Vì sao dự án cao tốc lớn nhất miền Nam bị trễ hẹn?
(Dân trí) - Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công vào tháng 7/2014, từng được hứa hẹn hoàn thành vào năm 2018. Đến nay, công trình vẫn dang dở nhiều đoạn, phải chờ thêm 2 năm nữa mới có thể liền mạch.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài hơn 57km đi qua địa phận TPHCM, tỉnh Long An và Đồng Nai. Đây là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, cũng là dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 31.320 tỷ đồng.
Ghi nhận đầu năm 2023, tại nơi tiếp giáp giữa công trình gói thầu A6 và A7 của dự án, hình hài tuyến cao tốc đã được quy hoạch, nhưng chưa thông nhau. Trong ảnh là điểm đầu gói thầu A7 - đoạn đường có tổng chiều dài 5,3km gồm: 3,2km cầu và 2,1km đường (thuộc hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Công trình gói thầu A7 được coi là đoạn khó thi công bậc nhất toàn tuyến, do tọa lạc ở vùng có địa chất, thủy văn phức tạp với nhiều sông ngòi, vùng sình lầy. Toàn dự án có hơn 20km cầu và cầu cạn để vượt qua địa hình này.
Tại đoạn kết nối quốc lộ 51 đến bờ sông Thị Vải, các trụ cầu cạn đã cơ bản hoàn thành đi xuyên rừng ngập mặn.
Chủ đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết việc thi công qua rừng ngập mặn rất phức tạp vì thường xuyên bị ngập nước do thủy triều. Công đoạn khó nhất vào những ngày đầu thực hiện, công nhân và máy móc phải đào gốc cây, đổ cát làm đường, lắp hệ thống điện, xử lý nền đất yếu... để tạo hình lối đi.
Đoạn qua rừng ngập mặn đoạn cao tốc này có 77 trụ cầu cạn (một trụ gồm trụ trái và trụ phải, mỗi trụ dài 12m).
Đoạn trên sông, đơn vị thi công mới hoàn thành đóng cọc chuẩn bị xây dựng trụ cầu vượt để nối với cầu cạn.
Các dầm cầu cạn đã gần như hoàn thiện và đơn vị thi công đang tạo mặt đường. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với mặt đường rộng 24m cho 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120km/h.
Tiến độ thi công 3,2km cầu và 2,1km đường của gói thầu A7 đến nay đạt khoảng 63%, bị chậm so với kế hoạch khoảng 6,5%. Gói thầu A7 được triển khai năm 2017, chủ thầu VEC đã xin gia hạn thời gian thực hiện gói thầu này đến tháng 6/2023.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành có điểm đầu nối vào quốc lộ 51 hiện hữu tại địa phận xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Hiện đơn vị thi công đã san bằng các bề mặt đường, xây dựng đoạn cầu ngắn vượt nhánh nước trước, sau đó sẽ thuận lợi đổ bê tông, trải nhựa dọc đoạn đường tại nút giao kết nối này.
Công trường gói thầu A7 vẫn hoạt động những ngày giáp Tết Nguyên đán.
Mỗi ngày có khoảng 100 kỹ sư, công nhân làm việc nơi đây. Đơn vị thi công có kế hoạch huy động thêm nhân lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong 6 tháng đầu năm nay.
Ngoài gói thầu A7 chậm tiến độ, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành còn đứt đoạn ở 2 cây cầu dây văng vượt sông có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam, là cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh, đã dừng thi công hơn 3 năm do cạn nguồn vốn.
Theo thông tin của chủ đầu tư VEC đầu năm nay, đơn vị đang xúc tiến khởi động lại gói thầu J3 (cầu Phước Khánh trong ảnh, nối TPHCM với Đồng Nai). VEC dự tính thời gian thi công bắt đầu từ cuối tháng 6/2023 và kéo dài 17 tháng.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang dần rõ nét hình hài với gần 80% khối lượng công trình đã hoàn thành.
Trao đổi với Dân trí, đại diện chủ thầu VEC cho biết đơn vị đã xin điều chỉnh thời gian thực hiện toàn tuyến cao tốc đến ngày 30/9/2025, chậm gần 2 năm so với kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Tổng mức đầu tư dự án cũng giảm 1.000 tỷ đồng (còn 30.320 tỷ đồng) so với ban đầu. Đồng thời, điều chỉnh cơ chế tài chính trong nước và phương thức cho vay lại đối với nguồn vốn ADB, JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), vốn đối ứng.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành bắt đầu từ nút giao với cao tốc TPHCM - Trung Lương ở xã Mỹ Yên (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đi qua 3 huyện của TPHCM là Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và kết thúc tại nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại xã Phước Thái (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Long An dài 4,89km, đoạn qua TPHCM dài 24,92km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 27,28km.
Đây là dự án đường bộ trọng điểm phía Nam, giúp cho giao thông liên vùng phía Tây và Đông Nam bộ không cần "quá cảnh" TPHCM sẽ giảm kẹt xe trên quốc lộ 51, nối trực tiếp với mạng đường cao tốc - quốc lộ, với hệ thống cảng biển Hiệp Phước, Thị Vải - Cái Mép và sân bay quốc tế Long Thành.
Đến nay, trong 11 gói thầu xây lắp của dự án hiện có 4 gói thầu đã cơ bản hoàn thành (A2-1, A3, J2, J5) và gói thầu A7 đang thi công.