DMagazine

"TPHCM đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh"

(Dân trí) - Thách thức đối với sự phát triển TPHCM trong 10 năm tới là phải vượt qua những rào cản về tâm lý và thể chế để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế.

TPHCM đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh - 1

Từ năm 1982, Bộ Chính trị đã xác định được vai trò trung tâm kinh tế của thành phố và trong quá trình mở cửa, hội nhập (năm 2002 với Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị) đã "nâng tầm" thành trung tâm kinh tế, đô thị hiện đại so với các đô thị lớn trong khu vực ASEAN.

Thế nhưng đến nay, TPHCM đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải có động lực mới để tiếp tục phát huy truyền thống năng động sáng tạo vốn có của mình, hướng đến mục tiêu 2030 và 2045 theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Hiện nay, mặc dù TPHCM vẫn đóng góp hơn 1/5 GDP và gần 30% ngân sách của cả nước, nhưng tỷ trọng trong một số ngành và lĩnh vực như: tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu; giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ tín dụng - ngân hàng, thu hút đầu tư… so với cả nước đều giảm dần; chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa được cải thiện đáng kể; chỉ số cạnh tranh địa phương giảm sút…

Thật vậy, trong giai đoạn 20 năm từ 1991-2010, tốc độ tăng GDP trên địa bàn TPHCM bình quân 10,5%/năm và cao hơn mức bình quân tăng trưởng GDP của cả nước khoảng 1,5 lần. Nhưng trong 10 năm trở lại đây (từ 2011-2020) những con số trên chỉ còn lần lượt là 7,2%/năm và 1,2 lần.

Năm 2020, lần đầu tiên tính từ ngày thống nhất đất nước (1975), tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố chỉ bằng khoảng 45% so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (1,4% so với 2,91%).

Dĩ nhiên là do nguyên nhân khách quan từ đại dịch Covid-19, nhưng qua tình hình này cũng cho thấy: khả năng chống chịu trước những biến động bất thường của kinh tế trên địa bàn thành phố rất yếu và qua đó cũng bộc lộ những bất cập và khả năng thích ứng của cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

TPHCM đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh - 3

Sau 5 năm động thổ vẫn chưa xây xong gần 3km đường Vành đai 2 (ảnh: Nguyễn Quang).

Điều này được thể hiện cụ thể, thứ nhất, cơ cấu kinh tế không khai thác được thế mạnh về địa - kinh tế; nguồn nhân lực; tiềm năng khoa học - công nghệ…và nhất là truyền thống năng động, sáng tạo của người dân thành phố.

Thứ hai, định hướng về quy hoạch không gian đô thị theo hướng "đa trung tâm" với hệ thống giao thông kết nối theo đường "vành đai 1, 2, 3, 4" gắn  TPHCM với cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Vùng KTTĐPN). Nhưng cho đến nay, việc xây dựng và chỉnh trang đô thị vẫn theo kiểu "hướng tâm" và phát triển theo "vết dầu loang" và thậm chí chưa hình thành trọn vẹn được một đường "vành đai" nào.

Thực trạng này đang là trở lực trong việc khai các thế mạnh về cảng biển-logistics trên địa bàn và là nguyên nhân quan trọng làm cho chương trình "giảm ùn tắc giao thông" và "chống ngập" thực hiện nhiều năm, nhưng hiệu quả thấp.

Thứ ba, sự bất cập trong mô hình quản lý một đô thị "loại đặc biệt" như TPHCM đã được nêu ra từ nửa đầu thập niên 2000, với sự hình tượng rất dễ hiểu là "Thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh".

Từ đó việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị đặt ra và việc xây dựng Đề án được tiến hành, nhưng cho đến nay vẫn chỉ được triển khai một phần nhỏ trong Đề án này và mới chỉ tập trung vào nội dung không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Như vậy, thách thức đối với sự  phát triển thành phố trong 10 năm tới là phải vượt qua những rào cản về tâm lý và thể chế để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế. Phải làm thế nào để TPHCM trở thành một điểm đến thu hút các doanh nghiệp toàn cầu, các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Đây vừa là cơ hội cũng chính là thách thức đối với thành phố.

TPHCM đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh - 4

Giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp đưa nước ta thành nước công nghiệp và phải là giai đoạn thể hiện cao nhất khát vọng vươn lên của cả dân tộc; sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

Do đó, đối với TPHCM, cần nhất quán quan điểm: phải tiếp tục xác lập vai trò "hạt nhân" của Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam (Vùng KTTĐPN) và Vùng đô thị TPHCM theo quy hoạch của Thủ tướng (năm 2013). Trong thể chế hành chính của nước ta không có chính quyền cấp vùng, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể quy định những nội dung cụ thể cần phải thực hiện theo quy mô vùng.

Với vai trò hạt nhân của Vùng KTTĐPN và Vùng đô thị TPHCM, nên cần định hình cơ cấu kinh tế TPHCM trên trên phạm vi Vùng và xây dựng thể chế kinh tế Vùng (Điều này phù hợp với Hiến pháp 2013).

TPHCM đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh - 6

Kinh tế TPHCM trong 10 năm tới là Kinh tế số và sẽ là Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo mang tính toàn cầu. Thành phố không xin Trung ương tiền, nhưng xin cho được là "sand box" trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước hết đối với thị trường tài chính, thành phố cần đặt "chương trình số hóa nền kinh tế" là trọng tâm của nội dung chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững trong giai đoạn 2021-2025.

Xác lập vị trí, vai trò của TPHCM trong 10 năm tới với các mục tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố phải được duy trì với mức tăng trưởng cao hơn khoảng 1,2-1,5 lần mức bình quân của cả nước như đã từng có được trước đây.

Hoạt động kinh tế trên địa bàn TPHCM phải là nơi mang "tính thị trường" nhất so với cả nước. Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN phải được hình thành rõ nét nhất ở đây.

Thành phố phải là địa phương thực hiện thành công nhất mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh thể chế thuộc nhóm ASEAN-4 như mục tiêu Chính phủ đề ra (hiện nay đang đứng vị trí 14 chỉ số cạnh tranh địa phương- PCI).

Ba nhân tố cơ bản nâng cao năng lực cạnh tranh: thể chế; nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phải là những đặc điểm vượt trội của TPHCM.

Thành phố đã từng là nơi "lập nghiệp" của doanh nhân cả nước, thì trong thời đại mới phải là nơi "khởi nghiệp" của khu vực. Thành phố phải là nơi đi đâu trong việc thực hiện thành công Chương trình số hóa quốc gia, nhất là nội dung chính phủ số và doanh nghiệp số.

TPHCM đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh - 7

Quốc lộ 22 giữ thế độc đạo kết nối TPHCM - Tây Ninh (ảnh: Phạm Nguyễn).

Ngoài ra, TPHCM cần có sự đột phá về hạ tầng giao thông. Sự quá tải của giao thông nội đô và giao thông kết nối Vùng có nguyên nhân về nguồn vốn đầu tư công, nhưng nguyên nhân trực tiếp vẫn là sự bất cập của thể chế liên quan đến đất đai, xây dựng,đầu tư… Điều này dẫn đến tình trạng "có tiền mà không tiêu được" khá phổ biến ở nhiều công trình hiện nay.

Xây dựng  mô hình chính quyền đô thị đầy đủ theo tinh thần Hiến pháp 2013 là vấn đề cốt lõi để nâng cao năng lực quản trị đô thị, xử lý tận gốc những bất cập về quản lý đô thị hiện nay tại TPHCM.

Tuy nhiên, trước mắt cần nghiên cứu tăng mức điều tiết ngân sách cho TPHCM cao hơn mức 18% hiện nay nhằm tăng đầu tư cho hạ tầng đô thị, nhất là xử lý những điểm nghẽn về giao thông nội đô và kết nối Vùng KTTĐPN.

Từ kinh nghiệm thí điểm phân cấp, phân quyền đã và đang thực thi, tiến hành nghiên cứu cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho thành phố. Tạo một hành lang pháp lý thông thoáng khả dĩ phát huy được sự năng động, sáng tạo; nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của địa phương; bảo vệ trách nhiệm pháp lý cho những cán bộ, công chức dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Tốt nhất là một Nghị quyết của Quốc hội như Nghị quyết 54 vì có thể thí điểm nhiều nội dung đang vướng các đạo luật hiện hành.

Tóm lại, cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Trung ương và địa phương được xây dựng theo nguyên tắc: Việc gì chính quyền thành phố có thể làm tốt, thì phân cấp, phân quyền cho thành phố làm; các bộ, ngành chỉ kiểm tra, thanh tra công vụ, không làm thay. Một công việc chỉ có một cấp chính quyền thực hiện. Tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm là thuộc tính của chính quyền đô thị.