"Ma trận" kẹt xe ở ngã tư Hàng Xanh giờ tan tầm
(Dân trí) - "Hầu như ngày nào tôi đi làm về cũng bị kẹt xe tại khu vực ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TPHCM), 6km đường cứ ngỡ gần nhưng phải mất gần 1 giờ tôi mới về đến nhà", anh Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.
17h30 ngày gần cuối tháng 10, anh Nguyễn Hoàng Long (27 tuổi, quê Quảng Ngãi) lái xe máy rời công ty trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) về phòng trọ ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) sau một ngày làm việc.
Ra khỏi văn phòng, anh Long lái xe máy chầm chậm 10-15km/h trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Xô Viết Nghệ Tĩnh trong lúc phương tiện ken đặc di chuyển.
Khép lại một ngày, người đàn ông này cũng muốn "chọn một niềm vui", nhưng khi xe chạy tới ngã 4 Hàng Xanh, anh Long bắt đầu thở dài, mệt mỏi, ngáp ngắn dài trước tình cảnh kẹt xe tứ bề. Chưa kể vào những hôm trời mưa, dòng xe chật cứng, quãng đường về nhà của anh Long dài hơn 6km nhưng mất gần một giờ di chuyển.
Nhích từng chút
Nam nhân viên văn phòng như hàng nghìn người khác, hòa vào ma trận kẹt xe. Nhích xe được vài mét, anh Long phải dừng lại chờ các xe phía trước di chuyển để tìm khoảng trống chen vào.
Ngoài ô tô con và xe máy, trước mặt anh còn có 5 chiếc xe buýt nối đuôi nhích chậm chạp ra vào bến đón khách, tạo cảnh hỗn loạn trên con đường một chiều có 3 làn. Hàng nghìn người như nghẹt thở với khí thải xe máy, ô tô và khói nướng thịt của tiệm cơm tấm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh tỏa ra.
Đến khu vực cầu Sơn, dòng phương tiện phải dừng lại vài phút vì một số xe máy từ hẻm 451 Xô Viết Nghệ Tĩnh chạy cắt ngang đường vào D5, phường 25, quận Bình Thạnh.
Xe anh Long tiếp tục nhích từng chút đến khu vực ngã 5 Đài Liệt Sĩ và thoát nhanh về hướng quốc lộ 13 vì nơi này đang có 3 cán bộ CSGT và 2 thanh niên xung phong phân luồng. Anh Long tốn gần 30 phút mới qua được quãng đường 1km từ ngã tư Hàng Xanh đến quốc lộ 13.
Anh Long cho rằng đoạn đường trên không phải nút thắt cổ chai như mọi người thường nói, vì có đến 3 làn cho các phương tiện lưu thông một chiều. Nguyên nhân kẹt xe do lượng phương tiện đổ về quá lớn cùng một thời điểm. Các xe phải dừng đèn đỏ tại giao lộ Nguyễn Xí - quốc lộ 13 - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm, không thoát nhanh khỏi khu vực gây ùn tắc.
"Hầu như ngày nào tôi đi làm về cũng bị kẹt xe tại khu vực ngã tư Hàng Xanh. 6km đường cứ ngỡ gần nhưng phải mất gần 1 giờ tôi mới về đến nhà. Những hôm mưa lớn, ùn tắc tại khu vực còn nghiêm trọng hơn. Không chỉ đường lớn, các đường nhánh nhỏ, hẻm cũng kẹt cứng", anh Long nói.
Chung cảnh kẹt xe chiều tối cùng ngày ở khu Hàng Xanh, chị Thu Hà (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) lại chọn cho mình một hướng đi khác.
Mất hơn 5 phút để nhích xe từng chút từ cầu vượt Hàng Xanh qua khỏi đầu đường Bạch Đằng, chị lái xe máy rẽ vào hẻm 356 Xô Viết Nghệ Tĩnh về đường Nguyễn Gia Trí mong tìm được lối về nhà nhanh hơn.
Tuy nhiên, con hẻm rộng gần 3m này cũng kẹt cứng bởi hàng chục xe máy xếp thành 2 hàng nhích từng chút. Chị quay đầu xe không được, tiến lên cũng không xong. Loay hoay trong hẻm nhỏ hơn 30 phút, chị mới thoát xe ra đường Nguyễn Gia Trí, Ung Văn Khiêm để theo quốc lộ 13 về nhà.
Theo chị Hà, tình trạng kẹt xe cũng xảy ra vào buổi sáng trên đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn từ cầu Bình Triệu đến Bạch Đằng. Lượng xe từ các đường Phạm Văn Đồng, quốc lộ 13, Chu Văn An… đổ về khiến đường Đinh Bộ Lĩnh quá tải.
"Tôi ở TP Thủ Đức đi làm tại quận 3. Tôi đi làm rất sớm nhưng nhiều hôm phải chịu cảnh kẹt xe trên đường Đinh Bộ Lĩnh, trễ giờ làm. Đoạn kẹt xe nặng nhất là giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng, do nơi này là ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, xe phải xếp hàng chờ lần lượt đi qua", chị Hà chia sẻ.
Kẹt xe mỗi ngày
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, không chỉ hướng giao thông ngã tư Hàng Xanh về Bến xe Miền Đông ùn tắc nghiêm trọng, phía đường Ung Văn Khiêm đến ngã 5 Đài Liệt Sĩ cũng trong tình trạng tương tự.
Đường Ung Văn Khiêm hướng về quốc lộ 13 chia hai làn xe lưu thông ngược chiều. Để giảm áp lực cho đường, lực lượng chức năng cấm ô tô chạy ở chiều hướng cầu Sài Gòn về quốc lộ 13. Tuy nhiên, xe máy quá đông khiến tuyến đường thường xuyên chịu cảnh ùn tắc vào giờ cao điểm (17h30 đến hơn 19h).
Lúc 18h15 ngày 22/10, hàng nghìn xe máy nhích từng chút gần 2km trên đường Ung Văn Khiêm vì không thoát nhanh qua giao lộ Nguyễn Gia Trí. Đèn đỏ tại giao lộ này 77 giây, trong khi đèn xanh chỉ 65 giây.
Nhiều xe máy lấn gần hết làn đường ngược lại gây ùn tắc cả hai hướng. Bảo vệ dân phố và dân quân tự vệ phường 25 (quận Bình Thạnh) phải tích cực phân luồng, hướng dẫn mọi người đi đúng quy định.
Đang nhích xe từng chút trên đường, anh Tấn Đạt (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết, kẹt xe trên đường Ung Văn Khiêm mỗi ngày không có gì lạ vì làn đường hẹp, xe quá đông.
Khu vực các tuyến đường Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Xí, Nguyễn Gia Trí… mỗi buổi chiều thường trở thành ma trận kẹt xe. Những ngày mưa lớn ngập đường, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng hơn.
"Khu vực này hầu như này nào cũng kẹt xe. Khi đường lớn ùn tắc, mọi người lái xe vào các hẻm nhỏ tìm lối thoát nhưng cũng kẹt cứng. Công việc mỗi ngày ở công ty đã áp lực, lúc về phải chịu cảnh ùn tắc giao thông, tôi rất mệt mỏi", anh Đạt chia sẻ.
Theo anh Đạt, khu vực có hai hướng giao thông chính từ trung tâm TPHCM dẫn về quốc lộ 13 là Ung Văn Khiêm và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Lượng xe quá đông nên việc ùn ứ là khó tránh khỏi. Anh hy vọng lực lượng chức năng luôn túc trực ở các giao lộ phân luồng, tránh để phương tiện xung đột.
"Nếu xe xung đột tại một giao lộ, ùn tắc sẽ lan sang các đường khác", anh Đạt nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một cán bộ thuộc Đội CSGT Hàng Xanh (Phòng PC08) cho biết, vào buổi chiều, mỗi giao lộ tại khu vực luôn có ít nhất 2 cán bộ CSGT túc trực phân luồng để xe thoát nhanh về hướng TP Thủ Đức.
Đồng thời, lực lượng bảo vệ dân phố, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ các phường cũng tham gia hỗ trợ điều tiết giao thông tại các hẻm nhỏ. Tùy tình hình, lực lượng tham gia hỗ trợ sẽ điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông, hướng nào xe đông sẽ ưu tiên bật đèn xanh lâu hơn.
"Các đường Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh có nhiều nhánh nhỏ, mỗi lần các phương tiện ra vào các hẻm này thường gây gián đoạn giao thông, góp phần ùn ứ. Đồng thời, lượng xe lưu thông qua khu vực quá lớn, các đường trở nên quá tải", cán bộ này chia sẻ.