(Dân trí) - Theo Đại tá Phạm Quang Huy, Nghị định 168 nâng mức xử lý vi phạm hành chính đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông…
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, tình hình trật tự an toàn giao thông trên cả nước đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giao thông đi vào nề nếp… Hình ảnh người dân xếp hàng chờ đèn tín hiệu giao thông, đi đúng làn đường tại các tuyến trọng điểm ngày càng phổ biến.
Để hiểu rõ hơn về kết quả bước đầu và những khó khăn, vướng mắc tác động đến việc thực hiện Nghị định 168/2024, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an).
- Ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt là Nghị định 168/2024).
Sau những ngày đầu thực hiện, nghị định này đã có những tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông, đồng thời qua đó cũng đã bộc lộ một số vướng mắc về thực trạng tổ chức giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông và quy hoạch hạ tầng.
Trong những năm qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt bằng nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng.
Qua đó, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã đạt được nhiều kết quả nhất định, tình hình trật tự, an toàn giao thông có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kiềm chế, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn từng bước được khắc phục, bảo đảm giao thông thông suốt và tuyệt đối an toàn cho các sự kiện quan trọng của quốc gia, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực trên chưa thực sự bền vững, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông có chuyển biến nhưng chưa căn bản, số trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn ở mức cao.
Tôi lấy ví dụ, từ năm 2020 tới 2024, cảnh sát giao thông cả nước đã xử phạt hơn 17 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; số vụ, số người chết do tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Cụ thể, từ năm 2020 đến 2024, cả nước xảy ra 96.473 vụ, làm chết 49.031 người, bị thương 67.505 người; tính trung bình mỗi năm có hơn 9.800 người chết.
Ngoài ra, giao thông hỗn hợp (ô tô, xe máy và xe thô sơ) cùng lưu thông trên đường, trong khi tổ chức giao thông, phân làn giao thông còn nhiều bất hợp lý; ùn tắc giao thông tại các thành phố, đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội vào các giờ cao điểm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân, gây bức xúc trong xã hội…
Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó, một trong những nguyên nhân chính là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn mang tính "tùy tiện" và "nhờn luật".
Do đó, việc tăng mức chế tài xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm, nguy cơ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng về người, hủy hoại kết cấu hạ tầng giao thông là điều cần thiết.
Nghị định 168/2024 ban hành nâng mức xử lý vi phạm hành chính với nhiều hành vi vi phạm, đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, của chủ phương tiện.
Các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng công an nhân dân thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đều xác định quan điểm rằng, việc nâng mức xử lý vi phạm hành chính để răn đe giáo dục một bộ phận nhỏ người dân tham giao thông ý thức chưa tốt.
Đồng thời khích lệ, động viên và bảo vệ đại đa số người tham gia giao thông, bảo vệ cái quý nhất là tính mạng, sức khỏe con người. Đã đến lúc cần phải thay đổi những thói quen xấu khi tham gia giao thông, làm méo mó hình ảnh văn minh đô thị, hình ảnh của đất nước.
Đối tác nước ngoài họ đánh giá thấp hoặc lo sợ khi đi ra đường cũng làm giảm nhu cầu đầu tư nước ngoài.
Tai nạn cướp đi nhiều nhân lực quý giá của đất nước; hệ lụy làm bao nhiêu người đang cống hiến cho xã hội lại trở thành người khuyết tật khiến bao gia đình phải chăm lo, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Mỗi người tham gia giao thông chỉ cần hình thành thói quen như tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, không vượt ẩu, không uống rượu bia thì sẽ giảm tai nạn giao thông, nâng cao chỉ số an toàn khi tham gia giao thông và luôn nhớ nhà là nơi để về…
- Sau 19 ngày thực hiện Nghị định 168/2024 (từ ngày 1/1 đến 19/1), lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 230.672 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, 17.902 trường hợp giấy phép lái xe bị trừ điểm.
Trong đó, vi phạm nồng độ cồn là hơn 46.800 trường hợp; hơn 3.700 trường hợp vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng; hơn 50.000 trường hợp vi phạm tốc độ; 432 trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; gần 4.100 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông.
So với thời gian trước liền kề, việc xử phạt đã giảm 18.122 trường hợp (giảm 7,3%).
Qua tổng hợp, đánh giá kết quả xử lý các vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường bộ cho thấy, số vi phạm đã giảm rõ rệt, đặc biệt là nhóm các vi phạm dễ dẫn tới tai nạn giao thông như không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông giảm 7,3%, vi phạm tốc độ giảm 28%, vi phạm nồng độ cồn giảm 13,5%, vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng xe giảm 34,5%.
Tình hình tai nạn giao thông cũng đã có chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông đường bộ giảm cả 3 tiêu chí.
Cụ thể, toàn quốc xảy ra 995 vụ, làm 534 người chết, 656 người bị thương; so với thời gian trước cùng kỳ, giảm 430 vụ (giảm 30,2%), giảm 32 người chết (giảm 5,6%), giảm 522 người bị thương (giảm 44,3%); so với thời gian trước liền kề giảm 231 vụ (giảm 18,8%), giảm 100 người chết (giảm 15,7%), giảm 164 người bị thương (giảm 20%)….
- Việc thực hiện Nghị định 168/2024 đã tác động mạnh đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, thay đổi được căn bản ý thức tuân thủ pháp luật, được nhiều người dân đánh giá tác động hiệu quả.
Tôi lấy ví dụ như việc quy định phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và việc cấm sử dụng, đốt pháo nổ những năm trước đây, hay thời gian qua, cảnh sát giao thông đã xử lý vi phạm nồng độ cồn, xử lý xe quá tải, cơi nới thùng thành… qua đó đã hình thành thói quen chấp hành pháp luật của người dân.
Nghị định 168 không chỉ tập trung vào việc xử phạt vi phạm, mà còn thể hiện tính nhân văn trong việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và an toàn của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là người già và trẻ em, như quy định nhường đường cho người đi bộ, quy định về việc sử dụng ghế ngồi an toàn cho trẻ em trong ô tô… Từ đó, góp phần xây dựng một xã hội an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, việc trừ điểm trên giấy phép lái xe đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp tục điều khiển phương tiện, khi có hành vi vi phạm giao thông mà chưa bị trừ hết điểm, đảm bảo cuộc sống hằng ngày, vừa tự quản lý, ý thức về số điểm còn lại để tham gia giao thông một cách chủ động, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, xã hội.
Thực tế cho thấy, từ ngày 1/1, có thể thấy rõ bộ mặt giao thông đã thay đổi nhiều theo chiều hướng tích cực, tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều… đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn.
Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát, đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân, từng bước hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông văn minh.
Chỉ có một số nơi đèn đỏ được rẽ phải nhưng dân cố tình không rẽ nên làm tắc luồng; một số phương tiện khi chuyển hướng cắt làn xe làm cản trở các làn khác.
- Hằng năm, thời điểm trước và sau Tết, do nhu cầu đi lại, giao thương của người dân so với ngày thường tăng rất cao, tạo áp lực rất lớn đối với hạ tầng giao thông, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc, nhất là tại các đô thị lớn luôn phức tạp, ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, phổ biến hơn. Không chỉ vào các khung giờ cao điểm mà còn vào các khung giờ khác trong ngày.
Trong số nhiều nguyên nhân được xác định, có thể đánh giá bởi các nguyên nhân sau:
Do nhu cầu vận tải hàng hóa, đi lại, sắm sửa thời điểm trước Tết Nguyên đán luôn tăng cao, người dân có xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô; đây cũng là quy luật hằng năm, thường xảy ra ùn ứ, ùn tắc giao thông trong những ngày giáp Tết.
Ngoài ra còn có sự gia tăng nhanh của phương tiện cơ giới cá nhân. Tôi lấy ví dụ, hiện cả nước có khoảng hơn 6,8 triệu ô tô và hơn 77 triệu xe mô tô, xe gắn máy; trong khi đó, năng lực và hiệu quả của hệ thống dịch vụ vận tải công cộng, cơ sở hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện cơ giới cá nhân.
Bên cạnh đó, việc thi công, cải tạo và nâng cấp đường trên các tuyến giao thông, nhất là trong khu vực đô thị thường diễn ra trong thời gian cuối năm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn ứ, ùn tắc giao thông.
Tiếp đó, trước đây khi chưa thực hiện Nghị định 168/2024, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa tốt, nhất là khi không có sự giám sát, điều hành giao thông của lực lượng chức năng, mỗi khi xảy ra ùn tắc, người đi xe mô tô, xe máy sẵn sàng leo lên vỉa hè để đi.
Người vi phạm tưởng là đi nhanh hơn, nhưng khi ở các chiều đường, người tham gia giao thông cùng lấn làn, không chấp hành đèn tín hiệu, đi ngược chiều… sẽ tạo ra nhiều luồng phương tiện đan xen, cài răng lược, ngoài nguy hiểm có khi còn ùn tắc hơn.
Nghị định 168/2024 ban hành, nâng mức xử lý vi phạm hành chính so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nhất là đối với các hành vi lấn làn, đè vạch, vượt đèn, lùi xe, đi ngược chiều… đã tác động mạnh đến nhận thức, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông do tâm lý lo sợ bị xử lý.
Tại các nút giao, người dân đã tuân thủ nghiêm chỉnh hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, xếp hàng trật tự, không còn tình trạng điều khiển phương tiện tùy tiện, dừng đỗ chen lấn vào các làn đường, chiều đường… nên tình trạng ùn ứ giao thông không kéo dài, chỉ xuất hiện cục bộ, sau từ 2 đến 3 nhịp đèn tín hiệu thì có thể lưu thông.
Việc ùn tắc giao thông tại các nút giao hiện nay giống tình trạng ở các nước tiên tiến hoặc các nước trong khu vực, như Thái Lan, tuy ùn tắc nhưng rất trật tự, không có tình trạng chen lấn, vượt đèn, đi ngược chiều… tại các nút giao.
Việc điều tiết, phân luồng giao thông để giải tỏa ùn tắc giao thông sẽ thuận tiện hơn rất nhiều; khách quốc tế đến Việt Nam đánh giá cao việc chấp hành của người dân và cho rằng nếu thực hiện tốt sẽ tiệm cận với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
- Nhìn chung, việc ban hành Nghị định 168/2024 đã được đa số dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ việc nâng mức xử lý vi phạm hành chính đối với những nhóm hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại kết cấu hạ tầng giao thông như không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; điều khiển xe đi trên vỉa hè, không có giấy phép lái xe, đi ngược chiều...
Việc nâng mức xử lý vi phạm hành chính nhằm nâng cao tính răn đe, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, từng bước nâng cao ý thức của mỗi người tham gia giao thông, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.
Tôi lấy một ví dụ, bà Angela Pratt, đại diện WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) tại Hà Nội đã hoan nghênh, đánh giá thành công của Việt Nam trong việc cải thiện an toàn giao thông, là đã áp dụng một cách tiếp cận toàn diện đối với các vấn đề như luật pháp, thực thi pháp luật, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn an toàn phương tiện…
Ngoài ra, báo chí trong nước và nước ngoài cũng đánh giá quyết tâm của Việt Nam trong thiết lập an toàn giao thông, khẳng định an toàn giao thông chính là một hình thức quảng cáo kêu gọi đầu tư nước ngoài, quảng bá du lịch, "giữ chân" khách du lịch và thúc đẩy khách du lịch quay trở lại Việt Nam.
Đối với các vấn đề còn một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trong thực tế, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, trong quá trình triển khai, cần vừa hướng dẫn, vừa tuyên truyền và xử lý, do đó người dân đánh giá cao việc Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kịp thời giải đáp các thắc mắc của dư luận liên quan đến Nghị định này.
Từ đó giúp cho người dân có thêm thông tin cần thiết để "an tâm hơn" khi tham gia giao thông.
Còn một số ý kiến đề xuất các giải pháp, cho rằng, cần có những chỉ dẫn bổ sung "đèn đỏ được rẽ phải" hoặc điều chỉnh chu kỳ đèn và tổ chức giao thông… Cục Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp ngành giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất thực hiện.
Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng đây là một quy định mới, tác động rất lớn đến người dân, nhất là việc nâng mức xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm, nên một số các đối tượng đã lợi dụng trang mạng xã hội rồi đưa những thông tin sai lệch, trái chiều.
Thậm chí, xuất hiện một số thông tin, dư luận kêu gọi phản đối Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (tại Điều 64 quy định thời gian lái xe của người lái ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động… những nội dung này đều kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008).
- Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông sẽ tham mưu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương, tập trung triển khai thực hiện nghiêm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành, qua đó tạo kỷ cương, thay đổi bộ mặt giao thông đường bộ trên cả nước, nhất là tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.
Đồng thời chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền về các quy định của Nghị định số 168/2024, để quần chúng nhân dân biết, chấp hành; phối hợp với ngành giao thông vận tải rà soát cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ (đèn tín hiệu giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, các điểm dừng đỗ…).
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng kiến nghị, khắc phục ngay những điểm bất hợp lý.
Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ nghiêm túc, quyết liệt trong xử lý vi phạm, với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"; đồng thời, cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và của Bộ Công an; ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm có hành vi chống đối, chống người thi hành công vụ.
Cục cảnh sát giao thông cũng sẽ tham mưu cho Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương rà soát, hoàn thiện yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông theo thẩm quyền.
Trong đó, tập trung rà soát, khắc phục, tổ chức các hệ thống báo hiệu đường bộ hợp lý, cắm bổ sung biển báo hướng dẫn; kẻ vạch phân chia làn đường, phần đường, sửa chữa, khắc phục hệ thống đèn tín hiệu giao thông, khôi phục hoặc mở rộng hệ thống đồng hồ đếm ngược tín hiệu đèn.
Xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông tổng thể thành phố, đô thị lớn; tránh tình trạng "giải quyết chỗ này, phát sinh chỗ khác". Xử lý trật tự đô thị, lấn chiếm lòng, lề đường, trông giữ xe trái phép gây cản trở, ùn tắc giao thông.
Ngoài ra, Cục Cảnh sát giao thông cũng tăng cường hiện đại hóa lực lượng cảnh sát giao thông, kết nối dữ liệu với Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành, đáp ứng vai trò quản lý trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới, nghiên cứu giảm các thủ tục hành chính và tạo điều kiện để người dân được giải quyết thuận tiện nhất.
Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2022-2025, tập trung vào các vấn đề sau:
Thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ.
Riêng đối với Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, TPHCM cần tập trung thực hiện phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị, tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.
Xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông, và ô nhiễm môi trường để hạn chế phương tiện cơ giới đi vào.
Và cuối cùng là tăng cường quản lý lòng đường, vỉa hè dành cho người đi bộ; việc phê duyệt đầu tư xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại phải phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông.
Đất nước đang trong thời kỳ đổi mới. Tôi nhớ Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nói, đây là kỷ nguyên Việt Nam vươn mình sánh bước với cộng đồng quốc tế.
Để làm được như vậy thì dứt khoát phải thay đổi tư duy, thay đổi văn hóa bên trong đất nước, làm cho văn hóa giao thông, văn hóa nơi cộng cộng, văn hóa làm việc, văn hóa ẩm thực và các văn hóa khác cùng được hoàn thiện và có sức sống mãnh liệt, xứng tầm giao lưu và hợp tác quốc tế.
Qua văn hóa giao thông, cũng góp một phần sức mạnh làm lên tinh thần Việt Nam đoàn kết, hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên mới.
Xin cảm ơn Đại tá!