Vụ cháy 14 người chết: Khi sinh viên và người nghèo không có sự lựa chọn
(Dân trí) - Vụ cháy 14 người chết ở Hà Nội khiến nhiều người ngỡ ngàng vì khu trọ quá chật chội và không lối thoát. Tuy vậy, nhiều sinh viên không có lựa chọn nào khác ngoài thuê những căn nhà bí bách, ngõ sâu.
Khi sinh viên và người nghèo không có lựa chọn
Rạng sáng 24/5, tại nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) đã làm 14 người chết, 3 người bị thương.
Đến 0h52 cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn.
Thời điểm này, đám cháy đã phát triển mạnh thiêu rụi nhiều xe máy, xe đạp điện, xe đạp tại khu vực sân, khói và khí độc bao trùm toàn bộ khu vực cháy. Qua tìm kiếm, sơ bộ các lực lượng phát hiện 14 người tử vong.
Báo cáo của Bộ Công an cho biết vụ hỏa hoạn xảy ra trên khu đất 205m2, có nhà của gia đình chủ trọ gồm 7 người và một dãy trọ với 17 người khác đăng ký thuê ở.
Phần sân được bố trí để xe máy, xe đạp, xe đạp điện. Ngôi nhà được trang bị bình chữa cháy, phân bố tại sân và hành lang các tầng nhà. Thành viên gia đình đã tham gia lớp tuyên truyền, tập huấn về PCCC và cứu hộ cứu nạn do khu dân cư, tổ dân phố tổ chức.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một người ở trọ sát vách căn nhà cháy, cho biết đám cháy bùng phát ở khu vực cổng và sân để xe máy của dãy trọ. Do đó, ngay từ đầu, lối thoát nạn duy nhất của cả dãy trọ đã bị lửa bịt kín.
Ngôi nhà cũng nằm trong ngõ nhỏ, cách mặt đường Trung Kính khoảng 250m, xe cứu hỏa không thể tiếp cận.
Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, trên mạng xã hội xảy ra tranh cãi về việc vì sao nhiều người thuê trọ trong các ngôi nhà chật hẹp, ngõ nhỏ. Nhiều người cho rằng, người thuê trọ có thể tìm chỗ thuê an toàn hơn, sao phải vào các khu nhà chật chội, không đảm bảo.
Một số người khác cho rằng, làm gì có ai muốn ở trong một căn nhà trọ chật hẹp, trong một con ngách nhỏ ngoằn ngòeo trong một con ngõ chật kín chen chúc.
Làm gì có ai muốn ở trong một căn phòng nhỏ trên lầu bí bách, muốn lên được phải trèo qua hàng chục bậc cầu thang tối như "hũ nút chật ních".
Làm gì có ai muốn ở trong một căn nhà chung chủ, bị giới hạn thời gian giờ giấc, chung đụng với người khác từ khoảng sân, cái nhà vệ sinh hay cái hiên nhà. Sống trong nhà nhưng cứ phải nhìn trước ngó sau cố gắng không ảnh hưởng tới ai mà nín thở mong đừng ai ảnh hưởng tới mình.
Ai cũng mưu cầu hạnh phúc cả, thế nên người ta chen chân lên thành phố học tập lao động để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Trong lúc ấy, họ chấp nhận chịu khổ một chút, chịu khó một chút để rồi một ngày thay đổi số phận.
Sinh viên, người lao động chấp nhận chịu khổ
Khánh Chi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, sinh viên tỉnh lẻ và người nghèo như em không có sự lựa chọn.
"Nhận được giấy báo trúng tuyển, em từ Quảng Bình ra Hà Nội trước khai giảng hơn một tuần để tìm trọ. Em lang thang tìm trên mạng, lê la hết các hang cùng ngõ hẻm ở khu vực quận Hai Bà Trưng, sang cả quận Hoàng Mai nhưng mãi vẫn không tìm được khu nào vừa sức.
Em tìm đến một khu sạch sẽ, mới xây, có phòng khách và phòng ngủ riêng, tách biệt với hàng xóm nhưng khi hỏi giá, chúng em nhìn nhau lắc đầu ngậm ngùi ra về vì quá cao, chưa kể các phí dịch vụ điện nước, internet.
Chúng em đến một khu khác ở ngõ Gốc đề (phường Minh Khai, quận Hoàng Mai), một con ngõ hẹp, ngóc ngách nhiều, mật độ dân cư vô cùng đông đúc.
Từ sáng sớm tới đêm khuya, ngõ Gốc đề lúc nào cũng đông nghịt người cùng xe cộ. Ngõ ở đây hẹp, các ngách nhiều, người và phương tiện vào ra như mắc cửi, những hộ dân ở mặt ngõ, mặt ngách lại tận dụng tối đa "mặt tiền" để kinh doanh.
Từ một biển thuê trọ, chúng em tìm được một nhà 4 tầng ở trong ngõ chỉ một làn xe máy, tầng dưới của ngôi nhà để xe và để bếp núc nấu ăn, các tầng trên chia thành phòng nhỏ như chuồng câu để ở.
Nhà hơi bí nhưng được cái giá cả phải chăng, phù hợp với số tiền bố mẹ cho. Cả mấy chúng em chẳng nói chẳng rằng, gật đầu cái rụp rồi kí hợp đồng thuê ghép cùng nhau, tự bảo nhau, mình có làm gì đâu mà cháy nổ, thôi tới đâu hay đó", Chi kể lại.
Không riêng khu vực quanh các đại học lớn ở Hà Nội như Bách khoa, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, nhiều khu vực quanh quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân…, đều "khát" phòng trọ.
Bà Thông, một chủ nhà trọ ở khu vực Cầu Giấy cho biết: "Hàng ngày, có đến vài lượt người đến hỏi thuê phòng, nhưng phòng nhà tôi chẳng bao giờ trống, cả chục sinh viên thuê ở đây bốn năm trời mà sau khi ra trường cũng chẳng thấy trả phòng".
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, nhiều kí túc xá trường đại học không đủ chỗ cho sinh viên. Trong một cuộc làm việc mới đây, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã phải đề nghị Bộ GD&ĐT xin xây thêm hệ thống kí túc xá bởi hiện mới đáp ứng cho 2.700 sinh viên trên tổng số 17.000 sinh viên của cả trường (chỉ đáp ứng khoảng 1/6).
Không riêng Trường ĐH Sư phạm, nhiều trường khác cũng rơi vào tình trạng thiếu chỗ ở KTX cho sinh viên nên nhiều em phải thuê bên ngoài.
Đầu năm, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tiếp nhận đăng ký ở KTX đối với các sinh viên khóa mới, không xét duyệt sinh viên khóa cũ. Không những thế, tân sinh viên cũng phải thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định mới được ở. Nguyên nhân là KTX không đủ chỗ để đáp ứng hết mọi yêu cầu của sinh viên.
ĐH Quốc gia Hà Nội có 3 KTX (Mễ Trì, ĐH Ngoại ngữ, Mỹ Đình 2) với hơn 6.000 chỗ ở. Trong đó, ưu tiên quỹ nhà dành cho sinh viên năm nhất khoảng 1.700 chỗ cho 8 trường ĐH và 4 khoa trực thuộc, chỗ ở KTX đáp ứng được gần 13% sinh viên năm thứ nhất. Còn xét trên quy mô toàn ĐH Quốc gia Hà Nội, KTX đáp ứng được trên 13%.
Tại khu vực gần một số trường đại học cụm khu vực Thanh Xuân như Trường ĐH Khoa học XH &NV, ĐH Khoa học Tự nhiên, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, ĐH Kiến trúc Hà Nội..., các khu trọ luôn trong tình trạng người này chưa trả phòng, người kia đã đến hỏi.