DMagazine

Ký ức ám ảnh và cuộc tuyển dụng “ăn xin” từ những môi giới!

(Dân trí) - Người già, trẻ nhỏ, những người khuyết tật… sẽ là đối tượng được “ưu tiên” tuyển dụng hàng đầu. Mức lương và thu nhập sẽ được các đối tượng thỏa thuận trực tiếp với người nhà hoặc chính bản thân người được thuê.

Ký ức ám ảnh và cuộc tuyển dụng “ăn xin” từ những môi giới!

Người già, trẻ nhỏ, những người khuyết tật… sẽ là đối tượng được “ưu tiên” tuyển dụng hàng đầu. Mức lương và thu nhập sẽ được các đối tượng thỏa thuận trực tiếp với người nhà hoặc chính bản thân người được thuê. Đôi khi họ sẽ được trả lương cố định theo tháng với các mức khác nhau từ: 3, 5, 7 triệu/ người hoặc là “ăn chia” phần trăm theo tỷ lệ bán hàng và số tiền xin được mỗi ngày.

Ký ức ám ảnh và cuộc tuyển dụng “ăn xin” từ những môi giới! - 1

Một buổi chiều cuối năm 2019, Trang (quê Thanh Hóa, sinh năm 2008) cầm chiếc giỏ nhựa đựng kẹo cao su, tăm bông theo chân “ông chủ” và 2, 3 đứa trẻ khác đi xe máy đến ngã tư Cổ Linh (Long Biên, Hà Nội) xin tiền người đi đường.

Khi chiếc đèn đỏ vừa bật sáng, Trang cùng lũ trẻ vội chạy ùa ra, tay cầm từng gói tăm bông, len lỏi giữa dòng xe cộ đông đúc, mời chào người đi đường. Một vài người từ chối, khẽ lắc đầu, xua tay ra hiệu đi chỗ khác, nhưng Trang và những người bạn của mình không bỏ cuộc. Cô bé đứng van lơn, chắp đôi tay trước ngực, giọng nài nỉ như sắp khóc.

“Chú ơi, mua cho con đi chú! Chú làm ơn, làm phúc mua cho con…”

Một phần vì cảm thông, một phần vì không muốn phiền phức, một người, rồi 2 người… rút ví, đặt những tờ tiền vào chiếc giỏ nhựa đeo trước ngực của những đứa trẻ. Cứ thế hành động xin tiền trên được lặp đi lặp lại thuần thục, nhanh nhẹn như một phản xạ mỗi khi đèn tín hiệu chuyển màu.

Ký ức ám ảnh và cuộc tuyển dụng “ăn xin” từ những môi giới! - 2

12 tuổi nhưng Trang trông nhỏ thó chỉ như đứa trẻ lên 5. Cô bé có nước da đen sạm, mái tóc cắt tém như con trai, khuôn mặt và tay chân chi chít những vết sẹo. Không có bố, mẹ cũng không được minh mẫn, nên từ 1- 2 tuổi, Trang đã được “ông chủ” trên Hà Nội “thuê” đi bán hàng rong. Tuổi thơ của em không phải là những tháng ngày đến lớp, đến trường, vui chơi như các bạn cùng trang lứa. Trang được “đào tạo” để trở thành một ăn xin “chuyên nghiệp”!

“Mẹ con nói nhà mình nghèo nên phải đi ăn xin mới có tiền đi học. Mẹ cũng lên Hà Nội nhưng bán ở chỗ khác, còn con thì đi bán thuê cho ông chủ. Mỗi tháng, ông chủ trả lương thì đưa cho mẹ, con được nuôi ăn…”, Trang ngập ngừng kể.

Trang không biết tên ông chủ của mình là ai, có lúc cô bé được dặn phải gọi là “bố”, lúc thì gọi là “ông”, khi thì lại là “cậu”. Trang ở cùng khoảng 5-6 đứa trẻ trạc tuổi trong một căn phòng trọ mà em mô tả là luôn “đóng kín” và nằm sâu trong ngóc nghách nhỏ rất khó tìm.

Cứ khoảng 9 giờ sáng, một người xe ôm lại đến đón cô bé và những đứa trẻ khác đến các địa điểm đã chỉ định sẵn để bán hàng. Trong khi Trang bán hàng, người “xe ôm” sẽ đứng gần đó giám sát và canh chừng, đề phòng nhóm khác đến cướp địa bàn hoặc bị công an phát hiện. Một ngày của những đứa trẻ bán hàng rong như Trang sẽ làm việc từ 9 giờ sáng đến khoảng 9 giờ tối.

Ký ức ám ảnh và cuộc tuyển dụng “ăn xin” từ những môi giới! - 3

Để “tiết kiệm” thời gian, bữa cơm của các em thường là đồ ăn hộp. Trang kể, có lúc em ăn mỳ tôm, lúc ăn bún hoặc ông chủ mua cơm hộp, tiện cái gì sẽ ăn cái đó. Đồ của mọi người đi đường cho như: kẹo, bánh, sữa… cũng phải nộp về cho ông chủ, nếu ai tự tiện ăn, bị phát hiện sẽ bị đánh đòn.

Mỗi ngày con phải bán được bao nhiều tiền hàng?

Con không biết, bán đến khi nào ông chủ bảo được thì thôi.

Ông chủ có dạy con cách để bán được nhiều hàng không?

Ông chủ không cho mặc quần áo đẹp, chỉ cho con mặc quần áo cũ thôi. Ông chủ bảo “Mày mặc như thế người ta mới thương”. Có lúc trời nắng, ông chủ cũng không cho con đội mũ nữa, rồi mưa thì bắt phải mặc áo mưa đứng ngoài đường. Sáng nào đi ra khỏi phòng trọ, ông chủ cũng dọa “Mày không bán được hàng, tao đánh chết mày”. Một vài chị còn phải “trả vờ” đi tập tễnh nữa, để bán được nhiều hàng, khỏi về bị ông chủ mắng.

Nếu không bán hết hàng, con có bị đánh không?

(Cúi gằm, mắt ngấn nước). Ông chủ hay đánh con, rồi tát cả con nữa. Đây, vết sẹo trên tay và trán con là do ông chủ đánh vì con không chịu đi bán hàng. Ông chủ hay chửi con là “đồ vô dụng, không biết làm gì”. Có lần trời mưa, con bị sốt xin nghỉ ở nhà nhưng ông chủ không cho. Ông nói: Mày mà không đi tao đánh chết mày. Hôm nào không bán được nhiều tiền về nhà cũng bị đánh, rồi không cho con ăn cơm với nhốt con trong nhà! Nói đến đây cô bé bật khóc. Trang bảo, 1 năm rồi em chưa được gặp mẹ…

Ký ức ám ảnh và cuộc tuyển dụng “ăn xin” từ những môi giới! - 4
Ký ức ám ảnh và cuộc tuyển dụng “ăn xin” từ những môi giới! - 5

Với các cán bộ tại Trung tâm bảo trợ XH Đông Anh 1, Trang cũng không phải là gương mặt xa lạ. Cách đây 3 năm, cô bé từng được Đội trật tự XH của Trung tâm tập trung về khi đang lang thang bán hàng rong và xin tiền ở Hà Nội.

“Cô bé ở trung tâm hơn 1 tháng mới có người thân đến đón. Người nhà sau đó cũng viết cam kết, chăm sóc bé chu đáo nhưng chỉ được một thời gian, Trang lại theo chân những nhóm người đi bán hàng rong, tăm bông…”, anh Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1985, đội trưởng Đội trật tự xã hội, Trung tâm bảo trợ XH 1 Đông Anh, Hà Nội) nói.

Những đứa trẻ được đào tạo để trở thành “ăn xin chuyên nghiệp” như Trang không phải hiếm. Luôn có các nhóm người “môi giới” đi tìm và “tuyển dụng” những trường hợp có ngoại hình đặc biệt, gia cảnh khó khăn để gia nhập vào đội quân ăn xin chuyên nghiệp gắn dưới mác là “bán hàng thuê”.

Ký ức ám ảnh và cuộc tuyển dụng “ăn xin” từ những môi giới! - 6

Người già, trẻ nhỏ, những người khuyết tật… sẽ là đối tượng được “ưu tiên” tuyển dụng hàng đầu. Mức lương và thu nhập sẽ được các đối tượng thỏa thuận trực tiếp với người nhà hoặc chính bản thân người được thuê. Đôi khi họ sẽ được trả lương cố định theo tháng với các mức khác nhau từ: 3, 5, 7 triệu/ người hoặc là “ăn chia” phần trăm theo tỷ lệ bán hàng và số tiền xin được mỗi ngày. Người nào càng có ngoại hình đặc biệt, gây chú ý, dễ lấy lòng thương cảm của mọi người như: dị tật, câm, điếc, què, cụt… càng được “săn đón”, lôi kéo về “đầu quân” với mức thu nhập hấp dẫn.

Để “hợp thức hóa” công việc và tránh các liên đới trách nhiệm, những bảo kê trong đường dây chăn dắt ăn xin thường sẽ chuẩn bị sẵn 1 bản “cam kết” viết tay đồng ý “tự nguyện theo ông A., bà B. lên Hà Nội làm thuê, bán hàng…”, rồi hai bên cùng ký hoặc điểm chỉ vào.

Những “lao động” được thuê có người không ý thức được công việc mình phải làm, nhưng ngược lại cũng có người tự nguyện đồng ý “bắt tay hợp tác” để cùng làm ăn.

Lê Thị Phượng (sinh năm 1986, quê Thanh Hóa) cũng là một “ăn xin chuyên nghiệp”, tham gia vào đường dây này qua các môi giới việc làm. Phượng có con trai bị tim bẩm sinh và tăng động, bản thân sức khỏe cũng kém nên không làm được việc nặng nhọc. Đang lúc “loay hoay” đi xin việc, Phượng được một người phụ nữ cùng làng tìm đến nhà rủ lên Hà Nội bán hàng thuê cho bà chủ.

“Ban đầu chị ấy nói, cho con trai lên đó làm thuê, được nuôi ăn, nuôi ở, công việc chỉ cần ngồi một chỗ, không vất vả gì, mỗi tháng lương là 2-3 triệu đồng. Em không yên tâm nên xin đi cùng. Hai mẹ con sau đó được bà chủ đồng ý trả lương cho 5 triệu đồng mỗi tháng với điều kiện là phải làm việc không có ngày nghỉ”, Phượng kể.

Ký ức ám ảnh và cuộc tuyển dụng “ăn xin” từ những môi giới! - 7

Khi mới lên Hà Nội, Phượng chỉ định làm vài tháng có “vốn” rồi về quê làm ăn nhưng sau đó, thấy công việc thu nhập tốt, lại không quá vất vả nên “gắn bó” được hơn 1 năm cho đến nay.

“Mỗi ngày em bán được khoảng 1 triệu tiền hàng và tiền mọi người đi đường cho. Thường hai mẹ con đứng bán ở khu vực Gia Lâm (Hà Nội) cũng có khi là khu bến xe nước Ngầm. Địa điểm đứng thường không cố định, di chuyển suốt, chỗ nào bán được nhiều hàng thì sẽ “đóng quân” ở đó lâu hơn”, Phượng nói. 

Phượng ở cùng với khoảng 7 người khác, chủ yếu là đồng hương Thanh Hóa, trong số này có cả người già, trẻ nhỏ và khuyết tật tay, chân. “Bà chủ” của cả nhóm sẽ lo ăn, ở và người đưa đón đến các địa điểm bán hàng. Lương tháng của Phượng và con trai là một khoản cố định, ngoài ra sẽ được thưởng thêm nếu “làm tốt”. Người phụ nữ này thừa nhận, bệnh tình của con trai dễ lấy lòng thương cảm của mọi người nên việc bán hàng khá thuận lợi.

“Cũng có tháng hai mẹ con được trả lương đến 7 triệu hoặc hơn”, Phượng cúi đầu lý nhí.

Người phụ nữ này kể, ở Hà Nội “ăn xin” cũng có địa bàn hoạt động, cơ quan chức năng cũng truy quét liên tục nên “không làm tự do được” mà phải tham gia vào các nhóm. “Ví dụ như, mình chỉ hoạt động ở Hoàng Mai thôi, sang Cầu Giấy là địa bàn của nhóm khác rồi. Với cả, nếu không có người đón đưa, cảnh giới thì dễ bị công an và cán bộ của Trung tâm Bảo trợ tập trung, truy quét lắm”, Phượng khẳng định.

Dù thừa nhận mang lại thu nhập tốt song Phượng cho hay, nghề “ăn xin” cũng không sung sướng gì vì thường xuyên bị “chủ” chửi bới hoặc đánh đập nếu làm không tốt. “Người ta bảo bọn em là đi ăn xin nhưng thực ra cũng chỉ đi làm thuê thôi. Ngày nào không bán được nhiều hàng về cũng bị đánh cho “bê xê lết”, chửi không ra gì cả, thậm chí còn bị “dọa” cho nghỉ việc”, Phượng nói.

Phượng và con trai được đưa về Trung tâm Bảo trợ XH 1 (Đông Anh) vào tháng 11 vừa qua, khi đang đứng “bán hàng và xin tiền” ở Hà Nội. Lần đó, Phượng bảo, do con trai khóc quá nên “chạy không kịp”, bị người trong nhóm bỏ lại phía sau. Hết 1 tháng tập trung Phượng sẽ được đưa về địa phương và phải ký cam kết “không được đi ăn xin nữa”. Tuy nhiên, nói đến đây Phượng cúi gằm mặt, ngập ngừng bảo “điều này cũng chưa chắc chắn bởi nếu ở nhà, cũng không làm gì ra được nhiều tiền đến thế”.

“50% những người ăn xin khi ra khỏi Trung tâm lại “tái trở lại con đường lang thang”, anh Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1985, đội trưởng Đội trật tự xã hội, Trung tâm bảo trợ XH 1 Đông Anh, Hà Nội) chua xót khẳng định.

Ký ức ám ảnh và cuộc tuyển dụng “ăn xin” từ những môi giới! - 8

Theo anh Hải, hầu hết những người ăn xin được đưa vào trung tâm đều không phải hoạt động tự phát mà nằm trong các nhóm, có đường dây bảo kê chuyên nghiệp. Nhiều trường hợp, sau khi được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội, quay về quê một thời gian lại trở lại con đường ăn xin.

“Nhiều người khi được đưa vào tập trung tại Trung tâm, thừa nhận nếu đi “ăn xin” tự phát thì rủi ro cao hơn, dễ bị phát hiện hơn. Trong khi nếu tham gia vào các tổ chức ăn xin thì sẽ có các lớp lang, hoạt động bài bản từ trên xuống dưới để đối phó với lực lượng chức năng.

Cụ thể, ngoài những người trực tiếp bán hàng, xin tiền của người đi đường, sẽ có những đối tượng làm nhiệm vụ đưa đón, cảnh giới… Thậm chí các đường dây ăn xin này còn cử người “túc trực”, đeo bám tại các trụ sở của lực lượng công an, cán bộ Trung tâm Bảo trợ XH. Khi thấy những chiếc xe ra quân, thu gom người ăn xin đến khu vực nào là bám theo và thông báo cho đồng bọn lẩn trốn…. Vì thế để đối phó với các nhóm người này không phải dễ dàng”, anh Hải nói.

Theo luật sư Đào Thị Lan Anh, Văn phòng luật sư Thiên Đức, hiện nay việc xử lý các đối tượng chăn dắt, bảo kê trong các đường dây ăn xin cũng chưa “đủ sức răn đe”. Bộ luật Hình sự chưa có quy định nào về việc xử lý hình sự đối với hành vi chăn dắt ăn xin mà hành vi này mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính.

Theo các quy định quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP, người nào ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, trong khi đó, người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi: tổ chức, ép buộc đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

“Với mức xử phạt hành chính như vậy là quá nhẹ, không đủ sứ răn đe bởi số tiền bị phạt so với số tiền thu được hàng ngày do việc chăn dắt ăn xin chênh lệch khá lớn. Vì vậy, cũng nên xây dựng chế tài để bảo vệ người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật… bị lợi dụng hoàn cảnh khó khăn để trục lợi” luật sư Lan Anh chia sẻ thêm.

Còn tiếp...

Ký ức ám ảnh và cuộc tuyển dụng “ăn xin” từ những môi giới! - 9

Bài viết: Hà Trang - Đỗ Quân

Thiết kế: Ngọc Diệp