DMagazine

Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường

(Dân trí) - Tuyến đường vành đai 2 của TPHCM, đoạn Phạm Văn Đồng - Gò Dưa động thổ từ năm 2015, dài 2,75km, nhưng nay đang tạm "án binh bất động" vì thiếu mặt bằng, thiếu tiền...

 Ì ạch khép kín đường Vành đai 2

Đường Vành đai 2 của TPHCM dài hơn 64km (với quy mô từ 6-10 làn xe), hiện đã đưa vào khai thác 50km. Đối với 4 đoạn còn lại dài 14km thì đoạn 3 (đoạn nối Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa, Quốc lộ 1A) đang trong quá trình triển khai thi công.

TPHCM: Sau 5 năm động thổ vẫn không xây xong gần 3km đường
Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 1

Đoạn 1 (cầu Phú Hữu - Xa lộ Hà Nội) và đoạn 2 (Xa lộ Hà Nội - Phạm Văn Đồng) đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư, đoạn 4 (Quốc lộ 1A - Nguyễn Văn Linh) đang xin vốn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 2

Tháng 12/2015, UBND TPHCM tổ chức lễ động thổ đoạn 3 dài 2,75km nối đường Phạm Văn Đồng với nút giao thông Gò Dưa. Dự án được thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). 

Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 3

Trong giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư 1.135 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng được tách thành dự án riêng do quận Thủ Đức tổ chức thực hiện, với hơn 1.400 tỷ đồng.

Đoạn tuyến này hết sức quan trọng, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông thành phố, qua đó, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, tạo điều kiện thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng vào Thủ Đức.

Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 4

Dù được động thổ từ cuối năm 2015, đến năm 2017 thì chính thức khởi công, nhưng đến nay tuyến đường hơn 2,7km vẫn chưa hoàn thành. Hiện, nhà đầu tư đã tạm dừng dự án với lý do gặp nhiều khó khăn chưa được giải quyết.

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, đoạn Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa khối lượng thi công đạt gần 44%; công tác chi trả bồi thường hỗ trợ tái định cư đạt gần 79%; diện tích mặt bằng bàn giao thi công đạt gần 75%.

Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 5
Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 6
Đoạn gần ngã tư Gò Dưa
Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 7

Một số trang thiết hoen gỉ, "xơ xác" phục vụ thi công còn bỏ lại ở công trường.

Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 8
Người dân nói công trình tạm ngưng mấy năm, ở đây mỗi lần mưa là ngập vì hệ thống cống chưa hoàn thiện
Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 9

Nước đọng ở nhà dân đen ngòm như nước cống.

Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 10

Dãy nhà công nhân vắng người, theo người dân thì chỉ có một người được thuê vào trông coi

Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 11

Các hạng mục dở dang đang hỏng dần theo thời gian.

Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 12

Công trình như bãi hoang

Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 13

Một số chi tiết bê tông làm xong để phơi mưa nắng theo thời gian,.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng đang thực hiện một số đầu việc liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước như: điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh dự án, thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính TP chưa hoàn thành công tác rà soát, báo cáo, dự thảo văn bản để UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận các khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng.

Cũng theo Sở GTVT TP, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng do UBND quận Thủ Đức thực hiện chậm, ảnh hưởng tiến độ hoàn thành dự án. Công tác xác định thời gian hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và lập hồ sơ điều chỉnh dự án của nhà đầu tư còn chậm.

Chi gần 1.400 tỷ đồng nhưng chưa được giải ngân

Còn đại diện Công ty CP Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư dự án) cho biết, cũng đã có công văn báo cáo Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện các kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2019 tại dự án.

Trong đó, công ty đã hoàn tất hồ sơ điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, trình UBND TPHCM.

Nhà đầu tư cho biết, Kiểm toán Nhà nước chỉ yêu cầu điều chỉnh các hạng mục và nội dung phù hợp với sự thay đổi hiện hành ở thời điểm kiểm toán. Vì vậy, sau khi có kết luận kiểm toán, dự án vẫn diễn ra bình thường.

Trong quá trình thực hiện dự án đến nay, nhà đầu tư đã tạm ứng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và chi phí thi công tuyến đường lên đến gần 1.400 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, 2 năm qua do còn một số vướng mắc về chính sách nên UBND TPHCM chưa giải ngân được cho nhà đầu tư khoản thanh toán nói trên theo thỏa thuận hợp đồng BT, khiến doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn.

Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 14

Vì vậy, việc dự án tạm dừng, giãn tiến độ thi công để chờ cơ quan chức năng TPHCM tháo gỡ vướng mắc, giải ngân những chi phí mà doanh nghiệp đã chi trả. 

"Chúng tôi đã rất tuân thủ theo toàn bộ quy định hợp đồng, tự ứng chi phí của doanh nghiệp để chi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai thi công dự án BT lên đến gần 1.400 tỷ đồng, nhưng do nhiều vướng mắc nên UBND TPHCM đang bị chậm trong việc giải ngân cho doanh nghiệp", đại diện nhà đầu tư nhấn mạnh.

Tháng 6/2019, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TPHCM khóa IX có buổi giám sát về tiến độ triển khai đầu tư dự án vành đai 2.

Lúc đó, ông Trần Đức Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái cũng báo cáo nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong công tác thi công vì thiếu mặt bằng, nhận đất tới đâu thì thi công tới đó. 

Công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm hơn dự tính. Theo kế hoạch, năm 2018 nhà đầu tư nhận được mặt bằng sạch nhưng đến giữa năm 2019 vẫn vướng.

Vành đai 2 TPHCM: Sau 5 năm động thổ không xây xong 3km đường - 15

Ông Trần Đức Thắng cho biết, nếu kịp nhận mặt bằng vào cuối năm 2019, công tác di dời hạ tầng thuận lợi thì mất thêm 1 năm để hoàn thành đoạn tuyến 2,75km này, tức cuối năm 2020.

Nói thêm về khó khăn trong công tác thi công tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Nguyễn Văn Tám cho biết, do mặt bằng giao không liền mạch nên nhà đầu tư phải tốn thời gian di dời hạ tầng, trông coi đất chứ chưa đủ điều kiện thi công. Do đó, tiến độ dự án cũng bị điều chỉnh.