DMagazine

Vì sao khách "kén chọn" khi đến Cần Giờ và ít ghé lại?

(Dân trí) - Du khách đến từ Ấn Độ đánh giá hồ bơi, đi thuyền máy, đồ ăn ngon là những gì ấn tượng ở Cần Giờ. Trải nghiệm trong chuyến đi dừng lại ở mức chấp nhận được, không có gì mới mẻ.

Trạm dừng chân giữa rừng Sác là nơi bà Hiền (60 tuổi) cùng gia đình sinh sống nhiều thập kỷ. Trong câu chuyện với phóng viên Dân trí, người phụ nữ kể về sự lột xác của huyện đảo một cách đầy tự hào.

"Ngày đó, con đường Rừng Sác chỉ là đường đất, một xe đi qua còn chật vật, không có chỗ chống chân. Dọc 2 bên đường cho đến hết rừng không một ánh đèn, vừa đi vừa sợ. Khu dân cư cuối rừng cũng chỉ lập lòe vài ánh đèn lưu ly", bà Hiền nhớ lại.

Năm 2011, tuyến đường Rừng Sác 6 làn xe được khánh thành. Căn chòi của bà Hiền cũng từ đó trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Vì sao khách kén chọn khi đến Cần Giờ và ít ghé lại? - 1

Cũng trong năm ấy, ông Thanh (59 tuổi) gom góp tiền mở một nhà nghỉ giữa trung tâm huyện Cần Giờ. Bắt nhịp cùng sự phát triển của huyện đảo, ông Thanh và bà Hiền đều chuyển sang ngành nghề gắn liền hoạt động du lịch, thay vì đời sống sông nước trước kia.

Du khách đến với huyện đảo càng nhiều, hàng nước của bà Hiền càng đông khách hơn, người lưu trú tại nhà nghỉ của ông Thanh tăng dần lên. Thế nhưng, trước các kế hoạch phát triển du lịch, kinh tế đêm, những công trình, dự án lớn sắp hình thành, 2 người lại có những trăn trở hoàn toàn khác…

Vì sao khách kén chọn khi đến Cần Giờ và ít ghé lại? - 3

Mặc dù đã hội tụ đủ những điều kiện vàng để thu hút du khách quốc tế, nhưng Cần Giờ vẫn khá im tiếng trên bản đồ du lịch. Trong số những điểm đến cần ghé qua được các tờ báo, tạp chí, diễn đàn du lịch quốc tế nhắc tới khi nói về Việt Nam, TPHCM luôn ở top đầu. Tuy nhiên, Cần Giờ lại không nằm trong danh sách những nơi cần đến khi bạn bè 5 châu nhắc tới thành phố.

Trên trang Tripadvisor - diễn đàn mở uy tín về du lịch quốc tế - nếu các điểm đến như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, địa đạo Củ Chi… nhận được hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn lượt đánh giá thì sự xuất hiện của Cần Giờ còn khá khiêm tốn với chỉ vài trăm lượt trải nghiệm. Số lượt du khách đánh giá có trải nghiệm tốt về huyện đảo còn ít.

Vì sao khách kén chọn khi đến Cần Giờ và ít ghé lại? - 5

"Tôi muốn tới đây để tận hưởng một chút không khí của thiên nhiên… Thế nhưng, chuyến trải nghiệm rừng ngập mặn chỉ là vài phút trên chuyến tàu cao tốc", Koen, vị khách đến từ Thụy Sỹ chia sẻ.

Một vị khách khác đến từ Ấn Độ nhận xét, anh từng tới Cần Giờ thời điểm trước dịch Covid-19 bằng một tour du lịch được book qua mạng. Hồ bơi, đi thuyền máy, đồ ăn ngon là những gì anh ấn tượng nhất về nơi này. Trải nghiệm của anh trong chuyến đi dừng lại ở mức chấp nhận được và không có gì mới mẻ.

Trong số phần lớn ý kiến đánh giá về Cần Giờ của du khách quốc tế, họ ấn tượng bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ của bãi biển dài, thủy hải sản tươi ngon với giá phải chăng cùng bầu không khí trong lành của cánh rừng ngập mặn bạt ngàn. Tuy nhiên, điều mà ngành du lịch của huyện đảo cần cải thiện là công tác tổ chức và trải nghiệm mang lại cho du khách.

Đó cũng là một trong những cản trở đối với du lịch Cần Giờ được ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, chia sẻ tới phóng viên Dân trí. Ông phân tích, thị trường du lịch tại đây khá "kén chọn" du khách. Ngoài những tour tham quan, du lịch sinh thái, Cần Giờ gần như không có tour nghỉ dưỡng. Đặc thù của khách tham quan huyện đảo thường là đi cho biết mà ít khi ghé lại.

Vì sao khách kén chọn khi đến Cần Giờ và ít ghé lại? - 7

Theo khảo sát của phóng viên trên các website du lịch, tour du lịch phổ biến nhất đến Cần Giờ thường diễn ra trong vòng một ngày. Các hoạt động nổi bật nhất của huyện Cần Giờ là tham quan đảo khỉ, rừng ngập mặn, di tích căn cứ cách mạng Rừng Sác, khu bảo tồn cá sấu, bãi biển 30/4… với giá vé dao động từ 470.000 đồng đến 1,3 triệu đồng.

Với số tiền đó, một người đam mê xê dịch như chị Đặng Thùy Dương (34 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cho rằng, chị sẽ chọn đi thẳng đến Vũng Tàu. Với chị, Cần Giờ chưa có các yếu tố hấp dẫn như hệ thống nhà hàng, khách sạn lớn, những khu vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm về đêm…

Các hoạt động kinh doanh, buôn bán chỉ kéo dài đến khoảng 18h là đóng cửa nên thiếu sức hút. Có lẽ vì thế mà phần lớn du khách đến Cần Giờ chỉ chơi trong ngày rồi về, số khách lưu trú ban đêm chỉ chiếm khoảng 3-4%.

Vì sao khách kén chọn khi đến Cần Giờ và ít ghé lại? - 9

"Nút thắt cổ chai phà Bình Khánh cũng là hạn chế khiến du khách ngao ngán khi tới Cần Giờ. Bản thân tôi tới huyện nhiều lần, có ngày phải đợi nhiều giờ mới qua được bờ bên kia, có hôm lại vắng hoe. Với tình trạng này, tôi không thể chủ động tính toán thời gian di chuyển", ông Phan Xuân Anh bày tỏ.

Ngoài những dự án lớn phục vụ khách du lịch sắp triển khai tại huyện Cần Giờ, các chuyên gia đều cùng chung ý kiến, việc xây cầu thay thế phà Bình Khánh hiện tại là một trong những điều kiện tiên quyết để huyện đảo bứt phá trong tương lai. Với việc rút ngắn thời gian di chuyển, kéo Cần Giờ gần hơn với trung tâm TPHCM, cây cầu sẽ quyết định sự thành công của dự án khu đô thị lấn biển hay các cảng container, cảng trung chuyển hành khách quốc tế.

Vì sao khách kén chọn khi đến Cần Giờ và ít ghé lại? - 11

"Khi xây dựng cầu nối huyện Cần Giờ - Nhà Bè tạo thông suốt giao thông, cùng việc xúc tiến nhanh các dự án lớn đang trong dự định, huyện Cần Giờ mới có thể phát triển một đô thị biển đặc thù của TPHCM", TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách - tiền tệ quốc gia nhận định.

Năm 2016, Thủ tướng đã đồng ý đề xuất xây dựng cầu Cần Giờ để thay thế cho phà Bình Khánh. Từ thời điểm đó đến nay, dự án cầu Cần Giờ luôn nằm trong danh sách các dự án trọng điểm, cấp bách của thành phố. Tuy nhiên, ngày khởi công cây cầu vẫn chưa được ấn định.

Theo thông tin mới nhất từ UBND TPHCM, nếu công tác chuẩn bị thuận lợi, cây cầu sẽ được khởi công vào năm 2024, hoàn thành 4 năm sau đó. Theo kế hoạch này, huyện đảo sẽ chỉ còn vỏn vẹn 2 năm để trở thành thành phố biển theo Nghị quyết định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 do Thành ủy TPHCM ban hành.

Vì sao khách kén chọn khi đến Cần Giờ và ít ghé lại? - 13

Khu vực ven biển Cần Giờ vắng bóng du khách, nhiều hàng quán bị đóng cửa, không người trông coi (Ảnh: Q.Huy).

Giữa TPHCM đất chật người đông, Cần Giờ là huyện hiếm hoi được đánh giá là đất hẹp người thưa. Huyện đảo có diện tích hơn 70.000ha mật độ dân số tương ứng 1 người/ha. Ngoài 34.000ha là đất rừng, việc sử dụng phần đất còn lại để phát triển du lịch, kinh tế cũng không phải là điều dễ dàng cho huyện đảo.

"Việc sử dụng phần đất còn lại, ngoài đất rừng rất dễ "va chạm" các quy định trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Việc tổ chức các nhà bè trên sông để phục vụ ăn uống cho du khách - việc mà các tỉnh miền Tây đã làm - cũng chưa thể thực hiện do vướng quy định", ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ nêu khó khăn.

Vì sao khách kén chọn khi đến Cần Giờ và ít ghé lại? - 15

Theo một khảo sát của Sở Du lịch TPHCM năm 2018, chỉ 40% người dân trên địa bàn biết thành phố có biển. Và với sự im hơi lặng tiếng của huyện đảo thời gian qua, tỷ lệ này không thay đổi nhiều trong thời điểm hiện tại.

Trong số những người từng biết tới, đặt chân đến Cần Giờ, rất ít người biết, rừng Sác hiện tại không hoàn toàn được tự nhiên ban tặng.

Năm 1978, huyện Duyên Hải được sáp nhập vào TPHCM và chính thức mang tên Cần Giờ vào năm 1991. Trải qua 2 cuộc chiến tranh, cánh rừng phòng hộ bạt ngàn của huyện gần như bị xóa sổ bởi bom đạn, chất độc hóa học.

Vì sao khách kén chọn khi đến Cần Giờ và ít ghé lại? - 17

Ngay từ thời điểm sáp nhập, TPHCM và huyện đảo này đều coi việc phục hồi rừng, phát triển rừng ngập mặn là nhiệm vụ chính trị. Cánh rừng rộng 34.000ha hiện nay được tạo ra từ mồ hôi, nước mắt của nhiều thế hệ đi trước.

"Ngày đó, chỉ bằng sức người, từng đoàn thuyền gỗ xuống Cà Mau, hái lượm từng trái đước, trái bần đêm về đây trồng lại. Bởi vậy, rừng Sác hiện tại mới được như ngày nay", một lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ chia sẻ.

Ngày nay, câu chuyện về quãng thời gian cả huyện đảo chung tay gìn giữ rừng già vẫn được người dân Cần Giờ lưu truyền lại. Trong chiến tranh, cánh rừng ngã xuống để che chắn cho họ, trong thời bình, rừng ngập mặn cũng đem lại sinh kế.

"Rừng là lá phổi của thành phố, tôi ở đây vừa buôn bán kiếm sống, vừa giữ rừng", bà Hiền quả quyết.

Khi ngành du lịch, kinh tế, dịch vụ của huyện đảo vươn lên mạnh mẽ, trạm dừng chân của nhà bà Hiền chắc chắn sẽ được hưởng lợi không nhỏ. Nhưng điều người phụ nữ lo lắng, sau khi cây cầu Cần Giờ đưa vào hoạt động, sự bình yên của huyện đảo có còn hay không.

"Ở đây bình yên lắm, xe cứ dựng ngoài đường không cần khóa, cổng cũng chẳng cần đóng. Rồi khi có cây cầu, người dân từ các nơi đổ về, Cần Giờ có còn được vậy?", bà Hiền thở dài.

Vì sao khách kén chọn khi đến Cần Giờ và ít ghé lại? - 19

Đường Rừng Sác được đầu tư nâng cấp, mở rộng thành 6 làn xe nhưng vẫn vắng bóng người qua lại (Ảnh: Q.Huy).

Điều bà lo lắng nhất, cánh rừng Sác, nơi từng che chắn, tạo sinh kế cho cả gia đình có bị ảnh hưởng khi các công trình lớn mọc lên. Những câu chuyện kích cầu du lịch, làm kinh tế đêm, khu đô thị lấn biển hay cây cầu thay phà Bình Khánh bà đều nắm rõ qua thông tin báo đài và lời kháo nhau từ người dân huyện đảo.

Vì không mấy hưởng ứng, bà dặn lòng rằng vẫn "còn lâu"… Rồi cứ tầm 17-18h, đường Rừng Sác vắng hoe, gia đình bà lại lặng lẽ thu dọn bàn ghế, kết thúc một ngày làm việc.

Trong căn nhà lớn gần bờ biển, ông Thanh cho rằng, phát triển du lịch và kinh tế đêm là cơ hội để tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống. Mỗi tối, ông vẫn nhìn sang phía bên kia của eo biển, cách nơi ông đứng chỉ vài km, những ánh đèn từ Vũng Tàu rực sáng cả vùng trời.

Ở đó, du khách đang đi dạo bờ biển, thăm quảng trường, ăn uống, vui chơi nhộn nhịp chẳng kém gì khu trung tâm TPHCM. Người đàn ông từng lênh đênh sông nước vẫn khắc khoải về ngày Cần Giờ cũng sáng rực và tấp nập du khách như vậy.

Bài 4:  Thành phố du lịch Cần Giờ trong tương lai chưa "thức giấc"

Vì sao khách kén chọn khi đến Cần Giờ và ít ghé lại? - 20

Nội dung: Q.Huy - Phương Nhi

Thiết kế: Thủy Tiên