(Dân trí) - Tầm vóc của sự kiện Điện Biên Phủ vượt ra khỏi một trận đánh thông thường, bởi nó kết tinh ý chí và trí tuệ Việt Nam, gắn liền với số phận của nhiều dân tộc trên thế giới.
Sau 3 đợt với 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, kiên cường, 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" Bác Hồ tặng Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát (Christian De Castries), chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.
Cùng lúc này, các chiến sĩ Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 gồm Hoàng Đăng Vinh, Vương Đình Nhỏ, Trần Văn Nam, Nguyễn Văn Hiếu do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu xông vào hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Christian De Castries cùng toàn bộ Ban tham mưu tập đoàn cứ điểm.
Trong cuốn "Tại sao Điện Biên Phủ", Tiến sĩ sử học người Pháp Bernard Fall nhận xét: "Xét về tổng số binh lực thì tổn thất của quân Pháp ở Điện Biên Phủ dù lên tới con số trên 16.200 người, trong đó có 11.721 tù binh nhưng so với 445.000 quân Pháp và quân bản xứ trên toàn chiến trường Đông Dương khi đó chỉ chiếm 3,64%".
"Nếu chỉ so sánh với 190.000 lính Pháp và lính lê dương có mặt ở Đông Dương khi đó thì tổn thất của quân Pháp ở Điện Biên Phủ cũng chỉ bằng 8,4%. Tuy nhiên, quân Pháp ở Điện Biên Phủ là cái mũi của ngọn giáo của người Pháp ở Đông Dương. Và Việt Minh đã bẻ gãy cái mũi nhọn của ngọn giáo đó", ông viết.
Đây là một nhận xét rất logic vì ai cũng biết rằng một ngọn giáo bị mất đi mũi giáo thì công dụng của nó sẽ không hơn gì một chiếc gậy tày.
Sở dĩ nhà sử học Bernard Fall đưa ra nhận xét này vì hơn 16.000 quân Pháp hoặc bị ta tiêu diệt, hoặc bị ta bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ, gồm toàn những đơn vị thiện chiến hàng đầu của quân đội Pháp khi đó; được chỉ huy bởi 1 chuẩn tướng, 16 đại tá và trung tá, 353 thiếu tá và sĩ quan cấp úy đều thuộc loại dày dạn kinh nghiệm trận mạc từ Bắc Phi tới Tây Âu. Những đơn vị khét tiếng nhất của quân Pháp bị xóa sổ tại Điện Biên Phủ.
Ngày 6/3/1946, tại Hà Nội, Cao ủy Pháp ở Đông Dương Jean Sainteny, thay mặt chính phủ Pháp ký kết với Chủ tịch Hồ Chí Minh bản Hiệp định sơ bộ, theo đó, công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do. Chỉ 9 tháng sau, thực dân Pháp bội ước và tấn công xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
Trong hồi ký của mình, ông Jean Sainteny viết rằng: "Nhà yêu nước Hồ Chí Minh đã chìa bàn tay hòa bình của mình cho nhà yêu nước Pháp Charles De Gaulle. Nhưng rất đáng tiếc là De Gaulle không nắm lấy bàn tay ấy". Và cái giá của sự ngoảnh mặt ngoan cố của người Pháp là mạng sống của hơn 300.000 chiến binh và gần 400.000 thường dân.
Trả lời phóng viên David Schoenbrun của báo New York Times tại cuộc phỏng vấn ngày 11/9/1946 trong chuyến thăm Pháp tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đó sẽ là một cuộc chiến giữa voi và hổ. Nếu con hổ đứng yên thì sẽ bị con voi dẫm chết. Nhưng hổ không đứng yên. Ban ngày nó ẩn nấp trong rừng và ra ngoài vào ban đêm. Nó sẽ nhảy lên lưng voi, xé những mảnh da lớn, và rồi nó sẽ chạy trở lại vào rừng tối. Dần dần, con voi sẽ chảy máu đến chết. Cuộc chiến tranh ở Đông Dương sẽ như vậy".
Và cuộc kháng chiến 9 năm để bảo vệ nền độc lập, tự chủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ diễn ra đúng thế.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1 ngày, Hội nghị Genève (tại Thụy Sĩ) đang bàn về việc giải quyết hậu quả Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã chuyển sang bàn về một giải pháp hòa bình ở Đông Dương. Đây là điều mà trước đó nửa tháng, thực dân Pháp được sự bảo trợ của Mỹ nhiều lần từ chối trước các đề nghị của đoàn Liên Xô và đoàn Trung Quốc.
Cuối tháng 4/1954, Pháp và Mỹ đồng ý để đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia hội đàm nhưng lại yêu cầu đặt đoàn ta ngang hàng với đoàn đại biểu bù nhìn của Bảo Đại cũng như các đoàn của Vương quốc Lào và Vương Quốc Campuchia, đều là các chính quyền bù nhìn do Pháp dựng lên.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp và Mỹ phải nhượng bộ để đoàn đại biểu của ta có vị thế là một bên chính thức nhưng không chịu loại các đại biểu của Bảo Đại ra khỏi hội nghị Genève.
Sau khi các trung đoàn bộ binh 803, 108 và 96 thuộc Liên khu 5 của ta giải phóng phần lớn Tây Nguyên (chỉ trừ Buôn Ma Thuột và Đà Lạt), ta đưa ra đề nghị hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Pháp là hai đoàn đại biểu chính thức của cuộc đàm phán.
Trong đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thay mặt cho Mặt trận Pa-thét Lào và Mặt trận Issarak Campuchia, còn Pháp thay mặt cho Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia, không có đoàn của chính quyền bù nhìn Bảo Đại. Phía Mỹ bất ngờ đồng ý đề nghị của đoàn Việt Nam. Thực dân Pháp buộc phải nhượng bộ.
Thực ra việc phía Mỹ bất ngờ đồng ý với đề nghị của ta chính là để sau này (năm 1955), Mỹ có cái cớ pháp lý để dựng lên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ thay thế chính quyền Bảo Đại, hất cẳng thực dân Pháp khỏi Đông Dương và phủ nhận trách nhiệm thi hành Hiệp định Genève 1954.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định đình chiến Genève được ký kết giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Tạ Quang Bửu và Chuẩn tướng Henri Delteil, Phó tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương, với các điểm chính như sau:
Thứ nhất, các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ 3 nước này.
Thứ hai, các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương
Thứ ba, các bên tham chiến thực hiện cam kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực, trao trả tù binh
Thứ tư, người dân mỗi bên có quyền di cư sang lãnh thổ do bên kia kiểm soát trong thời gian quân đội hai bên đang tập kết.
Thứ năm, cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào Đông Dương. Nước ngoài không được đặt căn cứ quân sự tại Đông Dương
Thứ sáu, thành lập "Ủy ban quốc tế Kiểm soát đình chiến ở Đông Dương" gồm Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Nhân dân Ba Lan và Canada do Ấn Độ chủ trì.
Thứ bảy, Vĩ tuyến 17, trong đó có sông Bến Hải là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự tạm thời. Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kết về phía Bắc; Quân đội Liên hiệp Pháp (bao gồm cả quân ngụy tay sai Pháp) tập kết về phía Nam, tập kết chính trị tại chỗ, tập kết dân sự theo nguyên tắc tự nguyện.
Khoản a, điều 14 ghi rõ: "Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy."
Thứ tám, Hiệp định thừa nhận chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cả hai miền Bắc và Nam vĩ tuyến 17.
Điều này được tái khẳng định tại khoản 6 của Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève ngày 21/7/1954 xác nhận tính pháp lý của Hiệp định Genève 1954: "Đối với Việt Nam… giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ".
Đây là lần đầu tiên, Đảng, Chính phủ, Nhân dân và Quân đội Nhân dân Việt Nam đạt được một hiệp định được quốc tế xác định giá trị pháp lý, thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, miền Bắc có một thời gian hòa bình 10 năm để khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cả nước; miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng để thống nhất đất nước. Vị thế của nước ta trên trường quốc tế được xác định và nâng cao, được anh em, bạn bè và nhân loại yêu chuộng hòa bình khâm phục, mến mộ và ủng hộ.
Mặc dù sau này, đế quốc Mỹ và tay sai ra sức phá hoại Hiệp định Genève và mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong 21 năm nhưng trên thực tế, lịch sử vẫn đứng về phía Nhân dân Việt Nam.
19 năm sau Hiệp định Genève 1954, bản Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ra đời, khẳng định chắc chắn hơn nữa độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc và tạo ra bước ngoặt căn bản để đánh bại hoàn toàn ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ: "Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới". Trung Quốc, Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân loại tiến bộ đều bày tỏ sự khâm phục và tôn vinh đối với chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
Báo Sao đỏ, cơ quan ngôn luận của Quân đội Liên Xô viết: "Thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ không phải là một sự ngẫu nhiên... Trên thực tế, Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của kế hoạch Navare phiêu lưu mà trước đây người ta quảng cáo ầm ĩ. Việc giải phóng Điện Biên Phủ chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam và ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình. Bài học Điện Biên Phủ nói lên rằng tất cả mọi âm mưu giải quyết vấn đề Đông Dương bằng cách tiếp tục cuộc chiến tranh thuộc địa đều bị thất bại...".
Báo Al Gum Gyrria của Đảng Cộng sản Ai Cập số ra ngày 8/5/1954 vạch rõ: "Điện Biên Phủ thất thủ là một sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và ở tất các nơi mà những kẻ chiếm đoạt mưu mô làm nhục hoặc phá hoại nền độc lập của họ... Bất kể những nguyên nhân của sự thất bại ở Điện Biên Phủ là như thế nào, bước tiến của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới sẽ tiếp tục và sẽ còn nhiều pháo đài của chủ nghĩa đế quốc phải sụp đổ".
Ở Châu Phi xa xôi với hầu hết các quốc gia là thuộc địa của Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ,… sau khi những người lính đánh thuê Algeria được Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam đối xử hết sức nhân đạo và trao trả họ về nước, nhân dân Algeria đã tìm thấy con đường tự giải phóng mình từ thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ.
Báo Liberation (Giải phóng) của Mặt trận Giải phóng dân tộc Algeria viết : "Thật hãnh diện biết bao cho nhân dân Algeria được làm những người bạn chiến đấu của các bạn... Chiến thắng Điện Biên Phủ là màn mở đầu cho chiến thắng của chúng tôi và ngay từ đó đã báo hiệu một giai đoạn lịch sử mới...".
Cũng sau thời gian hơn 8 năm trường kỳ kháng chiến (1954-1962), ngày 18/3/1962, Thực dân Pháp buộc phải ký kết một hiệp định với Mặt trận Giải phóng dân tộc Algeria (FNL), theo đó, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Algeria. Ngày 5/7/1962, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Algeria ra đời.
Trong hồi ký của mình, ông Ahmed Ben Bella, Tổng thống đầu tiên của nước Algeria mới viết: "Nhân dân nước chúng tôi đón thắng lợi Điện Biên Phủ với một niềm vui to lớn, chẳng khác nào như đối với thắng lợi của bản thân mình. Nhân dân Algeria được khuyến khích bởi thất bại quân sự của chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Điện Biên Phủ và được kinh nghiệm của cuộc đấu tranh vũ trang thắng lợi của các đồng chí soi sáng, đã mau chóng cầm vũ khí đấu tranh để chấm dứt chế độ thuộc địa mà chúng tôi phải chịu đựng 130 năm nay...".
Như một phản ứng dây chuyền, noi gương Việt Nam và Algeria, từ năm 1960 đến năm 1975, các thuộc địa khác của người Pháp ở châu Phi như Morocco, Tunisia, Guinea, Mali, Madagascar, Cameroon, Congo (Brazavillle)... lần lượt nổi dậy mạnh mẽ buộc thực dân Pháp phải trao trả nền độc lập cho các nước này. Các nước Châu Mỹ La-tinh coi tinh thần Điện Biên Phủ như là "ánh đèn pha chiếu rọi", là "kim chỉ nam hành động" của mình.
Nhân Chiến thắng trên bãi biển Giron ngày 19/4/1961 của quân và dân Cuba đánh bại cuộc xâm lược của Mỹ, báo "Granmar", Cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Cuba viết: "Thắng lợi của Việt Nam trở thành một niềm tin và hy vọng to lớn vào tương lai tươi sáng của chúng tôi, cổ vũ chúng tôi chiến đấu… Điện Biên Phủ và Giron là những nấm mồ chôn vùi chủ nghĩa đế quốc".
Nhà thơ Haiti René De Pestres viết: "Chiến thắng Điện Biên Phủ có một tầm quan trọng lịch sử quốc tế và mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh anh hùng của các dân tộc thuộc địa nhằm tự giải phóng khỏi ách chủ nghĩa đế quốc Anh, Pháp, Bỉ và Mỹ. Tinh thần Điện Biên Phủ ngày nay là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên toàn thế giới và sự trung thành với tinh thần quang vinh đó là điều bảo đảm duy nhất cho thắng lợi trong hành động cách mạng chống sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ chúng tôi. Ngày nay, sự thức tỉnh rực rỡ của các dân tộc ở châu Mỹ La tinh, với Cuba là đội tiên phong, đang đi theo đường bay sáng ngời của Điện Biên Phủ".
Sau này, dù là quá muộn màng nhưng tướng De Castries trong hồi ký của mình đã nhìn nhận ra một sự thật là: "Người ta có thể đánh bại một quân đội nhưng không thể nào đánh bại được một dân tộc".
Thật vậy! Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đòi tự do, độc lập từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ những năm '60 của thế kỷ XX đã nhổ bật tận gốc rễ ách thống trị của thực dân, đế quốc ở gần 40 nước, trong số đó có 32 nước là thuộc địa của Pháp.
Chỉ tính riêng trong năm 1960, được mệnh danh là "Năm Châu Phi", 19 nước thuộc địa của Pháp, Anh, Bỉ, Tây Ban Nha… đã vùng lên giành được độc lập. Dư luận thế giới gọi phong trào đấu tranh giành quyền tự chủ, tự quyết của nhân dân các nước ở châu Phi là "Lục địa nổi dậy", còn ở Mỹ La-tinh thì đó là "Lục địa bùng cháy".
Với nhân dân ba nước Đông Dương, chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả của tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Sự nghiệp cách mạng của ba nước có mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời. Chính vì vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của quân đội và nhân dân Việt Nam mà còn là thắng lợi chung của nhân dân các nước Đông Dương. Và chiến thắng ấy đã ghi một trang mới trong lịch sử của các dân tộc bị áp bức.
Thắng lợi Điện Biên Phủ cùng với các chiến thắng khác trên chiến trường Đông Dương đã dẫn đến thành công của Hội nghị Genève. Theo đó, thực dân Pháp buộc phải thừa nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ mở ra một kỷ nguyên mới cho ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương.
Trong lịch sử thế giới cận hiện đại, chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam được coi là sự kiện nổi bật, có tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình quân sự, chính trị thế giới nhiều thập kỷ qua.
Tầm vóc của sự kiện Điện Biên Phủ vượt ra khỏi một trận đánh thông thường, bởi nó kết tinh ý chí và trí tuệ Việt Nam, gắn liền với số phận của nhiều dân tộc trên thế giới... Đó là một thực tế không thể phủ nhận được.
Đến nay, có hàng trăm cuốn sách, hàng vạn bài viết, nhiều hội thảo, hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm chiến đấu; nhiều công trình khoa học ở Việt Nam và nước ngoài phân tích, lý giải ý nghĩa của chiến thắng, bàn luận về nguyên nhân sức mạnh mà quân và dân Việt Nam có được để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Việc tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ tiếp tục khẳng định sự đúng đắn và tất thắng của đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Đây cũng là dịp ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, góp phần giáo dục thế hệ trẻ; xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, nêu cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Trên thế giới, ngọn đuốc Điện Biên Phủ được hun đúc bằng cả 4.000 năm lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, được tạo nên bởi máu xương, mồ hôi, nước mắt của hàng chục triệu người Việt Nam, được giúp đỡ và cổ vũ của anh em, bạn bè và nhân loại tiến bộ khắp thế giới sẽ mãi mãi tỏa ánh sáng soi tỏ con đường tự giải phóng mình khỏi cường quyền và áp bức, để chôn vùi chủ nghĩa đế quốc, để hòa bình trên thế giới mau gần lại, để nhân loại sớm được sống trong bình yên và phát triển tiến bộ.