Rửa sạch kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM bằng cách nào?
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng TPHCM có hệ thống xử lý nước thải không đồng bộ, nơi có nơi không. Kênh rạch nối liền nhau nên vẫn bị ô nhiễm. Thành phố cần phân tách các khu vực ra để xử lý nước thải.
Cải tạo kênh rạch ở TPHCM là câu chuyện không mới, từ trước tới nay vẫn được thành phố tiến hành. Một số tuyến kênh đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo, đưa vào sử dụng.
Song, một số chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng nước ta có luật bảo vệ môi trường nhưng thực hiện còn lỏng lẻo. Nhiều nơi vẫn còn tình trạng vứt rác và xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Điều này dẫn tới thực trạng như vừa qua kênh Nước Đen (quận Bình Tân) lại ngập ngụa rác sau 2 năm cải tạo với hơn 600 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, các chuyên gia chỉ ra thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp trong việc bảo vệ và giữ gìn kênh, rạch.
Khơi thông dòng chảy
KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho biết, TPHCM muốn giảm ô nhiễm kênh rạch, đầu tiên cần chấn chỉnh lại hoạt động xây dựng, giải tỏa những công trình lấn chiếm.
Sau khi giải tỏa các công trình này, thành phố cần tạo được không gian xanh hai bên bờ kênh. Không gian xanh rất quan trọng trong việc vừa tạo cảnh quan, vừa làm bộ lọc cho kênh rạch. Cây xanh giúp lọc bớt khói bụi, ô nhiễm.
Ngoài ra, không gian nước ở TPHCM cần liên thông với nhau để tránh tình trạng nước tù. Chỗ nào nước đọng, không thông thì phải nạo vét để khi mưa xuống, nước chảy từ kênh này qua kênh kia và đổ ra sông Sài Gòn. Luồng nước chảy giúp làm sạch con kênh một cách tự nhiên.
Nếu muốn kênh nhanh hết ô nhiễm, theo ông Sơn, có thể dùng biện pháp hóa học, bỏ những chất xúc tác để giải quyết. Đồng thời, khu dân cư, cơ sở sản xuất phải đảm bảo không xả thải trực tiếp xuống kênh.
"Một mặt làm sạch dòng kênh, một mặt phải ngừng đổ rác, xả thải. Nếu làm sạch kênh có tốt đến mấy mà vẫn xả thải, thì không còn cách nào có thể để chấm dứt tình trạng ô nhiễm. Cải tạo kênh đến khi nguồn nước sạch, chúng ta tiếp tục thả các sinh vật như cá xuống. Vì sinh vật thúc đẩy quá trình làm sạch kênh", ông Sơn nói.
Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, công tác quản lý đô thị chưa thật sự đồng bộ, nên vẫn còn nhiều trường hợp đổ rác, xả thải xuống kênh rạch. Nhiều tuyến kênh ở TPHCM khi nạo vét rồi vẫn còn ô nhiễm, nước đen ngòm là do vẫn còn tình trạng xả thải. Đồng thời, nước trên kênh chưa thông, không có dòng chảy.
Cơ quan chức năng nên rà soát, lấy mẫu nước ở đầu các đường cống đổ ra kênh. Cống nào có chất thải vượt mức cho phép, có thể khẳng định cơ sở sản xuất dọc tuyến cống đó xả thải không qua xử lý.
Từ đó, cơ quan chức năng truy trách nhiệm các cơ sở sản xuất này. Khi nào đường cống đổ nước ra kênh hết ô nhiễm thì ngưng. Các nhà quản lý làm như vậy sẽ truy ra được nguyên nhân ô nhiễm kênh rạch.
"Việc này đơn giản, không có gì khó. Nó giống việc một người bị bệnh gan, bác sĩ cho uống thuốc, điều trị cách mấy đi nữa nhưng về nhà, bệnh nhân vẫn uống rượu thì không bao giờ khỏi bệnh", ông Sơn nêu ví dụ.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng hệ thống kênh rạch chằng chịt ở TPHCM có giá trị rất lớn. Đầu tiên, chúng ta có không gian xanh gắn với sông nước, cảnh quan rất đẹp. Công trình nào phía trước có kênh và không gian xanh, giá trị rất cao.
Khu có kênh rạch sẽ mát hơn những nơi mật độ bê tông hóa dày đặc. Đồng thời, khu này cũng ít khi bị ngập, giảm tiếng ồn và ô nhiễm không khí. Với những con kênh được cải tạo tốt, lòng kênh rộng có thể bổ sung thêm giao thông thủy, lợi ích về kênh rất nhiều.
"Trước đây, TPHCM có kênh rạch chằng chịt hơn hiện nay. Trong quá trình phát triển, chúng ta làm sai khi thay kênh rạch bằng cống hộp, xây nhà ở phía trên. Chính việc này khiến nhiều khu vực ở thành phố hiện ngập nặng mỗi khi mưa", ông Sơn nhìn nhận.
Ông Võ Kim Cương, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, nhận định, kênh rạch ngoài chức năng thoát nước còn tạo cảnh quan, làm hồ điều tiết, và tạo tuyến giao thông thủy.
Hiện một số kênh rạch ở TPHCM khi thủy triều rút, lộ ra lớp bùn đen rất hôi thối. Khi nạo vét, thành phố phải tạo một độ sâu nhất định trong lòng kênh để khi thủy triều xuống vẫn giữ lại được một lượng nước, không lộ lớp bùn. Muốn như vậy, thành phố phải xem lại cách thiết kế để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo ông Cương, trước đây, khi chưa cải tạo kênh, nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên địa bàn đều đổ xuống kênh không qua xử lý, đây là điều rất tệ hại cho đô thị. Thiết kế đô thị cũ hoàn toàn không có hệ thống xử lý nước trước khi đổ vào kênh rạch, chưa kể hàng vạn người sống trực tiếp trên kênh, rất ô nhiễm.
Một nguyên nhân khác gây ô nhiễm kênh ở TPHCM là do chế độ thủy triều bán nhật triều. Chế độ này làm cho nước bẩn trên kênh không thoát ngay ra biển mà cứ đẩy ra một đoạn rồi đẩy vào lại.
Cải tạo kênh đi cùng việc chăm lo cho người dân
TS. Dư Phước Tân, thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết thành phố đã có chủ trương cải tạo kênh rạch từ rất lâu. Ban đầu, thành phố đặt vấn đề giải quyết ô nhiễm kênh rạch lên hàng đầu. Tuy nhiên, qua thời gian, thành phố nhận thấy việc di dời người dân trên kênh, ven rạch là vấn đề quan trọng, song song vấn đề cải tạo kênh rạch ô nhiễm.
Bởi vì, nếu tập trung xử lý ô nhiễm mà quên đi người dân sống trên kênh sẽ không bền vững và không phù hợp với mục tiêu vì con người. Do đó, gần đây, chủ trương cải tạo kênh rạch đã chuyển thành dự án Di dời, cải tạo kênh rạch ổn định cuộc sống người dân.
Ông Dư Phước Tân cho rằng, chủ trương mới này gồm hai yếu tố là cải tạo kênh rạch và lo cho cuộc sống người dân. Thành phố nhắm đến di dời là chính, cải tạo kênh rạch thực hiện sau khi di dời.
Trước đây, ngân sách được hỗ trợ từ nước ngoài nên thành phố làm nhanh như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (di dời 7.000 căn nhà). Bây giờ, vấn đề đặt ra là thành phố đang khó khăn trong việc bố trí ngân sách.
Giai đoạn năm 2016-2020, thành phố tính chuyện xã hội hóa bằng cách kêu gọi tư nhân, doanh nghiệp đầu tư. Lúc này, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn đề nghị được thí điểm cải tạo kênh rạch. Thời điểm đó, doanh nghiệp này có quỹ nhà để tái định cư nên đầu tư. Đổi lại, thành phố sẽ cấp đất cho họ. Thời điểm đó, thành phố chưa có chủ trương ngăn cấm kế sách này. Tuy nhiên, khi thực hiện phát sinh nhiều bất cập về pháp lý nên họ ngừng thực hiện.
Qua đó cho thấy, ngân sách thành phố phải bỏ ra chứ không thể kêu gọi tư nhân vì một số kênh rạch hiện quá đông dân cư và ô nhiễm. Thành phố hiện cũng có một số nghiên cứu và đang chuẩn bị triển khai cải tạo kênh rạch với cơ chế bồi thường khá tốt.
"Giải tỏa kênh rạch phải mang tính đồng bộ vì một số khúc chưa cải tạo vẫn sẽ ô nhiễm. Do chưa đồng bộ nên kênh không sạch toàn diện như mong đợi. Thành phố làm thí điểm rất tốt việc di dời, cải tạo kênh tại dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm, người dân rất thích vì có được nhà tái định cư khang trang", ông Tân chia sẻ.
Ông Ngô Trùng Dương, Chủ tịch Hội đồng khoa - Khoa Kỹ thuật hạ tầng đô thị - Giám đốc Trung tâm Đào tạo cơ sở Cần Thơ - trường Đại học Kiến trúc TPHCM, cho biết, hơn 10 năm về trước TPHCM có nhiều dự án cải thiện môi trường sống của người dân dọc các tuyến kênh rạch trên địa bàn.
Trong quá trình phát triển đô thị, chất lượng sống của người dân càng đi lên nhưng kênh rạch chưa được quan tâm đúng mức. Các dự án nạo vét kênh rạch đang triển khai rất chậm.
Trong Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất các khu dân cư tập trung phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, phù hợp trong phát triển đô thị hiện nay. Khi thực hiện được, sẽ khắc phục tình trạng nước xả ra môi trường tự nhiên không đạt tiêu chuẩn.
"TPHCM có hệ thống xử lý nước thải không đồng bộ, nơi có nơi không. Kênh rạch nối liền nhau thành ra vẫn bị ô nhiễm. Tôi nghĩ, thành phố nên phân tách khu vực ra để xử lý nước thải", ông Dương nêu quan điểm.
Các nước bảo vệ kênh rạch ra sao?
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, các nước tiên tiến trên thế giới bảo vệ kênh rạch từ nguồn. Những công trình hai bên bờ không được xả thải trực tiếp xuống kênh. Nếu vi phạm, chủ công trình bị phạt rất nặng. Mức phạt có thể khiến doanh nghiệp bị phá sản.
Theo chuyên gia, luật pháp chúng ta có đủ nhưng quản lý chưa thật sự nghiêm. "Ở nhiều nước, không có ai dám vi phạm xả thải. Nước ta vẫn còn vi phạm xả thải do luật quy định chưa chặt. Cái mình cần học hỏi họ là quản lý đô thị nghiêm hơn. Khu kênh rạch, hạ tầng thoát nước cần làm bài bản hơn", ông Sơn phân tích.
"Ở Singapore nếu đem rác đổ xuống kênh, người vi phạm bị phạt ít nhất 400-500 đô la Singapore. Nước ta làm chưa nghiêm nên người dân còn xem nhẹ. Bảo vệ chất lượng môi trường cho sông rạch ở TPHCM không khó, vấn đề nằm ở quản lý đô thị. Nước ngoài có gì, mình đều có. Họ có quy hoạch, mình có quy hoạch. Họ có luật, mình cũng có luật, nhưng ở nước ta làm chưa nghiêm", ông Sơn chia sẻ.
Ông Võ Kim Cương cho biết, nhiều nước trên thế giới họ bảo vệ kênh rạch không giống mình. Họ có hệ thống tách nước mưa và nước bẩn riêng biệt. Chế độ xử nước thải từ nguồn của họ rất nghiêm khắc. Các nhà máy bị áp đặt tiêu chuẩn chất lượng nước thải đưa ra môi trường phải sạch. Nhà máy xử lý nước thải khu dân cư cũng vậy.
"Nước thải khu công nghiệp của họ khi xử lý xong có khi còn sạch hơn nước mưa. Đặc biệt ở châu Âu, tiêu chuẩn nước xả ra môi trường rất cao. Ví dụ ở Pháp, nước rửa đường là nước sạch, có thể dùng để nấu ăn được", ông Cương nói.