DNews

Người dân TPHCM đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong màn mưa trắng xóa

Thư Trần Q.Huy

(Dân trí) - Trong màn mưa trắng xóa, từng dòng người vẫn tiếp bước hướng về Hội trường Thống Nhất để tiễn đưa vị lãnh đạo đáng kính về nơi an nghỉ cuối cùng.

Người dân TPHCM đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong màn mưa trắng xóa

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống một cuộc đời thủy chung, có trước có sau. Một vị lãnh đạo đã luôn thấu hiểu những bức xúc của nhân dân mà chiến đấu chống nội xâm đến giây phút cuối đời", Trung tá Nguyễn Đình Bật, cựu chiến binh Trường Sơn TPHCM, xúc động nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người cựu chiến binh này cùng hàng chục đồng đội khác đã có mặt tại Hội trường Thống Nhất, mong muốn được thắp nén hương vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần sau cùng.

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống một cuộc đời thủy chung"

Hôm nay, ông Nguyễn Đình Bật dậy sớm hơn mọi ngày, cẩn thận đính kết từng tấm huân, huy chương trên bộ lễ phục đã được ủi phẳng trước khi rời nhà.

Từng đi qua 4 cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, ông Bật bồi hồi chậm rãi nhích từng bước chân vào cánh cổng Hội trường Thống Nhất, nơi mà thế hệ người lính chiến trường như ông từng chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử không thể quên.

Thế nhưng lần trở lại này của ông và đồng đội rất khác, họ đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng tất cả nỗi niềm tiếc thương.

Người dân TPHCM đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong màn mưa trắng xóa - 1

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Bật xúc động giây phút chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Nam Anh).

Từ quận 12, vợ chồng ông Nguyễn Tống Đồn (79 tuổi), bà Trần Thị Liên (75 tuổi) cũng lọ mọ từ rạng sáng, bắt chuyến xe buýt sớm nhất đến Hội trường Thống Nhất để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bà Liên từng là nữ thanh niên xung phong, còn ông Đồn từng tham gia 3 cuộc chiến Quảng Trị, chiến trường miền Đông Nam Bộ, Hà Giang... Ông Đồn cũng là một trong những chiến sĩ tham gia đoàn quân tiến vào Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay) vào ngày 30/4/1975.

"Khi hay tin bác Trọng mất, tôi cũng như hàng chục triệu người dân khác sau sự đau xót là nỗi lo lý tưởng, hoài bão chống tham nhũng còn dang dở", ông Đồn bùi ngùi. 

Mặc trên người chiếc áo xanh cựu chiến binh, nửa cuộc đời gắn bó với chiến trường, ông Đồn khiêm tốn tự thấy bản thân chưa là gì so với sự giản dị, ưu tú của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người dân TPHCM đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong màn mưa trắng xóa - 2

Cựu chiến binh Nguyễn Tống Đồn (Ảnh: Nam Anh).

Với 5 người cháu còn nhỏ tuổi của ông Đồn, các cháu có thể chưa thể hiểu hết vì sao ông bà buồn bã đến vậy trước sự ra đi của bác Trọng.

"Tôi đã nói rằng bác Trọng là người lãnh đạo tuyệt vời, bác được cả nhân dân Việt Nam và thế giới kính trọng, khi bác mất đi ai cũng thương tiếc bác. Các cháu sau này phải tìm hiểu và học tập tấm gương ấy", ông Đồn thuật lại lời dặn dò những đứa trẻ. 

"Không lời nào ngoài niềm thương tiếc"

Với thế hệ trẻ, sự kính trọng, thương mến vị lãnh đạo đáng kính của đất nước được họ gói ghém, bộc bạch qua từng con chữ. 

Chị Lê Hương Thủy, chắt của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, chia sẻ bản thân thấy may mắn vì được tiếp xúc, trò chuyện và học hỏi từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vô vàn bài học hay, ý nghĩa. Đó là nguồn động lực lớn lao để thế hệ trẻ như chị tiếp tục chinh phục hoài bão, phấn đấu trong công việc lẫn cuộc sống.

"Thật may mắn hơn là cháu kịp tặng bác Trọng một quyển sách do chính tay cháu viết bằng tình cảm yêu quý nhất. Lời cuối, xin chúc bác Trọng an nghỉ và phù hộ cho đất nước luôn phát triển, đồng bào đoàn kết", chị Thủy viết trong sổ tang ở Hội trường Thống Nhất. 

Còn ông Trần Văn Kỳ viết ngắn gọn nhưng đong đầy tình cảm: "Vô cùng thương bác Trọng. Thưa bác, tôi chưa kịp trình thư lên bác, bác đã đi. Không một lời nào ngoài lời thương bác".

Ngày gần cuối tháng 7, những tia nắng yếu ớt cuối cùng cũng biến mất sau đám mây đen. Cơn mưa nặng hạt đang đổ dài từ Bắc vào Nam như muốn hòa cùng niềm tiếc thương với nhân dân cả nước. Trong màn mưa trắng xóa, từng dòng người vẫn tiếp bước hướng về Hội trường Thống Nhất để tiễn đưa vị lãnh tụ đáng kính về nơi an nghỉ cuối cùng.

Người dân TPHCM đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong màn mưa trắng xóa - 3
Người dân TPHCM đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong màn mưa trắng xóa - 4
Người dân TPHCM đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong màn mưa trắng xóa - 5

Người dân TPHCM chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ cửa kiểm soát an ninh Hội trường Thống Nhất (Ảnh: Hải Long, Nam Anh).

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra 7h-22h ngày 25/7 và 7h-12h30 ngày 26/7. Lễ truy điệu lúc 13h ngày 26/7.

Người dân và các đoàn đại biểu của các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, các đơn vị lực lượng vũ trang đến viếng có phân công trưởng đoàn, trang phục trang trọng, sẫm màu, nghiêm túc theo nghi thức Quốc tang.

Học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, công chức, người lao động mặc đồng phục theo trường, đơn vị.

Không mang theo vòng hoa, trái cây, nhang đèn. Cá nhân mang theo căn cước công dân, ứng dụng VNeID hoặc giấy tờ tùy thân khác để quét mã trước khi vào khu vực tang lễ.

Không mang theo túi xách, chỉ mang theo dải băng viếng tang (kích thước: dài 80cm x cao 15cm, màu đen, chữ trắng), có dòng chữ ghi tên đơn vị để gắn vào vòng hoa luân chuyển do ban tổ chức chuẩn bị. Các đoàn thu xếp đi xe chung để giảm áp lực giao thông.

Các đoàn viếng tang theo khung giờ nhất định. Trong đó, người dân đến viếng vào khung giờ 13h-22h ngày 25/7 và 7h-12h30 ngày 26/7.