(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, địa phương không chấp nhận các vấn đề tiêu cực, tránh né hay thiếu trách nhiệm trong công vụ. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nhìn đa chiều cả khách quan và chủ quan.
Vấn đề e ngại, sợ trách nhiệm tại TPHCM và góc nhìn của vị Bí thư Thành ủy
(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, địa phương không chấp nhận các vấn đề tiêu cực, né tránh hay thiếu trách nhiệm trong công vụ. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nhìn đa chiều cả khách quan và chủ quan.
Thời gian qua, khi TPHCM suy giảm vị thế đầu tàu, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm ngày càng được đề cập tới nhiều hơn. Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra cuối tuần qua, việc này tiếp tục được lãnh đạo các bộ, ngành "mổ xẻ" và tìm kiếm giải pháp.
Tại buổi làm việc, các tư lệnh ngành đã chỉ rõ vấn đề của TPHCM hiện tại là sự đùn đẩy, e ngại, sợ trách nhiệm, chờ đợi, thiếu chủ động, sáng tạo, quyết liệt. Vấn đề quan trọng hàng đầu của thành phố hiện nay là phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, lãnh đạo, khắc phục tư tưởng sợ, không dám làm.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp chuyên đề lần thứ 9, HĐND TPHCM khóa X diễn ra sáng 18/4, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã đưa ra góc nhìn liên quan tới tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
"Chúng ta cần thừa nhận còn nhiều vấn đề vướng nhau trong thủ tục, chưa đồng bộ về mặt pháp luật", ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.
Làm rõ ai vướng mắc, khó khăn, ai e ngại, sợ sệt
Tại buổi làm việc với TPHCM, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói, tư tưởng thụ động của một bộ phận cán bộ hiện nay thể hiện ở "3 không": Không nói, Không tham mưu đề xuất và Không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng.
Ông cho rằng muốn khắc phục được vấn đề này, ngoài quán triệt chủ trương còn phải có cơ chế, quy định và tạo môi trường an toàn cho cán bộ làm việc.
Còn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022, địa phương này có 584 văn bản hỏi ý kiến. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố.
"Đây là điều rất vô lý, thể hiện sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho thành phố hai văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nêu thực trạng.
Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin, sau phản ánh này, địa phương đang rà soát lại hết các văn bản nêu trên để thống kê, phân loại từng nhóm và làm rõ thẩm quyền. Từ kết quả này, lãnh đạo thành phố sẽ thấy rõ phía sau từng đề xuất, ai là người đang gặp vướng mắc, khó khăn, ai là người e ngại, sợ sệt, báo cáo vượt cấp.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng nêu quan điểm cần thừa nhận có những vấn đề còn vướng mắc về thủ tục, chưa đồng bộ về mặt pháp luật. Vấn đề này không chỉ tồn tại ở TPHCM hay trong lĩnh vực cụ thể nào.
"Nếu đặt mình vào vị trí người nhận hồ sơ cần giải quyết, thì mình có dám giải quyết khi không có ý kiến từ cơ quan khác không? Nhiều lĩnh vực phải đợi ý kiến. Cái quan trọng nữa là khi người ta xin ý kiến, mình có cho họ đúng ý kiến cần không?", Bí thư Nên đặt câu hỏi.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đưa ra vấn đề khó hiện nay là mặc dù hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, nhưng vẫn còn đó sự không đồng bộ, bất cập ở nơi này, nơi khác. Do đó, những vấn đề lo ngại của cán bộ không phải lúc nào cũng là vô lý.
Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đã đề cập đến tình trạng đó. Bí thư Thành ủy TPHCM, phân tích, khi xuất hiện tình huống mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định không còn phù hợp nhu cầu của cuộc sống thì phải nghĩ đến cách để có lợi ích nhất cho quốc gia, dân tộc.
"Trong bối cảnh này, các cấp thẩm quyền phải quyết định, cấp dưới không thể tự quyết. Có những điều yêu cầu cuộc sống đặt ra nhưng luật chưa quy định thì phải đề xuất, không thể vì không có mà không làm", ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Nhìn sâu hơn đà suy giảm của TPHCM
Phóng viên Dân trí đặt câu hỏi cho Bí thư Thành ủy TPHCM về việc, thời gian qua, dư luận đã nói nhiều về sự suy giảm tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của địa phương. Sự suy giảm đó ảnh hướng bao nhiều phần tới tốc độ chậm lại của đầu tàu kinh tế TPHCM và giải pháp sắp tới là gì?
Ông Nguyễn Văn Nên dẫn lại câu nói của một vị nguyên lãnh đạo Chính phủ: "Khi chu kỳ kinh tế đã tới đỉnh và đi xuống thì có tài ba cỡ nào cũng không thể làm nó đi lên, đó là quy luật. Và khi chu kỳ kinh tế đi lên thì không thể cản lại".
Vừa qua, các chuyên gia kinh tế đã có nhiều ý kiến cho rằng đầu tàu đang bị mất đà, suy giảm, mất tốc lực. TPHCM đang tổng kết và đánh giá vấn đề này dựa trên các nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan và không đổ lỗi.
Phân tích sâu thêm về sự suy giảm của TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ thành phố đã đặt ra 3 điểm đột phá (Đổi mới quản lý; phát triển hạ tầng; phát triển nhân lực và văn hóa). Tuy nhiên, khi đối chiếu và nhìn lại, cả 3 điểm đột phá này lại đang là điểm nghẽn.
"Hạ tầng nghẽn ai cũng thấy, trước hết là giao thông. Thành phố này nghẽn hết các đường ra, lối vào. Để tháo gỡ vấn đề này không phải chỉ ngày một ngày hai mà cần các kế hoạch cả ngắn hạn và dài hạn", Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ.
Bí thư Nên cũng nhìn nhận, việc một bộ phận cán bộ e ngại, sợ trách nhiệm là điều thấy rõ trong hiện tại. TPHCM đã nhận biết được vấn đề này thông qua việc bàn bạc, lựa chọn chủ đề các năm gần đây.
Cụ thể, năm 2021, TPHCM chọn chủ đề "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư"; năm 2022, việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được đưa vào chủ đề năm; năm 2023, TPHCM lấy chủ đề "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội" làm mục tiêu trọng tâm.
Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, địa phương không chấp nhận các vấn đề tiêu cực, tránh né hay thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tuy nhiên, các vấn đề dư luận đặt ra vừa rồi cần được nhìn đa chiều, trong bối cảnh cán bộ địa phương đang gặp tình trạng quá tải vì khối lượng công việc và các nguyên nhân khách quan khác.
Kết luận 14 và tinh thần dám nghĩ, dám làm
Bí thư Thành ủy TPHCM lấy ví dụ trong thời điểm địa phương căng mình chống dịch Covid-19, địa phương nhận thấy, hệ thống y tế cơ sở là nơi cần đầu tư, tăng cường hơn. Bởi, các bệnh viện tuyến trên chỉ cấp cứu cho 1 bệnh nhân nặng mà cần tới 2-3 bác sĩ và máy thở ECMO, trong khi đó, nếu tập trung cho tuyến cơ sở, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân từ ban đầu, thành phố sẽ cứu sống được rất nhiều người.
"Lúc đó thành phố không có lực lượng ở tuyến dưới, việc tăng cường bác sĩ từ tuyến trên về thì chưa có trong quy định. Lúc đó, thành phố buộc phải làm vì cuộc sống, vì sức khỏe người dân", ông Nguyễn Văn Nên nhận định.
Người đứng đầu Thành ủy TPHCM chia sẻ: "Quay lại câu chuyện về tinh thần dám nghĩ, dám làm, chúng ta cần văn bản pháp luật để bảo vệ cán bộ khi có rủi ro. Hiện tại, thành phố chỉ khuyến khích, động viên đội ngũ làm những gì có thể. Có những việc, người ta đi thanh tra, kiểm tra, điều tra thì họ đối chiếu quy định pháp luật chứ không đối chiếu vấn đề khác".
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng cho hay, để tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, TPHCM đang xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù. Nghị quyết này được căn cứ trên Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, những nghị quyết này giao cho TPHCM sứ mệnh rất lớn. Nhưng điều kiện và phương tiện để thực hiện là Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
"Kết luận 14 đã chỉ rõ sự thật, nhu cầu bức bách của cuộc sống. Kết luận này cũng thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị", Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ.
Hiện tại, sau khi có kết luận 14 của Bộ Chính trị, TPHCM và các địa phương khác cần chờ Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cụ thể hóa bằng những văn bản pháp luật để có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Nội dung: Q.Huy
Ảnh: Q.Huy, Hải Long