DNews

Chuyện chưa từng tiết lộ về mối tình thầm lặng trên tuyến lửa Truông Bồn

Hoàng Lam

(Dân trí) - "Tôi say lòng Hoài từ cái nhìn đầu tiên", cựu thanh niên xung phong Nguyễn Hữu Võ kể về câu chuyện tình yêu khắc cốt ghi tâm của mình. Người con gái ấy đã nằm lại tuyến lửa Truông Bồn ở tuổi 17...

Chuyện chưa từng tiết lộ về mối tình thầm lặng trên tuyến lửa Truông Bồn

Ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc?

Cuối tháng 10, chúng tôi trở lại Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) khi Ban quản lý khu di tích đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 56 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968-31/10/2024).

Ngày 31/10/1968 đã đi vào lịch sử "tọa độ lửa" này như một ký ức đau thương nhất nhưng cũng hào hùng nhất của những người lính thanh niên xung phong (TNXP) trên trận chiến giữ vững huyết mạch giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam.

Chuyện chưa từng tiết lộ về mối tình thầm lặng trên tuyến lửa Truông Bồn - 1

Tiểu đội 2 - Tiểu đội "thép" - Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An san lấp hố bom ở Truông Bồn (Ảnh tư liệu: Phùng Triệu).

Sáng 31/10/1968, chỉ ít tiếng nữa thôi, lệnh ngừng bắn hoàn toàn miền Bắc sẽ có hiệu lực. Chỉ vài tiếng nữa thôi, nhiều người sẽ rời "túi bom" này để viết tiếp giấc mơ về giảng đường, giấc mơ hạnh phúc lứa đôi...

Những tràng bom không dứt từ các tốp máy bay địch rút xuống đường 15A, mà trọng điểm là Truông Bồn, nhằm chặt đứt con đường tiếp vận cho chiến trường miền Nam trước khi phải hoàn toàn ngừng ném bom miền Bắc kể từ ngày 1/11/1968.

Dứt tiếng bom, lực lượng TNXP từ dưới hầm lao lên, túa ra đường. Những người con gái, con trai "mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn", bằng tay cuốc, tay xẻng, bằng sức mạnh và nhiệt huyết tuổi trẻ phá bom, san hố, quyết không để con đường tắc lại dù chỉ một giờ...

Chuyện chưa từng tiết lộ về mối tình thầm lặng trên tuyến lửa Truông Bồn - 2

Du khách tưởng nhớ 1.240 liệt sỹ hi sinh trên cung đường 15A huyền thoại (Ảnh: Hoàng Lam).

Trong cuộc chiến giữ đường ấy sáng hôm ấy, 13 chàng trai, cô gái TNXP Tiểu đội 2 - Tiểu đội "thép" - Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An ngã xuống khi những quả bom dội trúng hầm. Họ đã mãi mãi nằm lại trên đất Truông Bồn.

Những người con gái, con trai "đã đi không tiếc đời mình", bởi "ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc?", còn rất trẻ và chưa ai kịp lập gia đình.

Người trẻ nhất là chị Nguyễn Thị Hoài (quê xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), hi sinh khi mới 17 tuổi 3 tháng. Trong 9 tháng 20 ngày tham gia lực lượng TNXP, chị có mặt trên tọa độ lửa Truông Bồn. Lời hứa "hết chiến tranh, con về ở bên với mẹ cả đời" không bao giờ thực hiện được nữa...

Chuyện chưa từng tiết lộ về mối tình thầm lặng trên tuyến lửa Truông Bồn - 3

Liệt sỹ Nguyễn Thị Hoài, thời điểm hi sinh mới hơn 17 tuổi (Ảnh: Khu di tích Truông Bồn).

Trong ký ức ông Nguyễn Doãn Sáu (SN 1962, trú xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên), chị gái ông - liệt sỹ Nguyễn Thị Hoài - là người thấp bé, khuôn mặt bầu bĩnh, xinh xắn. 

"Chị tôi đi TNXP khi mới hơn 16 tuổi, chỉ về thăm nhà đúng một lần. Ngày đơn vị đến nhà thông báo và tổ chức lễ truy điệu chị, mẹ tôi khóc ngất. Xương thịt chị tôi, cùng nhiều đồng đội khác, tan vào đất...", ông Sáu vẫn nguyên vẹn ký ức của ngày đau thương ấy, dẫu lúc đó mới chỉ là đứa trẻ 6 tuổi.

Ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Khu di tích Truông Bồn, kể cho chúng tôi về chiếc ba lô của chị Hoài trong lễ truy điệu tại đơn vị. Chiếc ba lô gây nên một sự hiểu nhầm với gia đình của một TNXP khác.

Và cũng chính từ chiếc ba lô, đã hé lộ một câu chuyện tình yêu thầm lặng nhưng rất đỗi thiêng liêng của 2 người lính TNXP trên tuyến lửa ác liệt này.

Mối tình thầm lặng trên "tọa độ lửa"

Theo chân ông Phan Trọng Lộc, chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Hữu Võ (SN 1949, trú xã Trù Sơn, huyện Đô Lương).

Năm 1967, ông Võ khi đó 18 tuổi, thuộc diện miễn nhập ngũ do người anh trai đang chiến đấu tại chiến trường Lào. Nhưng khi "cả nước cùng đánh giặc, chẳng lẽ mình ngồi yên?", ông nghĩ vậy rồi ra xã, xung phong ghi tên tham gia lực lượng TNXP.

Ông Võ được biên chế vào Tiểu đội 6, Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An, tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch đường 15A, đoạn qua Đô Lương.

"Ngày ấy, địch đánh phá tuyến đường 15A ác liệt lắm. Không ngày nào trên cung đường dài chưa đầy 5km này không có bom nổ. Dân thường, rồi bộ đội, TNXP, công nhân giao thông hi sinh nhiều lắm. Cứ người trước ngã xuống thì người mới lại được bổ sung...", ông Võ kể.

Chuyện chưa từng tiết lộ về mối tình thầm lặng trên tuyến lửa Truông Bồn - 4

Ông Nguyễn Hữu Võ hồi tưởng về mối tình thầm lặng của mình (Ảnh: Hoàng Lam).

Cũng chính nơi đạn bom ác liệt này, ông gặp cô TNXP Nguyễn Thị Hoài. "Tôi say lòng Hoài ngay khi gặp lần đầu", người đàn ông tóc đã bạc trắng, tai đã lãng, bồi hồi khi kể về mối tình đầu của mình.

Trong tâm trí ông vẫn nguyên vẹn hình ảnh cô gái nhỏ, trong bộ quần áo TNXP lấm lem bụi đất, rất hay cười và nhìn rất duyên. Tình yêu của họ đến thật tự nhiên nhưng kỷ luật chiến trường, họ chỉ dám giữ thương nhớ cho riêng mình.

"Tôi chỉ kể chuyện 2 đứa cho chị Nguyệt, người chị cùng Đại đội thân thiết, xem tôi như em trai ruột. Tôi nói với Hoài, bao giờ giải ngũ anh cưới em, cô ấy chỉ cười", ông Võ kể.

Cuối tháng 10/1968, chị Hoài được đơn vị cho về phép để làm công tác tư tưởng do gia đình nhận được tin cô hi sinh khi đi nhận lương thực cho đơn vị. Anh Võ đưa cho chị Hoài chiếc ba lô của mình, để cô đựng mấy món đồ khi về thăm nhà.

Chuyện chưa từng tiết lộ về mối tình thầm lặng trên tuyến lửa Truông Bồn - 5

Bà Nguyễn Thị Sửu, vợ ông Võ, kể: "... ông cứ ôm ngôi mộ chung, hai hàng nước mắt dàn dụa" (Ảnh: Hoàng Lam).

Ngày 29/10, anh Võ bị thương trong khi làm nhiệm vụ, được chuyển lên bệnh viện dã chiến đóng ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) điều trị. Một ngày sau, chị Hoài trả phép, về đơn vị, không gặp được người yêu nên chiếc ba lô vẫn được để lại lán của chị em Tiểu đội 2.

Rạng sáng 31/10, nhiều đơn vị trên tuyến lửa được huy động ra mặt đường. Và chị Hoài - mối tình đầu thầm lặng của ông - không về nữa...

Đơn vị làm lễ truy điệu những người hi sinh. Chiếc ba lô đựng mấy món đồ của chị Hoài cũng được đưa lên tập kết tại địa điểm làm lễ. Một người đàn ông luống tuổi và cô gái run rẩy bước tới gần chiếc ba lô. Cô gái khụyu xuống đất, khi thấy dòng chữ Nguyễn Hữu Võ viết trên đó...

"Đó là bố tôi và em gái thứ 3 của tôi. Ở quê, mọi người nghe tin ở Truông Bồn bom vùi chết nhiều người, lo lắng nên đến kiểm tra. Thấy chiếc ba lô mang tên tôi, bố và em tưởng tôi hi sinh...", ông Võ kể.

Ông Võ sau đó cùng đơn vị được chuyển đến các trọng điểm giao thông khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục làm nhiệm vụ. Năm 1969, theo mai mối của gia đình, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Sửu, sống cùng làng.

Chuyện chưa từng tiết lộ về mối tình thầm lặng trên tuyến lửa Truông Bồn - 6

Bà Sửu không hờn giận chồng mà luôn tôn trọng mối tình thầm lặng của ông Võ (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông không giấu vợ chuyện tình cảm trước kia của mình. Bà cũng chẳng vì thế mà hờn giận, bởi, ngoài mối tình thầm lặng khắc cốt ghi tâm ấy, ông là người chồng, người cha trách nhiệm, thương vợ con, không có điều gì đáng chê trách. Thậm chí, có lúc ông thật lòng "nếu Hoài còn sống, tôi không lấy bà", bà cũng không làm ầm ĩ lên.

Khi còn khỏe, mỗi năm vài lần, ông Võ đạp xe cả chục cây số lên Truông Bồn. Ông đứng thật lâu trước ngôi mộ chung 13 thanh niên xung phong, hoài niệm về mối tình đầu của mình. Những năm gần đây, sức khỏe ông Võ giảm sút, lại thêm cái bệnh lãng tai, nên con cháu không để ông đi một mình. Khi thì bà Sửu, khi thì con cháu thay nhau đưa ông sang Truông Bồn.

"Năm ngoái, thằng cháu nội đưa ông đi. Về hắn thì thầm với bà, bảo thấy ông cứ ôm ngôi mộ chung, 2 hàng nước mắt dàn dụa. Tôi hiểu, ông khóc vì ai...", bà Sửu tâm sự.

Tôi hỏi bà có chạnh lòng không?, bà cười hiền: "Buồn gì đâu. Ai lại đi ghen với người đã khuất, hơn nữa, lại là người hi sinh vì Tổ quốc".

Tôi đã kể lại câu chuyện tình yêu của ông Nguyễn Hữu Võ với ông Nguyễn Doãn Sáu, em trai liệt sỹ Nguyễn Thị Hoài. Câu chuyện mới mẻ về người chị gái khiến ông Sáu rất xúc động.

"Tôi cảm ơn tình cảm của anh Võ dành cho chị Hoài. Hơn 50 năm rồi, anh ấy vẫn giữ đoạn tình cảm đẹp với chị tôi. Có dịp, tôi muốn mời anh và gia đình đến chơi để 2 gia đình gặp gỡ, qua lại với nhau lâu dài", ông Sáu tâm sự.