Những dự án tỷ USD và kế hoạch nâng tầm hợp tác lao động Việt - Hàn
(Dân trí) - Chuỗi hoạt động "như thoi đưa" với một lịch trình dày đặc trong 4 ngày thăm Hàn Quốc của Thủ tướng đã đem lại nhiều dự án hợp tác tỷ USD cùng rất nhiều lời cam kết đầu tư, hợp tác từ "xứ sở kim chi".
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Hàn Quốc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc, phong phú, đa dạng với 34 hoạt động cùng chính giới, giới kinh tế, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức hữu nghị, tổ chức phi chính phủ...
Có ngày, lịch trình của Thủ tướng bắt đầu từ 8h và kết thúc lúc 19h với hơn 10 hoạt động liên tục không ngừng nghỉ, tận dụng từng phút, từng giây để trao đổi với các đối tác Hàn Quốc nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang "tốt đẹp nhất"
Kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2022, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc.
Tình cảm trọng thị, nồng ấm mà lãnh đạo "xứ sở kim chi" trao cho người đứng đầu Chính phủ cũng như đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dường như khiến cho các cuộc trao đổi trở nên cởi mở, thẳng thắn hơn.
Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Han Duck Soo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Hàn Quốc tiếp tục mở cửa cho hàng hóa thế mạnh của Việt Nam vào thị trường nước này, như thực phẩm chế biến, nông thủy sản, trái cây theo mùa.
Ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực điện khí (LNG), chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời tăng cường xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Một vấn đề quan trọng khác được ông đề cập, là đề nghị Hàn Quốc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực và tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước.
Thủ tướng Han Duck Soo khẳng định Việt Nam là đối tác trọng tâm trong triển khai các chính sách đối ngoại tại khu vực.
Ông đánh giá Việt Nam là đối tác lớn thứ nhất của Hàn Quốc về hợp tác phát triển, đối tác lớn thứ ba về thương mại và đối tác đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc trong ASEAN.
Nhấn mạnh Hàn Quốc tiếp tục coi Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng về hợp tác phát triển, Thủ tướng Han Duck Soo cho biết nước này ưu tiên hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, thông qua viện trợ phát triển không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác quốc tế KOICA.
Nhận định kinh tế là trụ cột quan trọng trong hợp tác song phương, người đứng đầu Chính phủ hai nước khẳng định cần phối hợp triển khai các biện pháp để sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025, hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030.
Hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy các khoản vay thông qua Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế (EDPF) trị giá 2 tỷ USD và điều kiện vay không ràng buộc đối với các khoản vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) trị giá 2 tỷ USD để phát triển hạ tầng chiến lược, như xây dựng tuyến đường sắt cao tốc.
Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết các doanh nghiệp nước này đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy tiềm năng và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đã tạo nên hệ sinh thái đầu tư thuận lợi.
Ông khẳng định sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam phục vụ phát triển ngành bán dẫn, công nghệ cao và hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Hội kiến Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra đề nghị về việc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Thủ tướng cũng đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...
Ngoài có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, các ưu tiên trong phát triển kinh tế, ông Woo Won-Shik nhận định Việt Nam và Hàn Quốc có sự bổ sung cho nhau về kinh tế và nguồn nhân lực.
Thống nhất nội dung hợp tác về chính trị - ngoại giao, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, lao động…, các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước đã ký kết 40 văn bản hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Chuyến công tác đã làm sâu sắc sự tin cậy chính trị, củng cố quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa lãnh đạo cấp cao và tình cảm gắn kết giữa nhân dân hai nước, theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
"Đơm hoa kết trái" từ những dự án hợp tác tỷ USD
"Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Hàn Quốc, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đơm hoa kết trái" là thông điệp quan trọng được Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền tải trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc.
Có lẽ bởi vậy, mà trong số 34 hoạt động của chuyến thăm, có tới hơn một nửa là hoạt động kinh tế nhằm hiện thực hóa thông điệp này.
Theo đánh giá, chuyến thăm đã đạt những kết quả thực chất trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Việt Nam và Hàn Quốc cùng khẳng định hợp tác kinh tế là một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu trong hợp tác giữa hai nước.
Đến nay, Hàn Quốc tiếp tục là đối tác số 1 về đầu tư trực tiếp, du lịch, số 2 về hợp tác phát triển (ODA), số 3 về lao động, thương mại của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn và an toàn, là lựa chọn hàng đầu.
Hai bên nhất trí cùng triển khai các biện pháp cụ thể để sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng cần triển khai các dự án hợp tác quy mô lớn với điều kiện ưu đãi đặc biệt, các công trình biểu tượng cho quan hệ hai nước.
Ông đề nghị thúc đẩy các khoản vay thông qua Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế (EDPF) trị giá 2 tỷ USD và điều kiện vay không ràng buộc đối với các khoản vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) trị giá 2 tỷ USD để phát triển hạ tầng chiến lược như xây dựng tuyến đường sắt cao tốc.
Chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ cũng góp phần thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác kinh tế rất cụ thể giữa hai nước. Thủ tướng đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp hai nước; dự tọa đàm với các tổ chức kinh tế hàng đầu Hàn Quốc về năng lượng và tài chính và tiếp lãnh đạo hàng chục tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc.
Thủ tướng đồng thời chứng kiến lễ ký 23 văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương hai nước về hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục, bán dẫn, năng lượng và tăng cường hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ấn tượng với môi trường đầu tư an toàn, ổn định và nhiều dư địa hợp tác của Việt Nam, các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc thông báo hàng loạt kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trị giá hàng tỷ USD.
Điển hình, Tập đoàn LG dự kiến giải ngân thêm 3 tỷ USD trong 5 năm tới; Samsung cũng đầu tư mạnh trong 3 năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu; Hyosung cam kết "đặt tương lai 100 năm tới ở Việt Nam", xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) với tổng vốn 300 triệu USD tại TPHCM; Lotte cũng cho biết sẽ tính toán mở thêm các mô hình tương tự Lotte Mall Tây Hồ ra các địa phương khác của Việt Nam.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong Bin kỳ vọng vào sự tươi sáng trong hợp tác với Việt Nam sau khi nghe thông điệp kêu gọi đầu tư của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ông Shin Dong Bin cho biết Tập đoàn đã đầu tư tại Việt Nam được 30 năm, và hiện nay có khoảng 20 doanh nghiệp của Lotte đầu tư tại Việt Nam. Ông hy vọng với chuyến thăm này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên sẽ đẩy mạnh việc hợp tác đầu tư.
Chia sẻ việc đầu tư cơ sở Lotte Mall Tây Hồ và đưa vào khai thác tháng 9/2023 đã mang lại hiệu quả với khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày, Chủ tịch Tập đoàn Lotte cho biết sẽ tính toán mở rộng đầu tư mô hình này ở các địa phương khác của Việt Nam, không chỉ ở Hà Nội và TPHCM. Ông mong Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện về cơ chế để Tập đoàn đầu tư một cách thuận lợi hơn.
Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong ví Việt Nam là quê hương thứ hai của Samsung và là quốc gia đối tác thực sự tốt.
"Trong tương lai, tôi tin Hàn Quốc và Việt Nam sẽ trở thành đối tác lâu dài và thậm chí là đối tác lớn hơn bằng cách kết hợp công nghệ Hàn Quốc với thái độ làm việc chăm chỉ của các tài năng trẻ Việt Nam", ông Lee Jae Yong chia sẻ.
Nâng tầm hợp tác lao động, văn hóa và du lịch
Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức thành công tại Thủ đô Seoul với sự có mặt của hàng trăm người lao động, là một điểm nhấn trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận lao động Việt Nam từ năm 1992 và đến nay trở thành một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, môi trường làm việc tốt.
Năm 2023, Việt Nam đã đưa được 15.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và đứng đầu trong 16 nước đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
Theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hợp tác về lao động với Hàn Quốc đã được 32 năm, trở thành một trong những trọng tâm hợp tác hai nước.
16 địa phương của Việt Nam đang có hợp tác lao động với Hàn Quốc, và điều đáng nói, theo chia sẻ của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có hàng trăm lượt lao động Việt Nam từ Hàn Quốc trở về, trong số đó nhiều người đã trở thành những ông chủ.
Cũng chính vì vậy, vừa qua, các cơ quan của Hàn Quốc đã sang Việt Nam xem xét, gặp gỡ và sau đó đi đến quyết định mở lại cho những lao động ưu tú của Việt Nam quay trở lại Hàn Quốc với yêu cầu đào tạo chất lượng chuyên môn cao hơn, tay nghề cao hơn.
"Phần lớn lao động Việt Nam sau 4 năm làm việc ở Hàn Quốc đều trưởng thành, trở thành những nhân lực quan trọng trong các tập đoàn lớn của Hàn Quốc", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.
Bộ trưởng tin rằng quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng đi vào đào tạo những ngành nghề chuyên môn chất lượng cao, có năng suất cao và mang lại thu nhập tốt hơn.
Ông Lee Woo Young, Chủ tịch Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, cho rằng lao động Việt Nam có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cả hai quốc gia.
Ông dẫn số liệu trong 20 năm, số lượng người lao động Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc là hơn 13.000 người, đứng thứ 2 trong số các quốc gia đưa lao động nhập cảnh vào nước này.
Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong số những nước phái cử lao động sang Hàn Quốc (khoảng 66.000 lao động), trong khi số lượng lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam cũng tăng nhanh hàng năm (gần 20.000 người), đứng đầu và chiếm trên 16% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước đã mang lại những lợi ích cụ thể cho người dân, người lao động. Minh chứng rõ nhất là gần đây, các cơ quan của Hàn Quốc đã sang Việt Nam xem xét, kiểm tra và chính thức đồng ý cho các thanh niên ưu tú Việt Nam tiếp tục quay trở lại theo chương trình lao động 4 năm, với yêu cầu đào tạo chất lượng chuyên môn cao hơn, tay nghề cao hơn.
Đây là cơ sở để quan hệ giữa lao động Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng đi vào đào tạo những ngành nghề chuyên môn chất lượng cao, có năng suất, có thu nhập cao hơn.
Đối với lao động Việt Nam đang làm việc, học tập tại Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong họ sẽ tận dụng tốt cơ hội để trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm; học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của người dân Hàn Quốc.
Ông kỳ vọng khi trở về Việt Nam, những lao động này sẽ trở thành doanh nhân giỏi, người lao động có kỹ năng, công dân tiêu biểu, góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước cũng như mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Hàn Quốc.
Ngoài hoạt động chính tại Diễn đàn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tận dụng thời gian tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc và lãnh đạo Bộ Lao động nước này để thúc đẩy việc hợp tác.
Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam đang chuyển hướng sang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu đào tạo 50.000 lao động trong lĩnh vực chíp bán dẫn. Ngoài ra, các trường ở Việt Nam cũng đang tập trung vào đào tạo những ngành nghề mới nổi.
Bộ trưởng Lao động Việt Nam và Hàn Quốc tại cuộc gặp đã thống nhất sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác lao động, về cả chất lượng, quy mô và ngành nghề, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Hàn Quốc.
Đặc biệt, hai Bộ trưởng nhất trí sẽ thực hiện quyết liệt các chính sách và biện pháp để cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch của quá trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc, bao gồm cả việc áp dụng công nghệ thông tin hay biện pháp để giảm số người lao động hết hạn hợp đồng không về nước...
Ngoài lĩnh vực lao động, Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc cũng là minh chứng cho thấy mối quan hệ hai nước Việt - Nam thêm phần thắt chặt.
Hai nước nhất trí tăng cường hợp tác văn hóa, du lịch, giáo dục hướng tới mục tiêu giao lưu nhân dân giữa hai nước đạt 5 triệu người. Hàn Quốc sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đưa hợp tác văn hóa và du lịch Việt Nam - Hàn Quốc lên một tầm cao mới, tạo ra giá trị, tạo xung lực mới cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhằm học hỏi trao đổi kinh nghiệm từ phía các doanh nghiệp Hàn Quốc trong thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí ở Việt Nam phát triển, dựa trên bài học thành công của Hàn Quốc.
"Việt Nam có điều kiện tiếp cận với những kinh nghiệm quý của Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Hàn Quốc cũng nhận thấy tiềm năng, thế mạnh và dư địa Việt Nam có để tiếp tục hợp tác, phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", ông Hùng nhấn mạnh.
Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực mới có ý nghĩa chiến lược, như đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đúng như kỳ vọng mà Thủ tướng đã chia sẻ, rằng mối quan hệ Việt - Hàn sẽ "đơm hoa kết trái".