DNews

Thấy gì từ hai vụ cháy thảm khốc làm 70 người chết chỉ trong 9 tháng?

Hà Mỹ

(Dân trí) - Vụ cháy chung cư mini 56 người chết và cháy nhà trọ 14 người tử vong ở Hà Nội chỉ trong chưa đầy một năm cho thấy bất cập từ quy hoạch nhà ở, đô thị, mà không giải pháp tình thế nào có thể cứu vãn.

Thấy gì từ hai vụ cháy thảm khốc làm 70 người chết chỉ trong 9 tháng?

Những tiếng nổ lớn rạng sáng ngày 24/5 vẫn còn ám ảnh Hoàng Tuấn - người đã tham gia leo thang dây, đục tường để cứu nạn nhân trong vụ cháy nhà trọ ở phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Nửa đêm nghe tiếng nổ, Tuấn còn nghĩ đó là tiếng đập cửa. Tiếng nổ ngày càng lớn kèm theo tiếng hô hoán, nam thanh niên bật dậy mở cửa phòng và bàng hoàng trước sự cố chưa bao giờ có thể nghĩ đến. Trước mắt Tuấn là cảnh tượng lửa bốc lên ngùn ngụt từ nhà hàng xóm sát vách, hơi nóng phả vào mặt. 

Vụ cháy thảm khốc trong ngách nhỏ chật chội của Hà Nội, chỉ trong vài thời khắc ngắn ngủi, đã cướp đi sinh mạng của 14 con người, đa phần đều còn rất trẻ.

Vì sao cháy nhà thấp tầng nhưng vẫn chết nhiều người?

Chạy vội xuống con ngõ nhỏ, Tuấn thấy người dân đã quây kín hiện trường vụ cháy, ngọn lửa ngày càng hung dữ, những cột khói bốc lên đen kịt cùng những tiếng nổ lớn. Trong lúc tìm mọi cách dập lửa, mọi người nhìn thấy những cánh tay và tiếng la hét kêu cứu bên cửa sổ ngôi nhà 2 tầng đang cháy.

Từng là lính nghĩa vụ và được đào tạo sơ qua về phòng cháy chữa cháy, kinh nghiệm mách bảo Tuấn phải tìm được phương án đục tường, cứu những người bên trong ra ngoài.

Sau khi hỏi người dân xung quanh, nam thanh niên được đưa cho một cây búa tạ nặng khoảng 4-5kg. 

Thấy gì từ hai vụ cháy thảm khốc làm 70 người chết chỉ trong 9 tháng? - 1

Vị trí Tuấn cùng một thanh niên khác giữ thang, đu người, dùng búa đập thủng tường để đưa 3 người bên trong thoát nạn (Ảnh: Nguyễn Hải).

Hoàng Tuấn cùng một người khác (cũng tên Tuấn, 21 tuổi, quê Nam Định) thay phiên nhau leo thang, bám tường, dùng búa gõ mạnh vào vách tường sát mép cửa sổ - nơi thoát hiểm duy nhất nhưng đã bị gắn song sắt.

Sau vài phút, mảng tường lớn vỡ ra, lần lượt hai người lớn và một trẻ nhỏ bên trong chui ra ngoài thoát nạn. 

Ở dãy trọ bên trong, anh V.T. và vợ cũng loay hoay trong căn phòng nhỏ để tìm hướng thoát nạn, khi mở cửa ra thấy lửa đã bao trùm kín hành lang, khói từ tầng một bốc lên dữ dội. 

Nhớ lại những kỹ năng từng được học, anh T. dắt vợ quay trở lại phòng chui vào nhà vệ sinh, dùng khăn ướt liên tục bịt vào mũi lấy không khí để thở. Sau khoảng một tiếng "bám trụ" với đám cháy, hai vợ chồng được lực lượng cứu nạn tiếp cận và đưa ra ngoài. 

Anh T. và vợ là hai trong số 7 nạn nhân may mắn sống sót sau vụ cháy. 

Thấy gì từ hai vụ cháy thảm khốc làm 70 người chết chỉ trong 9 tháng? - 2
Thấy gì từ hai vụ cháy thảm khốc làm 70 người chết chỉ trong 9 tháng? - 3

Ảnh trái: Chung cư mini xảy ra vụ cháy khiến 56 người tử vong (tháng 9/2023). Ảnh phải: Khu nhà trọ cháy khiến 14 người tử vong rạng sáng 24/5 (Ảnh: Ngọc Tân). 

Đến hiện trường tham gia cứu nạn lúc 1h10 (30 phút kể từ khi đám cháy bùng phát), anh Phan Quốc Việt, Đội trưởng đội cứu hộ FAS Angel, cho biết khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn có một khoảng sân để 20-30 chiếc xe máy, xe đạp điện. 

Khi xảy ra cháy, những chiếc xe này bén lửa bùng lên dữ dội. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác dập lửa, khiến nhiều người tử vong. 

"Phải đi qua khu để xe mới vào được nhà trọ, khi ngọn lửa bén vào các xe đã bịt lối thoát nạn. Khi dập tắt được ngọn lửa, những chiếc xe này chỉ còn trơ khung sắt", Đội trưởng đội cứu hộ FAS Angel nói.

Ghi nhận từ hiện trường, khu đất bị các căn nhà xung quanh quây gần như 4 phía, chỉ có một ngõ nhỏ để ra vào. Khi phía bên trong xe máy, xe đạp điện bốc cháy dữ dội, đám cháy "án ngữ" đúng vị trí duy nhất có thể thoát hiểm. 

Chưa kể khi nhận tin báo cháy, xe cứu hỏa có thể tiếp cận từ nhiều hướng nhưng đều phải dừng lại tại đầu ngõ 119 Trung Kính. Lính cứu hỏa phải mang theo dụng cụ cá nhân chạy bộ vào hiện trường, do nhà bị cháy nằm trong ngõ nhỏ, ngoằn nghèo, càng đi vào sâu đường càng hẹp. 

Quá nhiều bất lợi từ vị trí, tính chất, thời điểm, kết hợp lại trở thành nguyên nhân khiến đám cháy gây thiệt hại nặng nề dù ở nhà thấp tầng. 

Nhưng sẽ không khó hiểu nếu nhìn từ hiện trường, có thể thấy ngôi nhà trọ gần như là một "cái bẫy" chết người khi xe điện và ắc-quy bày chật kín sân tầng 1, tầng tum và tầng thượng không có, cửa sổ ở dãy nhà cho thuê trọ lại hướng vào trong sân. 

Bất cập trong quy hoạch

Theo lãnh đạo phường Trung Hòa, ngôi nhà xảy ra cháy là nhà ở gia đình, cho thuê để ở và sửa chữa xe điện, cách mặt phố Trung Kính khoảng 200m. 

Ngôi nhà đã được trang bị bình chữa cháy được bố trí tại sân và hành lang các tầng nhà, nhưng ngọn lửa bùng lên quá dữ dội, tràn nhanh vào các phòng trọ, người dân không kịp phản ứng. 

Chỉ trong hơn 10 phút (từ 0h40 đến 0h52) kể từ khi nhận được tin báo cháy đến khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, đám cháy đã phát triển mạnh, thiêu rụi toàn bộ xe máy, xe đạp điện, xe đạp tại khu vực sân. Khói và khí độc bao trùm toàn bộ khu vực cháy. 

Lãnh đạo phường cho biết thời điểm tổng kiểm tra rà soát loại hình chung cư mini và nhà trọ, địa phương đã đưa cơ sở này vào diện cần theo dõi vì chưa đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, cho chủ nhà hai tháng để khắc phục các tồn tại. Nhưng thời gian khắc phục chưa kết thúc, vụ cháy thảm khốc đã xảy ra. 

Thấy gì từ hai vụ cháy thảm khốc làm 70 người chết chỉ trong 9 tháng? - 4

Lửa bùng phát ở ngay vị trí duy trí duy nhất có thể thoát nạn, là nguyên nhân chính khiến vụ cháy ở Trung Hòa gây thiệt hại nặng nề (Ảnh: Trần Thanh).

Trực tiếp đến hiện trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhìn nhận còn nhiều bất cập trong công tác PCCC bắt nguồn từ việc nhà cũ được cơi nới để cho thuê, phá vỡ quy hoạch.

Theo ông, thông thường trong các vụ cháy, tỷ lệ chết ngạt nhiều hơn chết cháy nhưng riêng vụ này, chết cháy nhiều hơn chết ngạt, vì lửa xộc thẳng vào từng phòng. 

Ông Phương cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các kiốt, hàng sửa xe hay những nơi vừa là nhà ở, vừa kinh doanh… Qua khảo sát từ đoàn kiểm tra của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng - An ninh, hầu như ở Hà Nội và các thành phố lớn đều có tình trạng tương tự.

"Dù vậy, việc giải tỏa rất khó do người dân đã sinh sống lâu đời. Về giải pháp, chỉ có phát triển các khu đô thị mới và từng bước đưa các khu đó thành đô thị cổ để tham quan, còn ở thì không an toàn", Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định. 

Cần tái thiết đô thị, mạnh dạn giải phóng nhà lụp xụp

Trao đổi với phóng viên Dân trí, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết cần nhìn vụ cháy trên ở góc độ rộng hơn, nhất là khi đặt cạnh vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết vừa xảy ra hồi tháng 9/2023 ở quận Thanh Xuân. 

"Hà Nội đã làm rất tốt trong việc xóa các khu ổ chuột, nhưng chất lượng đô thị chưa được nâng cấp xứng tầm. Từ hai vụ cháy nghiêm trọng vừa xảy ra, chúng ta thấy đến giờ thủ đô vẫn còn hàng loạt ngõ nhỏ, phố nhỏ đến nỗi xe chữa cháy không thể tiếp cận được; nhà ở phát triển thiếu quản lý, kiểm soát", ông Võ nhận định. 

Theo vị chuyên gia, bài toán về tái thiết đô thị ở những nơi đông dân cư đã được đề cập nhiều lần, đặc biệt có nêu tại Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về quản lý sử dụng đất. Nhưng đến nay, nội dung này dù được Luật hóa nhưng chưa đúng bản chất nên chưa thể triển khai hay hiện thực hóa. 

Nhìn nhận Hà Nội và nhiều địa phương đang gặp bất cập với những giải pháp manh mún, "cháy ở đâu lại rà soát ở đó", ông Võ khuyến cáo chính quyền cần những giải pháp căn cơ, tổng thể hơn.

Thấy gì từ hai vụ cháy thảm khốc làm 70 người chết chỉ trong 9 tháng? - 5

Hướng gần nhất để tiếp cận hiện trường vụ cháy tại Trung Kính (Ảnh: Ngọc Tân).

Trong đó, Hà Nội cần coi tái thiết đô thị, nâng cấp hạ tầng, nhà ở là bài toán cấp bách, tác động trực tiếp đến cả tính mạng người dân chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện giải ngân, tiêu ngân sách. 

"Khi cháy ở chung cư mini chúng ta rà soát chung cư mini, nhưng giờ không cháy ở đó nữa, chúng ta lại rà soát nhà trọ, nhà ống. Trong khi việc lớn hơn cần làm là mở rộng đường để phương tiện cứu hộ tiếp cận kịp thời, giải phóng những căn nhà nhỏ lụp xụp, tổ chức lại bộ mặt đô thị đảm bảo an toàn cho người dân, thì thành phố còn rất lúng túng", GS Đặng Hùng Võ nói. 

Trước ý kiến đề xuất cấm loại hình nhà ở cho thuê trọ kết hợp kinh doanh sau vụ cháy khiến 14 người tử vong, vị giáo sư thẳng thắn đây là tư duy sai lầm khi "quản không được thì cấm".

Ông khẳng định nhu cầu thuê nhà ở và nhu cầu kiếm tiền của người dân đều chính đáng, trong khi quỹ đất có hạn. Giải pháp mà nhà chức trách nên thực hiện là đưa ra cơ chế khuyến khích để người dân tự nâng cấp chỗ ở của mình, thay vì ban hành lệnh cấm. 

"Người giàu có thể ở những căn hộ hạng sang, nhà đất, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nhưng còn biết bao lao động nghèo, sinh viên có nhu cầu ở trọ giá rẻ. Nếu cấm hết thì người dân ở đâu?", ông Võ đặt câu hỏi. 

Thấy gì từ hai vụ cháy thảm khốc làm 70 người chết chỉ trong 9 tháng? - 6

Chuyên gia nhấn mạnh tái thiết đô thị, mạnh dạn giải phóng nhà nhỏ lụp xụp, mới là giải pháp căn cơ để Hà Nội không lặp lại những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người như thời gian qua (Ảnh: Ngọc Tân).

Từ những lý lẽ trên, vị chuyên gia nhấn mạnh giải pháp căn cơ để ngăn những vụ cháy thương tâm gây thiệt hại nhiều về người xảy ra ở những đô thị như Hà Nội, là tái thiết và nâng cấp hạ tầng đô thị. 

Theo ông, nâng cấp đô thị không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách, mà có thể áp dụng cơ chế để người dân góp đất, tái điều chỉnh đất đai và tự tái thiết hạ tầng nơi mình sinh sống.

Để thực hiện giải pháp này, chính quyền cần khuyến khích, tạo cơ chế cho người dân góp đất mở rộng đường, nâng cấp hạ tầng đơn giản như bố trí một bãi để xe riêng cho một khu dân cư, bổ sung lối thoát hiểm, phương tiện chữa cháy hay mạnh dạn giải phóng những nơi ở chật hẹp...

GS Võ cũng nhấn mạnh trước khi chính quyền ban hành cơ chế hay có biện pháp hành chính để kiểm soát, người dân hãy tự nhìn quanh nơi mình sống và tự cải thiện chất lượng hạ tầng, đảm bảo an toàn bằng cách trang bị những kỹ năng ứng phó cần thiết.

"Đừng quá phụ thuộc vào quy hoạch vì bản chất quy hoạch không phải mệnh lệnh hành chính. Khi quy hoạch chưa có, chính quyền chưa vào cuộc, người dân có thể tự "cứu" lấy chính mình bằng các đề xuất, tự đóng góp vào việc tái thiết, nâng cấp hạ tầng chính nơi mình sinh sống", GS Đặng Hùng Võ gợi ý. 

0h46 ngày 24/5, Tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố Hà Nội nhận được tin báo cháy nhà dân tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

Các lực lượng đã cứu được 7 người mắc kẹt, trong đó có 3 người bị thương.

Đến 1h26, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Các lực lượng phát hiện 14 người tử vong.

Sau khi vụ cháy xảy ra, trong công điện ban hành tối 24/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ động thành lập các tổ công tác để tổ chức rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/6. Kết quả báo cáo về UBND TP trước ngày 20/6.