(Dân trí) - Nhiều người gọi công việc của những người phụ nữ thuộc đội rà phá bom mìn là nghề "đi săn tử thần". Hàng ngày, các chị phải tiếp xúc với vô vàn bom đạn, vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh, chỉ cần sai sót một ly hay bất cẩn trong tích tắc, tính mạng của họ có thể rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".
Những phụ nữ "đi săn tử thần" trên "đất lửa" Quảng Trị
Nhiều người gọi công việc của những người phụ nữ thuộc đội rà phá bom mìn là nghề "đi săn tử thần". Hàng ngày, các chị phải tiếp xúc với vô vàn bom đạn, vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh, chỉ cần sai sót một ly hay bất cẩn trong tích tắc, tính mạng của họ có thể rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".
Dưới cái nắng gắt những ngày cuối tháng 8 tại miền đất khắc nghiệt Quảng Trị, những người phụ nữ khoác trên mình bộ đồng phục ka-ki, mũ tai bèo, tay xách xô, xẻng và chiếc máy dò kim loại cần mẫn làm việc trên ngọn đồi cằn cỗi.
Cô gái trẻ Nguyễn Thị Lệ Quyên - nhân viên kỹ thuật của Đội rà phá bom mìn lưu động EOD thuộc tổ chức phi chính phủ Cây Hòa bình (Peace Trees VietNam) - đã gắn bó với công việc rà phá bom mìn những năm qua. Cầm máy dò trên tay, chị chậm rãi đưa máy rà trên mặt đất tại hiện trường dự án rà phá bom mìn thuộc thôn Ka Reng, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Chị Quyên là một trong những thành viên của đội rà phá bom mìn toàn nữ đầu tiên tại Việt Nam. Nhiều người gọi công việc của các chị là nghề "đi săn tử thần". Hàng ngày, chị Quyên và các đồng nghiệp phải tiếp xúc với bom đạn, vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh, chỉ cần sai sót một ly hay bất cẩn trong tích tắc, họ có thể gặp nguy hiểm về tính mạng.
Công việc của các nữ nhân viên đội rà phá bom mìn như chị Quyên diễn ra trong thầm lặng. Mỗi lần tiếng máy rà vang lên khi gặp phải kim loại thì cả đội vừa mừng, vừa lo.
Nếu phát hiện ra vật kim loại, chị Quyên nhanh chóng cắm cờ đỏ lên khu vực phát hiện. Tiếp đó, một nhân viên khác cầm máy dò tay đến kiểm tra, dùng xẻng đào nhẹ lớp đất. Cứ thế, theo quy trình kỹ thuật, các nhân viên của đội sẽ bốc tách dần lớp đất cho đến khi phát hiện bom, mìn hoặc vật liệu nổ…
Mỗi ngày, những vật liệu nổ nhỏ được tìm thấy sẽ bị hủy hoàn toàn ngay tại hiện trường, còn những quả bom to có thể di chuyển an toàn được đưa về bãi nổ nơi cách xa dân cư để tiêu hủy.
Những phụ nữ "đi săn tử thần" trên "đất lửa" Quảng Trị
Ngoài Cây Hòa bình Việt Nam, ở Quảng Trị còn nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động ở lĩnh vực rà phá bom mìn và liên quan như MAG, Renew, SODI, CPI…
Các thành viên đội EOD phần lớn là người bản địa. Chị Quyên và các đồng nghiệp được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp từ các chuyên gia nước ngoài và không ngừng được nâng cao trình độ. Thế nhưng điều quan trọng nhất với nghề nguy hiểm này là sự tỉ mẩn, khéo léo, cẩn thận và kiên nhẫn.
"Ngay từ nhỏ tôi đã từng nghe và chứng kiến những vụ tai nạn thương tâm từ bom mìn chưa phát nổ sau chiến tranh. Chiến tranh đã qua đi rất lâu mà đau xót thay người dân quê hương tôi vẫn ngày ngày đối mặt hiểm họa còn sót lại. Đó chính là lí do thôi thúc tôi đến với công việc này", chị Quyên chia sẻ.
Sau chiến tranh, Quảng Trị là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất do bom mìn và các vật liệu nổ còn sót lại. Bom mìn và vật liệu nổ là nguyên nhân dẫn đến thương vong của trên 100.000 người tại Việt Nam và trên 8.500 dân thường tại tỉnh Quảng Trị kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975 cho đến nay.
Chị Quyên chia sẻ, thời gian đầu khi chưa quen công việc, chị cũng cảm thấy khá lo lắng, có đôi chút sợ hãi. Nhưng sau nhiều năm gắn bó, công việc này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị.
Ngày nắng hay ngày mưa, chị Quyên và đồng nghiệp vẫn miệt mài làm việc: "Cái nắng Quảng Trị ai cũng biết rồi đấy, khắc nghiệt vô cùng. Nắng nóng đã vậy, nhiều khi do phát hiện bom mìn nguy hiểm mình căng thẳng quá nên mồ hôi đổ ra đầm đìa".
Giống trường hợp của nhiều đồng nghiệp nữ khác, khi nghe chị Quyên nói muốn theo nghề rà phá bom mìn, gia đình chị phản đối quyết liệt. "Nhưng chúng tôi luôn tâm niệm rằng nếu chúng tôi không làm thì liệu ai sẽ là người giúp tẩy sạch phế liệu chiến tranh khỏi mảnh đất này? Vậy nên tôi gắng thuyết phục cha mẹ, sau này thì thuyết phục chồng, gia đình chồng cho theo nghề".
Hàng ngày, những nữ nhân viên rà phá bom mìn như chị Quyên vẫn rong ruổi trên từng khu vực ở miền quê Quảng Trị để góp phần xử lý bom mìn chiến tranh.
"Niềm vui của tôi là chứng kiến mảnh đất quê hương thay da đổi thịt từng ngày, những loại phế liệu chiến tranh cũng ít đi từng ngày. Và đặc biệt, chúng tôi còn góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức. Một vài năm nay, nhiều người dân đã cảnh giác hơn, có ý thức phối hợp với các đội rà phá bom mìn trong nhiều khâu, từ thông báo các điểm có bom mìn đến tham gia di dời khi cần thiết", chị Quyên tâm sự.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1995, các đội rà phá bom mìn do Mỹ tài trợ đã tháo gỡ vật liệu chưa nổ trên gần 160 triệu m2 tại Việt Nam và xử lý hơn 700.000 thiết bị nổ và những vật liệu nổ khác còn sót lại sau chiến tranh.
Quảng Trị đang hướng đến mục tiêu là tỉnh đầu tiên trong 63 tỉnh thành của cả nước không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu này, không thể thiếu những người "đi săn tử thần" như chị Quyên và các đồng nghiệp...
Toàn Vũ