PhotoStory

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn

Thực hiện: Nguyễn Quang

(Dân trí) - Hơn 20 năm nay, ông Lính (65 tuổi) duy trì công việc mót sắt tại nhiều bãi đất xung quanh các dự án san lấp mặt bằng ở khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) để mưu sinh.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 1

Hơn 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Lính (65 tuổi) duy trì công việc mót sắt ở khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) để mưu sinh. Năm 1978, ông Lính tham gia tình nguyện sang chiến trường Campuchia làm nghĩa vụ Quốc tế. Sau 3 năm, ông trở về Việt Nam rồi đưa vợ con đến Thủ Thiêm khai phá đầm lầy, trồng rau nuôi cá.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 2

Tuy nhiên, sau gần 10 năm cư ngụ tại đây, cả gia đình người lính già một lần nữa phải chuyển về Nhơn Trạch (Đồng Nai) sinh sống vì Thủ Thiêm bắt đầu triển khai các dự án đô thị mới. Vì đã gắn bó với Thủ Thiêm nhiều năm nên ông quyết định một mình quay lại nơi đây để kiếm sống, nuôi gia đình bằng công việc làm phụ hồ, mót phế liệu.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 3

5h sáng, khi những chiếc xe cuốc, xe ben chở đất san lấp nền công trình ở Thủ Thiêm hoạt động nhộn nhịp cũng là lúc ông Lính bắt đầu công việc mót sắt.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 4

Đã thành luật bất thành văn, các bãi đất đổ phế liệu sẽ có nhóm xe ben tới gom sắt vụn đầu tiên, sau đó tới nhóm xe cuốc, và sau khi các nhóm rời đi hết mới tới lượt ông Lính vào mót cuối cùng.

"Công việc tuy có vất vả nhưng kiếm được nhiều sắt hơn so với đi lượm ve chai. Có ngày tôi mót được hơn 10 kg sắt", ông Lính cho biết.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 5

Trừ những lúc đi theo xe cuốc, xe ben để mót sắt, ông Lính còn sắm thêm chiếc máy rà kim loại có giá hơn một triệu đồng để tìm sắt ở các bãi đất trống.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 6
Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 7

Sau một ngày làm việc trên công trường, ông Lính dùng xe gắn máy chở số sắt thép kiếm được về tập kết ở căn chòi dựng tạm giữa bãi đất trống ở Thủ Thiêm. Những ống sắt dài cả mét trộn lẫn bùn đặc bên trong, người đàn ông 65 tuổi phải dùng cưa cắt thành từng đoạn ngắn, dùng búa đập thành ống để bỏ hết lớp bùn bám mới có thể bán cho các vựa ve chai.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 8

Suốt ngày cầm cưa, cầm búa khiến đôi bàn tay của ông Lính chai sần, đầy vết sẹo. "Ban ngày tôi dành thời gian đi mót sắt, buổi chiều tối mới có thời gian ngồi đục đẽo chúng, nhiều hôm ráng đập cho xong để bán nên bàn tay mỏi nhừ, đau nhức", ông nói.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 9

Cứ khoảng một tuần tới 10 ngày, chủ vựa ve chai sẽ tới thu mua đống phế liệu một lần tại các chòi tạm của những người làm nghề mót sắt.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 10

"Tuần này tôi mót được hơn 100 kg sắt, kiếm hơn 1 triệu đồng, số tiền này tôi chỉ giữ lại vài trăm nghìn để ăn uống còn toàn bộ gửi về cho vợ lo cho các cháu", ông chia sẻ.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 11
Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 12

Sau khi đã bán hết mớ sắt vụn, ông Lính tranh thủ lội vào các đầm nước cạnh chòi để giăng lưới, đặt lú bắt cá và hái những quả bần về nấu canh chua. 

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 13

Trước dịch Covid-19, ông Lính thường xuất phát từ nhà ở Nhơn Trạch, tối lại chạy xe gắn máy về với vợ và các cháu. Từ khi có dịch, đã gần 6 tháng ông ở hẳn lại TPHCM, sống tạm trong căn chòi bằng ống cống bê tông cũ, che chắn tứ phía bằng những tấm bạt, miếng gỗ nhặt được lúc đi mót sắt.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 14

Những lúc bắt được tôm, cá ông Lính thường mua gạo về nấu ăn. Những hôm phải làm muộn, ông mua cơm hộp, ăn một nửa vào buổi trưa, một nửa để dành vào giờ cơm chiều. 

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 15

Căn chòi không có điện, được bao quanh bởi những cây dừa nước thế nên khi trời vừa nhá nhem là lúc ông phải nhóm một đống lửa nhỏ để vừa đuổi muỗi, vừa thắp sáng.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 16

Những ngày này, thời tiết trở lạnh nên căn chòi chắp vá tứ phía không che chắn hết được cho người lính già, ông Lính chế tạo chiếc đèn dầu từ vỏ chai nước ngọt để căn chòi bớt lạnh lẽo hơn vào buổi tối. Khoảng thời gian ban đêm là lúc ông cô đơn nhất, những lúc như thế ông càng thêm nhớ gia đình nhỏ của mình bên kia sông.

Ông lão 65 tuổi hơn 20 năm mót sắt ở Sài Gòn - 17

"Con cái ai cũng có gia đình riêng, kinh tế không có nên tôi chẳng muốn làm phiền thêm cho các con. Tôi gắng thêm vài năm nữa chứ cũng đã lớn tuổi rồi, sức khỏe không được như xưa. Giờ chỉ mong bớt dịch, chạy xe về thăm vợ con và các cháu", ông Lính trầm ngâm.