DNews

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Địch không biết "voi thép" đang lao về

Thúy Diễm

(Dân trí) - "Khi xuất phát, mọi yếu tố bí mật giữ đến phút chót, địch không biết "voi thép" đang lao về...", Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nhớ lại khoảnh khắc trận đánh Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Địch không biết "voi thép" đang lao về

Bí mật vượt 300km

Đã 50 năm trôi qua nhưng Trung tướng, Tiến sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Sinh Hưởng (76 tuổi), nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi nhớ lại những khoảnh khắc hào hùng về trận đánh Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên.

Đây là trận chiến "bàn đạp" cho quân, dân ta tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Địch không biết voi thép đang lao về - 1

Xe tăng tiến công đánh chiếm ngã 6 Buôn Ma Thuột vào ngày 10/3/1975 (Ảnh tư liệu: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk).

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng cho biết, trong cuộc đời quân ngũ, trận đánh để lại trong ông suy ngẫm về nghệ thuật sử dụng tăng thiết giáp trong thực hành chiến đấu nhiều nhất là trận tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột, khi ông làm chỉ huy đội hình xe tăng.

Ngày 17/1/1975, Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 273 được lệnh hành quân di chuyển đội hình xe tăng xuống phía nam Tây Nguyên. Đại đội 9 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273) do ông làm Đại đội trưởng, bí mật vượt 300km an toàn, tập kết tại Buôn Ja Wầm, cách trung tâm Buôn Ma Thuột khoảng 40km, sẵn sàng lệnh tiến công giải phóng mục tiêu then chốt, quyết định là Buôn Ma Thuột.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Địch không biết voi thép đang lao về - 2

Trung tướng, Tiến sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Sinh Hưởng - người chỉ huy đội hình xe tăng trong trận chiến Buôn Ma Thuột năm 1975 (Ảnh: Trương Nguyễn).

"Công tác chuẩn bị hết sức công phu, cả về kỹ thuật và chiến thuật. Đại đội 9 được trang bị toàn bộ xe tăng T-54B thế hệ mới. Chúng tôi tổ chức cho từng kíp xe tăng luyện tập kỹ và quyết tâm bảo đảm tác chiến nhanh, chính xác", Trung tướng Hưởng nhớ lại.

Thời điểm đó, sĩ quan trẻ Đoàn Sinh Hưởng có sáng kiến, mỗi xe tăng cố định thêm 10 viên đạn pháo (trong đó, 8 viên buộc phía trên, vòng quanh phía trong tháp pháo, một viên đạn xuyên cố định dưới sàn, trong nòng pháo sẵn sàng một viên đạn nổ) và mỗi xe thiết giáp chở thêm 10 viên. Nâng cơ số đạn chiến đấu của xe tăng từ 34 lên 54 viên.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Địch không biết voi thép đang lao về - 3

Pháo của quân ta tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột (Ảnh tư liệu: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk).

Bên cạnh đó, ông còn đề nghị cấp trên tăng cường cho mỗi xe tăng một thùng (20 quả lựu đạn), riêng xe của ông được ưu tiên 2 thùng, số lựu đạn được ông chỉ huy sử dụng hết trong buổi sáng 10/3/1975, để tiêu diệt khi phát hiện địch bám theo đội hình xe tăng.

Khi cuộc tiến công vào mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột bắt đầu, khi lực lượng pháo binh, đặc công ta tiến công vào sân bay thị xã, khu kho Mai Hắc Đế và sân bay Hòa Bình (Buôn Ma Thuột), Đại đội 9 do sĩ quan Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy gồm 10 xe tăng T-54B và 10 xe tăng K-63.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Địch không biết voi thép đang lao về - 4

Lực lượng xe tăng của quân ta tiến đánh trong trận chiến tại Buôn Ma Thuột (Ảnh tư liệu: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk).

"Khi xuất phát, mọi yếu tố bí mật vẫn giữ đến phút chót, địch không hề biết "voi thép" đang lao về. Lúc 5h30 ngày 10/3/1975, trong khi pháo binh điều chỉnh tọa độ bắn chuyển làn, từ các hướng, xe tăng thiết giáp và các binh chủng cơ giới của ta mở hết tốc lực, theo đường trinh sát đã đánh dấu, húc đổ cây lao ra khỏi rừng, tiến thẳng về phía thị xã Buôn Ma Thuột", vị Trung tướng kể lại.

Trận chiến khốc liệt, bị dồn vào chân tường, địch chống cự quyết liệt, khiến bộ đội ta thương vong khá nhiều.

Sáng sớm 11/3/1975, khi các chiến sĩ lên xe tăng sẵn sàng xuất kích, đã phát hiện xe quân sự địch từ vườn cà phê tiến ra nên lập tức nổ súng chiến đấu, bắt được kẻ trực tiếp chỉ huy địch phản kích.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Địch không biết voi thép đang lao về - 5

Bản đồ trận đánh Buôn Ma Thuột năm 1975 (Ảnh tư liệu: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk).

"Xe tăng tiếp tục lao lên đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 - sào huyệt cuối cùng của địch ở Buôn Ma Thuột. Đến 10h30 ngày 11/3/1975, cả xe tăng và lực lượng bộ binh đánh đến chân cột cờ (Buôn Ma Thuột).

Xe tăng Đại đội 9 chúng tôi rải ra chốt giữ những vị trí khống chế địch, hỗ trợ các chiến sĩ Tiểu đoàn 4 nhanh chóng hạ cờ chính quyền Sài Gòn, kéo cờ giải phóng lên trong niềm vui hân hoan chiến thắng", Trung tướng Hưởng xúc động nhớ lại.

"Thi thể các anh đã hòa vào đất"

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, ngày 18/3/1975, Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột được thành lập do Đại tá Y Blốk Êban làm Chủ tịch.

Sau khi tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, các lãnh đạo đã chỉ đạo các huyện sử dụng lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, truy quét tàn quân địch.

Đến ngày 24/3/1975, tỉnh Đắk Lắk hoàn toàn được giải phóng.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Địch không biết voi thép đang lao về - 6

Thành phố Buôn Ma Thuột trung tâm tỉnh Đắk Lắk ngày nay (Ảnh: Trương Nguyễn).

Trận đánh then chốt Buôn Ma Thuột giành thắng lợi đã tạo ra cục diện chiến trường có lợi cho ta, bất lợi cho địch, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Tây Nguyên.

Theo Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, dù ông đang sinh sống ở Nghệ An và Hà Nội nhưng năm nào ông cũng thu xếp vào Tây Nguyên thăm lại chiến trường xưa, thăm lại những con đường mà ông cùng đồng đội đã lăn xả, chiến đấu hết mình.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Địch không biết voi thép đang lao về - 7

Trung tướng 76 tuổi nghẹn ngào khi nhắc về những đồng đội đã hy sinh trong chiến dịch Tây Nguyên (Ảnh: Cắt từ clip).

"Chiến tranh đã lùi xa, đồng đội thế hệ của tôi người còn, người mất. Trên chính mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ này, biết bao đồng đội tôi đã không may nằm lại, linh hồn và thân thể các anh đã hòa vào đất để đem lại hòa bình cho đất nước hôm nay", Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ.

Điều ông Hưởng đau đáu suốt 50 năm qua là rải rác trên những cánh rừng bát ngát, vẫn còn hài cốt của những đồng đội, những người hy sinh cho Tổ quốc vẫn nằm đấy.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Địch không biết voi thép đang lao về - 8

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng rơi nước mắt khi nhớ về đồng đội đã ngã xuống (Ảnh: Trương Nguyễn).

"Tôi mong tất cả đồng đội của tôi đều được quy tập đầy đủ. Nhớ về Tây Nguyên tôi luôn tự hào và nhớ đến những đồng đội thân yêu, những người đã đi và không trở về", Trung tướng Hưởng trào dâng nước mắt khi nhớ lại.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 là một trong những chiến công mở màn cho thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng, mở ra thời cơ chiến lược giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975.