Tiểu thương đập bỏ cây kiểng chiều 30 Tết vì bị ép giá
(Dân trí) - Trưa 30 Tết, nhiều người bán hoa, cây kiểng ở các công viên tại TPHCM vẫn cố bám trụ để "xả hàng" dù giá rẻ như cho nhưng vẫn không ai mua, nhiều người thà đập bỏ cây còn hơn bị ép giá.
Trưa 21/1 (30 Tết), các tiểu thương kinh doanh buôn bán hoa tại công viên 23/9 phải trả lại mặt bằng. Lượng hoa, cây kiểng còn nhiều nên người dân phải bán tháo để về nhà đón Tết, giảm giá hết mức nhưng vẫn không có người mua.
Một tiểu thương cho biết giá của một chậu quất trước đó bán ra 2,5 triệu đồng, nhưng hôm nay đã giảm còn 700 nghìn vẫn không có người mua.
Cô Đặng (63 tuổi, ngụ Bến Tre) thẫn thờ khi vẫn còn hơn phân nửa số quất kiểng tồn động.
"Năm nay là năm đìu hiu nhất, năm ngoái dịch bệnh nhưng vẫn còn bán được, không hiểu vì sao năm nay lại ế đến vậy, các loại cây đã bán với giá gốc nhập về nhưng vẫn không ai đến mua", cô Đặng thở dài.
Theo ông Vũ Quốc Huy (48 tuổi, Bến Tre), giá mai cũng giảm mạnh khi trước đó có giá 4 triệu đồng/gốc nhưng hôm nay chỉ còn từ 1-2 triệu đồng vẫn ế ẩm.
"Năm nay bán rất chậm, người xem ít mà người mua còn ít hơn, tôi đã phải bán lỗ để trả mặt bằng nhưng tình hình vẫn không khả quan lắm", ông Huy nói.
Nhiều tiểu thương chán nản, vật vờ chờ khách tới mua dù đã là chiều 30 Tết.
"Tôi bán ở đây đã được 12 năm rồi, nhưng đây là năm mà hàng tồn động và lỗ nhiều tới vậy, dù giá đã giảm hơn phân nửa nhưng vẫn không ai mua", ông Đức (60 tuổi) cũng là thương lái đến từ Bến Tre cho hay.
Dù giá đã giảm xuống 3-4 lần vào ngày cuối năm nhưng nhiều khách vẫn kì kèo trả giá, nhiều thương lái bức xúc, thà đập chậu, vứt bỏ hoa, cây kiểng chứ không thể bán rẻ.
Một góc ở công viên 23/9, vài tiểu thương quyết định đập bỏ những chậu quất vì không ai mua, hoặc có người hỏi mua nhưng với giá rẻ như cho.
Cách đó không xa, tại công viên 23/9 (quận 1, TPHCM) không khó để thấy hình ảnh các gốc đào bị chặt bỏ khi bị khách ép giá. Phần ngọn bị đem vứt bỏ, một số góc to đẹp sẽ được giữ và vận chuyển về lại vườn để chăm sóc lại cho năm sau.
Anh Việt (33 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết một gốc đào Nhật Tân trước đó có giá 2 triệu đồng nhưng hôm nay chỉ còn từ 400-500.000 đồng.
"Mặc dù đã giảm giá 4-5 lần nhưng tình cảnh vẫn đìu hiu, có thể nói đây là mức giá rẻ như cho. Năm nay mọi tiểu thương đều lỗ vì phải bỏ rất nhiều tiền để vận chuyển, thuê lô bán".
Nhiều địa điểm treo biển xả hàng với giá chỉ vài chục ngàn đồng một cặp chậu hoa.
Không bán được dù đã chịu lỗ nặng, nhiều thương lái đành ngậm ngùi thuê xe chở tới địa điểm khác để bán hoặc chuyển về nhà vườn tiếp tục chăm sóc.
Nhìn số lượng hoa còn lại, nhiều thương lái chỉ biết thở dài, cố trụ lại tới hết chiều cuối cùng của năm với hy vọng còn khách đi mua muộn.
Chiều cuối cùng của năm Nhâm Dần, trên đường phố vẫn còn nhiều người hối hả đi mua hoa, cây kiểng để kịp về trang trí trong nhà ngày Tết.