DNews

"Toàn người thất nghiệp đi cướp ngân hàng nên nghĩ rất đơn giản"

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trong năm 2023, gần 30% tội phạm là người thất nghiệp. Trong đó, 11 vụ cướp ngân hàng cơ bản do người thất nghiệp gây ra.

"Toàn người thất nghiệp đi cướp ngân hàng nên nghĩ rất đơn giản"

Ma túy là nguồn phát sinh các tội phạm khác

Sáng 17/1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả). 

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết trong năm qua, Công an TPHCM đã chủ động nhận diện 5 loại tội phạm, trong đó nổi lên tội phạm đường phố như cướp giật, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng...

Tội phạm tín dụng đen hoạt động với tính chất phức tạp hơn. Bên cạnh những chiêu thức truyền thống, các đối tượng còn thành lập công ty tài chính, công ty tư vấn pháp luật mua lại các khoản nợ xấu để thu hồi nợ, cưỡng đoạt tài sản thông qua thủ đoạn đe dọa, khủng bố đối với người vay.

Ngoài ra còn xuất hiện những băng nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài, sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng, núp bóng cho vay tiêu dùng, vay cầm đồ với quy mô, tính chất, mức độ đặc biệt lớn.

Từ cuối năm 2022 đến nay, Công an TPHCM đã khởi tố 15 vụ án với 79 bị can về hành vi cưỡng đoạt tài sản núp bóng thu hồi nợ trái pháp luật tại hàng loạt công ty tài chính, công ty tư vấn pháp luật như Công ty cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng, chi nhánh Công ty cổ phần F88.

Đối với tội phạm về ma túy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết đây là nguồn phát sinh các tội phạm khác về trật tự xã hội.

Toàn người thất nghiệp đi cướp ngân hàng nên nghĩ rất đơn giản - 1

Quang cảnh hội nghị sáng 17/1 (Ảnh: Nguyễn Hải)

Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ, BCĐ 138/CP tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự ủng hộ của nhân dân, coi trọng giải quyết vấn đề từ cơ sở; chú trọng thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo, tín dụng đen...

TPHCM cũng kiến nghị quản lý chặt chẽ sim điện thoại, sim chính chủ để phòng ngừa vi phạm; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang, nhận diện các loại tội phạm để chủ động trấn áp...

Toàn người thất nghiệp đi cướp ngân hàng nên nghĩ rất đơn giản - 2

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Nguyễn Hải).

Sau tham luận của TPHCM, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, đánh giá trong năm qua, công tác phòng chống, đấu tranh tội phạm đường phố, tội phạm bảo kê tại TPHCM có chuyển biến tích cực; đề nghị TPHCM tiếp tục phát huy.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, trong năm 2023, có gần 30% tội phạm là người thất nghiệp. Trong đó 11 vụ cướp ngân hàng cơ bản do người thất nghiệp gây ra.

"Cướp ngân hàng của thế giới vào các năm trước rất chuyên nghiệp; nhưng ở đây là những người thất nghiệp nên nghĩ rất đơn giản", Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Ông Ngọc cũng đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, quản lý người nghiện ma túy bởi hơn 90% người nghiện không có việc làm. 

Tội phạm phát tán cả 100.000 tin nhắn rác mỗi ngày

Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết năm 2023 vẫn còn tình trạng sử dụng trái phép thông tin tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng phần mềm làm giả căn cước công dân để đăng ký SIM với số lượng lớn; bán SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao vẫn diễn ra.

Nguy hiểm hơn còn có tình trạng thu thập, đánh cắp, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt SIM để chiếm đoạt mã tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, các đối tượng còn gọi điện thoại, nhắn tin giả mạo các cơ quan chức năng đe dọa, lừa đảo, yêu cầu người dân nộp tiền để chiếm đoạt tài sản.

Tình trạng phát tán, chia sẻ thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân vẫn còn xảy ra.

Đặc biệt trong năm 2023 có nhiều vụ việc sử dụng thiết bị giả lập trạm thu phát sóng di động (BTS giả) phát tán tin nhắn lừa đảo, vi phạm pháp luật đã bị xử lý.

Toàn người thất nghiệp đi cướp ngân hàng nên nghĩ rất đơn giản - 3

Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Đây là hình thức mà các đối tượng phạm tội sử dụng thiết bị công nghệ để phát tán tin nhắn lừa đảo, giả mạo để chiếm đoạt tiền của người dân. Số lượng tin nhắn có thể lên tới 80.000-100.000 tin nhắn/ngày, chủ yếu là tin nhắn rác.

Do các thiết bị này rất nhỏ gọn, mang được trên ô tô nên có nguy cơ các đối tượng có thể sử dụng BTS giả để phát tán tin nhắn kích động bạo loạn, khủng bố tại nhiều địa điểm", ông Phương nói.

Ngoài ra, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên các nền tảng mạng xã hội, trang thương mại điện tử vẫn còn phổ biến.

Sau đó, các đối tượng còn lợi dụng mạng bưu chính để vận chuyển hàng hóa vi phạm gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Để ngăn chặn tình trạng trên, trong năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý và trong năm qua đã thu hồi 60 giấy phép của các đơn vị bưu chính sử dụng giấy phép không đúng mục đích. 

Trước vấn nạn sim rác, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương triển khai, hoàn thành việc quản lý, kiểm soát sim rác, tài khoản không chính chủ.

Ông Ngọc đánh giá, sim rác là phương tiện, công cụ của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Toàn người thất nghiệp đi cướp ngân hàng nên nghĩ rất đơn giản - 4

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Nguyễn Hải).

Vận chuyển ma túy qua đường hàng không gia tăng

Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết trong năm 2023, tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vẫn diễn ra phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công, đấu thầu, đấu giá, đất đai....

Theo Thiếu tướng Đức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng gia tăng; tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng với số tiền lớn, biến tướng dưới nhiều hình thức mới; mua bán thông tin, tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân; tấn công mạng, phát tán mã độc.

Hoạt động tín dụng đen, vay tiền nhanh, vay ngân hàng trên các nền tảng di động và qua mạng diễn ra phức tạp, một số vụ do đối tượng người nước ngoài cầm đầu...

Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ các nước châu Âu vào Việt Nam qua đường hàng không gia tăng.

Tại địa bàn ngoại biên, ma túy được tập kết tại các khu vực biên giới thuộc các tỉnh của Lào giáp với tỉnh Sơn La và Điện Biên tạo ra áp lực rất lớn đối với tình hình ma túy nước ta trong thời gian tới.

Đáng chú ý, xuất hiện một số loại ma túy mới núp bóng thuốc lá điện tử, các loại thực phẩm, nước uống gây hại nhiều mặt đến thanh thiếu niên.

Các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia vào trong nước với khối lượng lớn.

Tình trạng sử dụng trái phép ma túy, nhất là ma túy tổng hợp trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ lưu trú, nhà chung cư... diễn ra ở nhiều địa phương.

Toàn người thất nghiệp đi cướp ngân hàng nên nghĩ rất đơn giản - 5

Ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng thường trực, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Tại hội nghị, ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng thường trực, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389, thông tin trong năm qua nổi lên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép ma túy, vật liệu nổ, động vật hoang dã, ngoại tệ, thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… qua dịch vụ bưu chính viễn thông, chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa, hành lý.

Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng môi trường thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến để kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phòng chống ma túy...

Phó Thủ tướng đánh giá, năm 2024, tình hình tội phạm, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ tội phạm gia tăng, nhất là tội phạm công nghệ cao.

Ông Quang yêu cầu, trong năm 2024 các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh lại thể chế, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023.

Đặc biệt tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong đấu tranh, phòng chống tội phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa kết hợp với tuyên truyền để nâng cao hiểu biết, nhận thức cho người dân...

Các lực lượng chức năng cần đánh giá, rà soát lại cách làm, có cơ chế, giải pháp thu thập thông tin kịp thời, hiệu quả, chính xác hơn; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc tham gia điều tra tội phạm…