Lập sở chỉ huy, xuyên đêm tiếp tế lương thực vùng rốn lũ TP Yên Bái
(Dân trí) - Sau gần 3 ngày bị ngập nặng do mưa lũ, phường Hồng Hà (TP Yên Bái) vẫn chìm trong biển nước. Chính quyền đã lập sở chỉ huy, xuyên đêm tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.
Bắt đầu từ chiều 8/9, nước lũ sông Hồng dâng cao khiến các xã, phường ven sông bị ngập sâu, trong đó, phường Hồng Hà (TP Yên Bái), đường Thanh Niên là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của mưa lũ. Tại phường Hồng Hà, có điểm ngập sâu nhất khoảng 4m, nhấn chìm nhà dân, nhiều người "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Trong những ngày qua, toàn bộ khu vực ngập lũ ở phường Hồng Hà bị cắt điện, nước và mạng, nhờ người nhắn giúp là cách người dân vùng lũ nơi đây áp dụng để trao đổi với nhau.
Xuyên đêm tiếp tế, cứu trợ người dân vùng rốn lũ
23h ngày 10/9, chiếc áo blu mà chị Nghiêm Thị Lan Anh, cán bộ trạm y tế phường Hồng Hà cùng với 2 đồng nghiệp khác đang mặc ướt đẫm mồ hôi bởi họ liên tục luân phiên nhau chuyển đồ cứu trợ cho lực lượng chức năng, di chuyển vào khu vực rốn lũ.
Đầu đường Nguyễn Thái Học (đoạn cầu Yên Bái hướng Sân vận động tỉnh Yên Bái), nhà chức trách lập sở chỉ huy, tiếp nhận đồ cứu tế, tàu thuyền, để cứu trợ người dân trong vùng rốn lũ.
"Trạm y tế có 5 nữ cán bộ, nhưng thời điểm ban đầu chỉ có 2 người tham gia công tác hỗ trợ, ứng cứu người dân, bởi có 3 tới 3 cán bộ nhà nằm trong vùng ngập lụt sâu của phường. Một nữ cán bộ sau đó thoát được ra ngoài, người này liền tham gia luôn công tác cứu trợ, tiếp tế người dân tại sở chỉ huy", chị Lan Anh nói.
Cũng theo nữ cán bộ y tế, công việc hàng ngày của họ là hỗ trợ về sức khỏe và tiếp tế lương thực cho người dân trong vùng lũ. Ai có nhu cầu trợ giúp thì sẽ được hỗ trợ ngay.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đêm 10/9, tại khu vực đầu đường Nguyễn Thái Học, hàng chục chiếc ô tô chở theo đồ tiếp tế từ khắp các địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc… tập trung tại khu vực sở chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để tiếp tế các nhu yếu phẩm, thuyền hơi, trợ giúp bà con vùng rốn lũ.
Hối hả bê đồ cứu trợ xuống lán tiếp tế phường Hồng Hà, anh Chu Đức Trung (26 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, nhận được tin người dân Yên Bái đang gặp khó khăn do mưa bão, đoàn cứu trợ của anh lên kế hoạch và tập hợp 14 chiếc xe bán tải chở đồ cứu trợ đi từ Hà Nội lên Yên Bái ngay trong đêm.
"Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lúc 21h cùng ngày, khi lên tới đây, cảnh tượng ngập lụt khiến nhiều người không khỏi xót xa. Đồ cứu trợ của chúng tôi gồm có lương thực, là những đồ có thể ăn, uống ngay. Ngoài ra, một tốp khác chở cả thuyền hơi để giúp vận chuyển đồ tiếp tế vào trong vùng ngập lụt", anh Trung chia sẻ.
Tình người trong cơn bão
Trong những ngày qua, anh Đoàn Kiều Dũng (49 tuổi, ở Hà Nội), cùng các cộng sự của mình đã không ngừng tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, và tiếp tế lương thực cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Ngày 10/9, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại TP Thái Nguyên, anh Dũng và đội của mình lập tức có mặt tại TP Yên Bái, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ, để tiếp tục công việc cứu trợ. Ba chiếc thuyền hơi của đội cứu hộ đã hoạt động không ngừng nghỉ, liên tục vận chuyển các nhu yếu phẩm đến những khu vực bị cô lập.
Anh Dũng chia sẻ, mặc dù nước lũ tại Thái Nguyên dâng cao, nhưng dòng nước tại Yên Bái mới thực sự nguy hiểm. Chuyến đầu tiên của đội bắt đầu vào lúc 17h ngày 10/9 và phải mất hơn ba giờ đồng hồ mới hoàn thành do dòng nước quá siết.
Lúc 21h cùng ngày, đội của anh Dũng triển khai thêm một chiếc thuyền thứ hai để vận chuyển lương thực, nước uống đến người dân tại phường Hồng Hà.
Theo anh, mặc dù nhìn từ bên ngoài phường Hồng Hà có vẻ yên bình, nhưng chỉ cần đi sâu vào khoảng 50 mét, dòng nước đã trở nên rất mạnh và nguy hiểm. Nước lũ đã ngập sâu, khiến nhiều ngôi nhà gần như bị nhấn chìm hoàn toàn tại tầng 1. Khi tiến vào các khu vực này, đội cứu hộ phải cẩn thận để tránh va phải dây điện và giữ chắc tay chèo để không bị cuốn ra sông.
Anh Dũng chia sẻ thêm, nếu không có kinh nghiệm, việc điều khiển thuyền ngược dòng rất dễ gặp nguy hiểm, thậm chí là lật thuyền. Với ưu tiên hàng đầu là vận chuyển nhu yếu phẩm, mỗi chuyến thuyền chỉ chở theo hai người. Mỗi chuyến có thể mang theo khoảng 200 suất đồ ăn.
Ngoài việc tiếp tế, đội cứu hộ cũng sẵn sàng đưa người dân gặp nguy hiểm ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Anh Dũng cho biết, hiện tại người dân trong vùng lũ đã cơ bản an toàn, và lượng lương thực hiện có, đủ cho người dân duy trì trong vài ngày tới. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có phương án hỗ trợ sau lũ để tránh tình trạng thiếu thốn hoặc dư thừa.
Anh Dũng cũng bày tỏ sự xúc động khi thấy tinh thần của người dân trong vùng lũ vẫn rất kiên cường, đồng thời họ cũng rất cảm kích trước tình cảm và sự hỗ trợ của đồng bào cả nước trong những ngày khó khăn này.
Ngày 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh, sau khi ghi nhận 28 người chết và mất tích do mưa lũ.
Đến trưa 10/9, TP Yên Bái và nhiều địa phương ở tỉnh Yên Bái vẫn đang chìm trong biển nước, một số phường, xã bị cô lập không thể liên lạc, giao thông bị chia cắt.
Bước đầu, tỉnh Yên Bái thống kê thiệt hại về nhà ở khoảng 13.558 nhà, trong đó 40 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 2.337 nhà phải di dời người và tài sản để bảo đảm an toàn; nhiều nhà bị tốc mái. 10.399 nhà bị ngập nước, trong đó 7.934 nhà ở thành phố Yên Bái.