Những câu hỏi pháp lý xoay quanh vụ cháy nhà trọ 14 người chết
(Dân trí) - Theo luật sư, để làm rõ trách nhiệm pháp lý, cần làm rõ 3 vấn đề là lỗi trong việc gây ra hỏa hoạn, trong việc đảm bảo PCCC và trong hoạt động cấp phép, quản lý khu trọ.
Như Dân trí thông tin, rạng sáng 24/5, ngọn lửa bùng lên và nhanh chóng biến thành vụ hỏa hoạn tại khu trọ trên phố Trung Kính (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Bất chấp những nỗ lực giải cứu của người dân và lực lượng chức năng, vụ việc vẫn để lại hậu quả nặng nề khi 14 người trong khu trọ đã tử vong.
Một ngày sau, Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy để điều tra vụ việc, trong đó tập trung vào trách nhiệm của 2 nhóm chủ thể chính, đó là người quản lý khu trọ và những người có trách nhiệm quản lý, cấp phép hoạt động cho khu trọ này.
Hàng loạt câu hỏi pháp lý được đưa ra nhưng đều nhằm hướng tới giải đáp một câu hỏi chính, đó là ai sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những tổn thất, thiệt hại của các nạn nhân và gia đình họ?.
Những vấn đề nào cần làm rõ?
Luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là sự việc đáng tiếc, gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người và tài sản. Việc Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan là động thái tố tụng phù hợp, kịp thời và hết sức cần thiết nhằm làm sáng tỏ vụ việc cũng như xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Với kinh nghiệm nhiều năm giữ vai trò kiểm sát viên trong các vụ án hình sự, ông Thắng nhìn nhận trước hết, có 2 vấn đề mấu chốt cần làm rõ, đó là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ hỏa hoạn và trách nhiệm tuân thủ các quy định, quy tắc về phòng cháy chữa cháy của chủ khu trọ.
"Đầu tiên, phải làm rõ nguồn cơn của ngọn lửa, từ đó xác định nguyên nhân vụ cháy xuất phát từ lỗi chủ quan của con người (ví dụ: hút thuốc, hàn xì, đánh lửa gây cháy nổ) hay từ các sự kiện khách quan, tình huống bất ngờ khác. Trong trường hợp có lỗi chủ quan do con người, trách nhiệm của các cá nhân trực tiếp liên quan đó sẽ được tập trung làm rõ.
Tiếp đến, do hoạt động kinh doanh nhà trọ là hoạt động phải đăng ký kinh doanh và phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt về phòng cháy chữa cháy, trách nhiệm của chủ nhà trọ và những người quản lý khu trọ cũng sẽ được lực lượng chức năng điều tra, xác minh nhằm đánh giá vụ án một cách khách quan, toàn diện", ông Thắng phân tích.
Dẫn chiếu các quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ, luật sư cho biết nhà trọ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, việc kinh doanh nhà trọ là lĩnh vực bắt buộc phải đăng ký kinh doanh và phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về phòng cháy chữa cháy. Do đó, trách nhiệm của chủ nhà trọ trong việc đảm bảo các quy tắc an toàn về PCCC như bố trí bình cứu hỏa, hệ thống báo cháy, lối thoát hiểm... trước khi đưa vào vận hành sẽ là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm.
Việc kiểm tra, đánh giá sẽ cần được thực hiện hết sức thận trọng, tỉ mỉ, đánh giá một cách khách quan, toàn diện nhằm xác định người này đã tuân thủ tuyệt đối các quy định về an toàn PCCC hay chưa. Trong trường hợp chủ nhà trọ đã tuân thủ tuyệt đối các quy tắc an toàn, vụ hỏa hoạn xảy ra là do sự kiện bất khả kháng, tình huống bất ngờ nằm ngoài phạm vi, khả năng kiểm soát, trách nhiệm hình sự của người đó sẽ được xem xét loại trừ.
Ngược lại, nếu quá trình xác minh phát hiện có yếu tố lỗi, chỉ ra những lỗ hổng trong việc PCCC của khu trọ trước khi được đưa vào hoạt động, có cơ sở để xem xét xử lý hình sự đối với chủ khu trọ về hành vi Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015.
Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý
Còn với luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), ông cũng cho rằng việc tập trung làm rõ trách nhiệm của người quản lý khu trọ là hết sức cần thiết. Đồng thời, do kinh doanh nhà trọ là lĩnh vực hoạt động cần có sự cấp phép của chính quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cấp phép, giám sát hoạt động cũng là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm.
"Về xây dựng, cần làm rõ việc xây dựng dãy trọ có giấy phép hay không, có đúng với thiết kế, bảo đảm đúng quy định về PCCC tại thời điểm xây dựng hay chưa. Về hoạt động đăng ký kinh doanh, cần làm rõ khu trọ bắt đầu đi vào hoạt động khi nào, đã được cấp phép hoạt động hay chưa.
Nếu được cấp phép, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt, quản lý thường xuyên liên quan tới PCCC; còn nếu chưa, cần xác định có hay không việc buông lỏng quản lý trên địa bàn để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Từ những vấn đề xác minh trên, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước sẽ được làm rõ", ông Cường phân tích.
Về trách nhiệm dân sự, trong trường hợp xác định được tổ chức, cá nhân có vi phạm, những người vi phạm sẽ phải liên đới bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm cho các nạn nhân và gia đình họ trong phạm vi lỗi của mình gây ra. Việc xác định trách nhiệm bồi thường sẽ căn cứ các Điều 589, 590 và 591 Bộ luật Dân sự 2015.