1920/2024/08/07/cong-nhannguyenvy-4-1723037389296.jpg)
Ngày rời thành phố về quê, tâm trí chị Lệ trĩu nặng. Ngoái đầu nhìn lại nơi đã sinh sống, làm việc hơn 1 thập kỷ, chị Lệ thở dài: "Nói không tiếc nuối là đang nói dối".
Trải qua kỳ nghỉ Tết "dài hạn" và đáng nhớ nhất, chị Lệ cho hay đến giờ vẫn chưa tìm được công việc mới ở quê nhà. Thế nhưng, khi được sống gần bố mẹ, các con, chị cũng đỡ được phần nào căng thẳng. Dù chưa tìm được việc, nhưng chị cũng chẳng áp lực lo miếng ăn hằng ngày, vì ở quê "có rau ăn rau, có cá ăn cá".
Xoay xở sống nơi "đất hứa"
Chị Hiệp (42 tuổi, quê Quảng Bình) là công nhân tại công ty dệt may ở quận Bình Tân, cũng quyết định bỏ phố về quê trong kỳ nghỉ Tết vừa qua. Trở về sau hơn 10 năm xa xứ, chị Hiệp cười chua chát khi phải học, làm quen lại với lối sống yên bình ở quê, bởi từ lâu đã cuốn theo nếp sống hối hả thành thị.
Chị xin được một công việc gần nhà, với mức lương thấp hơn thu nhập khi làm công nhân. Thế nhưng, ở vùng nông thôn, số tiền ấy đủ để trả chi phí sinh hoạt, thậm chí dư được vài trăm nghìn đồng/tháng.
"Làm ở quê lương thấp hơn thành phố nhưng đổi lại tôi được sống gần con, tiết kiệm được nhiều khoản chi phí. Mức sống ở nông thôn thấp, tôi vẫn có thể xoay xở, tích cóp được chút tiền", nữ công nhân chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn công ty Cổ phần Cơ khí - Thương mại Đại Dũng (TPHCM), cho biết công ty có nhiều chương trình chăm lo cho con em công nhân. Tại công ty, mỗi nhà máy đều có khu lưu trú cho công nhân.
Tuy nhiên, thực tế ông ghi nhận cho thấy đang có hiện tượng công nhân dịch chuyển từ các khu công nghiệp lớn ở TPHCM về quê làm việc để có điều kiện ở gần con nhỏ, gia đình.
Nguyên nhân là vì cuộc sống ở thành phố lớn khó khăn, khó tìm ra nơi giữ trẻ phù hợp với điều kiện làm việc và mức sống cao. Thời gian qua, nhiều công nhân phải chọn cách gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc.
Thực tế, tình hình thụ hưởng an sinh xã hội trong công nhân được cho là đang diễn biến tiêu cực. Các chính sách an sinh rất cơ bản nhưng không có chính sách nào đạt tỷ lệ thụ hưởng 50%.
![Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 7 Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 7](https://cdnphoto.dantri.com.vn/ACzWFoHL_hLOARlrjT9fworVzpg=/thumb_w/1920/2023/07/22/dsc08888-1690025794798.jpg)
![Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 8 Kỳ nghỉ Tết dài hạn của công nhân chọn rời đất hứa - 8](https://cdnphoto.dantri.com.vn/1qGxlPf7xSdbLM3gPhVL8tv4z4k=/thumb_w/1920/2023/06/30/congnhannhatronguyenvy-11-1688113960227.jpg)
Số liệu thống kê cho thấy, lần đầu tiên TPHCM không còn là điểm đến lý tưởng của dân nhập cư khi năm 2023 chỉ có khoảng 65.000 người đến lập nghiệp, giảm hơn một nửa so với những năm trước.
Những trung tâm công nghiệp, kinh tế mới nổi đang dần bắt kịp TPHCM về phát triển kinh tế, cạnh tranh với thành phố để hấp dẫn nguồn nhân lực từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên…
Theo VCCI và Tổ chức di cư quốc tế IOM, trong số 1.000 người tham gia khảo sát hiện đang làm việc tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương, có 15,5% cho biết có ý định về quê làm việc lâu dài và 44,6% đắn đo giữa việc về quê hay tiếp tục làm việc tại thành phố.
Đối với những lao động có ý định trở về quê làm việc lâu dài, tác nhân chính đẩy họ trở về là thu nhập hiện tại không đủ trang trải chi phí sống xa nhà (38,1%), cũng như động lực chính kéo họ quay về là để ở gần gia đình (47,1%) và cơ hội việc làm tại quê hương được cải thiện tốt hơn (15,5%).
Trong số 200 lao động ở lại quê hương làm việc, 92,5% cho biết không có ý định di cư, làm ăn xa quê nữa. Tỷ lệ này nổi bật hơn ở nhóm người lao động lớn tuổi đang tìm kiếm việc làm ổn định ở quê.