(Dân trí) - 9h, bà Nguyễn Thị Ngư xỏ đôi ủng, đội chiếc nón cũ đi kiểm tra từng mảnh vườn trồng rau của HTX. Bà nhẩm tính, vài ngày tới vườn rau mùi của bà thu hoạch được vàsẽ xuất khẩu sang châu Âu.
Năm 2025 kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), kể từ khi ra đời, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giành những thắng lợi to lớn, vẻ vang, tiến hành đổi mới, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng diễn ra đầu năm 2026 sẽ ghi một dấu son mới thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhân dân tin tưởng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng quang vinh, đất nước ta sẽ tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới, ghi dấu ấn xứng đáng trên bản đồ thế giới.
Để có được những thành tựu đó, mỗi cán bộ đảng viên cần phát huy vai trò nêu gương của mình trong cuộc sống, công việc hàng ngày, từ đó người dân thấy được và noi theo.
Bà Ngư năm nay 67 tuổi nhưng đã có 42 năm tuổi Đảng, bà là Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Tùng Anh với hơn 30 thành viên là những hộ gia đình trong thôn Đổng Xuyên, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Về xã Đặng Xá, nhắc đến tên bà Ngư trồng rau ai ai cũng đều biết đến người cán bộ, đảng viên nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Bà được xem là mẫu phụ nữ nghị lực, đảm đang, gương mẫu trong cuộc sống cũng như các phong trào của địa phương.
Bà Ngư vào Đảng ngày 14/4/1982, thời điểm đó bà là Bí thư chi đoàn thôn và đang học tại chức tại Đại học Nông nghiệp. Sau khi học xong, bà vẫn ấp ủ niềm đam mê từ nhỏ là trồng rau, bà lăn lộn khắp nơi để học và áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong sản xuất.
Năm 1995, biến cố xảy ra khi người chồng mất, bà một mình nuôi hai con nhỏ. Nén nỗi đau, bà tập trung làm việc, áp dụng thêm nhiều mô hình mới, kỹ thuật mới để trồng các loại rau.
"Mùa nào thức nấy", bà linh hoạt chuyển đổi các loại rau theo từng vụ mùa, rau của bà lúc nào cũng "cháy hàng", không đủ để bán.
"Tôi đam mê trồng rau từ nhỏ. Rau của Hợp tác xã nông sản sạch Tùng Anh ít khi bán ra chợ, không phải vì chê chợ mà toàn bộ đều đã được các đầu mối lớn đặt hàng, thu gom. Hợp tác xã có 30 thành viên đều khá giả, thu nhập tốt. Chúng tôi làm không đủ để bán", bà Ngư nói.
Tiếng lành đồn xa, những năm gần đây nhiều nhà phân phối lớn tìm đến bà đặt vấn đề xuất khẩu rau gia vị của bà đi nước ngoài, thị trường lớn nhất là Nhật Bản và một số nước châu Âu.
Ban đầu bà lo thị trường các nước khó tính với những tiêu chí, tiêu chuẩn khác với Việt Nam, nhưng sau khi vài lô xuất khẩu thành công, đến nay bà liên tục trồng các loại rau gia vị như mùi, răm, diếp cá, hẹ, sả, tía tô, kinh giới, hành hoa…
Theo bà Ngư, các sản phẩm này đều được bà bán và nhà phân phối xuất khẩu với giá thành cao nhưng luôn trong tình trạng "cháy hàng".
"Trồng rau là phải phun thuốc, nhưng phun thế nào và phun loại nào mới đáng nói. Tôi quan điểm, rau mình trồng mình phải chịu trách nhiệm đến lúc lên bàn ăn của người dân nên tôi luôn quán triệt các thành viên trong hợp tác xã phải làm thật cẩn thận, đúng tiêu chuẩn, tiêu chí, đảm bảo sạch.
Nhờ nguyên tắc này trong nhiều năm qua mới làm nên tên tuổi của hợp tác xã, xây được thương hiệu rất khó, giữ được thương hiệu càng khó hơn", bà Ngư chia sẻ.
Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho hàng chục hộ dân trong thôn, mỗi năm bà Ngư cũng thu lại vài trăm triệu đồng đến tỷ đồng từ việc trồng rau.
Có kinh nghiệm từ nhỏ và đã nắm vững các kỹ thuật mới, những năm qua bà Ngư đã giúp đỡ nhiều người dân trong làng cũng như ngoài xã mỗi khi cần.
"Có người phun thuốc sâu không hợp lý mà suýt mất cả vườn rau, khi tìm đến tôi nhờ giúp, tôi ra ruộng xem thì nhìn nhận ngay vấn đề. Chỉ cần phun một loại thuốc sinh học khác là giải quyết được vấn đề. Không tài giỏi gì nhưng bằng kinh nghiệm nên tôi nhìn nhận được", bà Ngư bộc bạch.
Bà cũng cho biết, bà học hỏi nhiều nơi, nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc sinh học không độc hại và để áp dụng đúng kỹ thuật, minh chứng là các lô rau gia vị xuất khẩu sang nhiều nước mà không bị trả hàng. Chính từ những mối quan hệ đó đã giúp bà rất nhiều trong sản xuất những năm qua.
Khi thấy bà Ngư làm ăn được, nhiều người trong thôn đến nhờ bà chỉ các kỹ thuật và cách làm, nhiều người đặt vấn đề mở hợp tác xã. Bà Ngư không những không giấu nghề mà còn tận tình giúp bà con từ khâu làm đơn xin mở hợp tác xã đến kỹ thuật trồng rau…
"Thôn Đổng Xuyên nhiều nhà khá giả đều nhờ nông nghiệp, người dân không phải bán đất mà giàu. Còn tôi, bản thân mình biết thì mình chia sẻ với bà con để khi bà con thành công thì góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn", bà Ngư tâm sự.
Bà Ngô Hồng Huệ, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Đặng Xá đánh giá, bà Ngư là người phụ nữ có sáng tạo, nhiệt tình, dám nghĩ dám làm, nhờ áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm vào sản xuất nên rau của hợp tác xã bao giờ cũng đạt năng suất cao nhất.
"Nhiều năm qua, bà Ngư đã vận động bà con trong thôn cùng sản xuất rau an toàn và bà cũng là người đã giới thiệu nơi tiêu thụ rau, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Thị trường tiêu thụ rau của bà Ngư ngày càng lớn, chất lượng rau an toàn được nhiều cơ quan xí nghiệp trên địa bàn đánh giá cao, nhiều lô hàng đã xuất khẩu sang các nước. Nhờ bà Ngư, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trong xã được lan tỏa sâu rộng", bà Huệ nói.
Bà cũng cho biết, xuất phát từ cuộc sống khó khăn, bà Ngư đã vượt lên, đến nay có cuộc sống khá giả nên bà rất cảm thông và chia sẻ với chị em có hoàn cảnh khó khăn. Bà Ngư là đảng viên, là cán bộ sản xuất, hội viên tiêu biểu. Bà không ngần ngại giúp các hội viên trong thôn về kiến thức, giống, vốn vay để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho gia đình, có nhiều hội viên khó khăn còn được bà giúp đỡ vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, bà Ngư còn vận động các hội viên đóng góp xây dựng thôn xóm như trồng hoa, xóa bỏ các điểm rác tồn đọng, tích cực ủng hộ các loại quỹ của địa phương như quỹ vì người nghèo, quỹ nhân đạo từ thiện, mái ấm tình thương, quỹ đồng hành cùng phụ nữ biên cương.
"Gia đình bà Ngư năm nào cũng đạt gia đình văn hóa tiêu biểu của thôn, xã. Bản thân bà Ngư hàng năm đều nhận được giấy khen của các cấp. Bà xứng đáng là tấm gương điển hình người tốt việc tốt của phụ nữ xã Đặng Xá trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp, trong phong trào phụ nữ và sản xuất kinh doanh giỏi cũng như phong trào xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu để bà con học tập", bà Huệ đánh giá.
Sau hơn 30 năm công tác trong quân đội, phục vụ tại nhà máy Z133, Tổng cục kỹ thuật đến năm 2010, Thiếu tá Lê Văn Như nghỉ hưu, về sống cùng gia đình tại quận Long Biên, Hà Nội.
Những ngày đầu mới rời quân ngũ, ông luôn trăn trở về việc điều kiện kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, con đang tuổi đi học.
"Về nghỉ hưu ở cái tuổi "chưa tới già", ngày ngày ngồi uống nước chè với các cụ từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối khiến tôi cảm thấy rất bức bối, khó chịu nên quyết tâm phải kiếm một công việc để phát triển kinh tế cũng như thoải mái về tinh thần, đam mê", ông tâm sự.
Còn sức khỏe, lại là thợ giỏi, tay nghề cao ngành cơ khí, ông quyết định đi làm thuê cho các xưởng cơ khí để nâng cao tay nghề về chuyên môn cũng như học hỏi thêm các kiến thức, đặc biệt về công tác quản lý, làm quen với cơ chế thị trường, bạn hàng, đối tác kinh doanh.
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, cũng như thuyết phục gia đình đến năm 2015, ông mạnh dạn đầu tư máy móc, thuê mặt bằng mở xưởng cơ khí "chính xác.
"Lúc đầu nhắc đến việc mở xưởng làm riêng vợ tôi một mực không đồng ý vì lo cho sức khỏe cũng như gia đình không đủ tiềm lực về kinh tế và sợ thất bại. Sau một thời gian dài thuyết phục, phân tích, thấy được quyết tâm của tôi nên bà xã mới nghe theo", ông chia sẻ.
Những ngày đầu mở xưởng, vợ chồng ông cùng bắt tay vào làm và thuê thêm 2 công nhân nhưng công việc gặp nhiều khó khăn do bạn hàng, đối tác ít nên không có nhiều đơn hàng.
Song với quyết tâm của người lính và "sợ" thất bại, ông đi khắp nơi để chào hàng, mở rộng thị trường. Với trình độ tay nghề cao, các mặt hàng tại xưởng của ông Như sản xuất đều đạt chất lượng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của khách hàng, kể cả những khách hàng khó tính nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Đối với những đơn hàng khó, thời gian hoàn thành gấp rút, xưởng mài cơ khí của ông vẫn luôn đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng đạt yêu cầu nên khách hàng hết sức tin tưởng.
"Lúc đầu vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng bây giờ đã ổn định, nhiều đối tác thân quen", ông phấn khởi nói. Với sự tin tưởng về chất lượng và niềm đam mê với máy móc, công nghệ hàng năm Đảng viên Lê Văn Như đều đầu tư thêm máy móc mới để hoàn chỉnh các công đoạn mài cơ khí.
Đến nay ông đã 65 tuổi và sau gần 10 năm đi vào hoạt động, xưởng mài cơ khí "chính xác" có đủ các loại máy như: Máy mài dụng cụ đa năng; máy mài tròn trong, ngoài; máy mài phẳng,...
Để đáp ứng yêu cầu của những khác hàng khó tính nhất, mới đây ông Như đã đầu tư máy cắt dây CNC được lập chương trình tự động bằng máy tính.
Xưởng hiện có gần 10 máy đang hoạt động với tổng số tiền đầu tư trên 2,5 tỷ đồng và thường xuyên có 6-7 thợ chính làm việc với mức lương từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.
Để các công nhân có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, ngoài sự cần cù, chịu khó còn phải ham học hỏi.
Nhiều năm qua, Thiếu tá Lê Văn Như miệt mài chỉ bảo cho các học trò và cũng là công nhân trong xưởng. Hầu hết các công nhân trong xưởng là bộ đội xuất ngũ.
"Công việc này rất đặc thù, đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối, chỉ cần một giây lát lơ là có thể phải đền hàng trị giá 3-4 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu vì sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài", Thiếu tá Lê Văn Như chia sẻ.
Trong gần 10 năm mở xưởng mài cơ khí, đã mang lại cho ông và gia đình nhiều niềm vui và có cả nỗi buồn. Vui là khi ký được những hợp đồng lớn với các đối tác nước ngoài, còn buồn khi ông mua phải những con máy có chất lượng thấp nhưng giá thành cao.
Ông tâm sự, đối với đặc thù của máy sản xuất bề ngoài có thể nhìn rất mới, đẹp nhưng chất lượng bên trong nhiều khi lại không đạt. Đơn cử như năm 2024, ông mua chiếc máy sản xuất nặng 3,5 tấn với giá trị 300 triệu đồng.
Song khi về dùng được một thời gian, máy không đáp ứng được yêu cầu để bàn giao đến tay khách hàng nên ông đành chấp nhận phải bán với giá "đồng nát" 10.000 đồng/kg, thiệt hại khoảng 260 triệu đồng.
Để có được thành công như ngày hôm nay, vợ ông là bà Bùi Thị An luôn đồng hành cùng chồng mọi lúc, mọi nơi. Bà vừa là hậu phương vững chắc cho chồng, đồng thời cũng là đồng nghiệp hỗ trợ cho xưởng cơ khí những khi nhiều đơn hàng, hàng gấp.
24 năm qua, ông Lê Văn Như là Đảng viên gương mẫu, Tổ trưởng tổ đảng nhiệt tình, tâm huyết; hội viên tích cực của Chi hội Cựu chiến binh tổ 31, phường Ngọc Thụy trong các hoạt động, phong trào thi đua, tham gia xây dựng Đảng, bảo vệ chính quyền.
Đặc biệt, trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, vợ chồng ông đã giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đảng viên Lê Văn Như luôn tâm niệm, người Việt Nam có tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách.
Trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh, người đảng viên gương mẫu trong học tập, lao động, sản xuất là những tấm gương hữu hiệu nhất để các đảng viên, quần chúng nhân dân nhìn vào học tập, làm theo.
Đặc biệt, người cán bộ, đảng viên, là những người ưu tú nhất trong nhân dân, lời nói phải đi đôi với việc làm để nêu gương cho người dân noi theo. Người đảng viên phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, cũng như trong cuộc sống hàng ngày, từ cơ quan, đơn vị đến gia đình và ở tại khu dân cư.
"Mỗi cán bộ, đảng viên đều nói đi đôi với làm, suy nghĩ, hành động vì lợi ích chung, vì hạnh phúc của nhân dân, sẽ làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", ông Ân nói.