(Dân trí) - Hình ảnh về vùng đất Bình Thuận "khô, khó, khổ" trước kia nay đã khác, khi những tuyến cao tốc mở ra tạo cho nơi đây sự phát triển đột phá, đặc biệt về du lịch.
Ấp ủ khát vọng "cất cánh" cho một nơi vốn gắn liền trong 3 chữ "khô - khó - khổ" được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, nhiều lần nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí.
Quy hoạch lại không gian du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, kinh nghiệm đầu tư các dự án du lịch, vui chơi, giải trí hấp dẫn; thúc đẩy phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo… là một trong những định hướng lớn Bình Thuận đang hướng tới, theo lời vị Bí thư Tỉnh ủy.
Trong những tháng đầu năm, khách du lịch ùn ùn đổ về Bình Thuận, đặc biệt sau khi cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây thông xe. Có thể nói, hạ tầng giao thông đã mở ra một cánh cửa mới cho sự phát triển của Bình Thuận. Vậy tỉnh sẽ khai thác lợi thế này như thế nào, thưa ông?
- Hai đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây là tuyến giao thông huyết mạch, có ý nghĩa rất quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, được người dân tỉnh Bình Thuận mong chờ từ bao lâu nay.
Hiệu quả của tuyến cao tốc được nhìn thấy khá rõ nét qua từng ngày. Riêng với du lịch, việc rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển về tỉnh (từ TPHCM về Phan Thiết chỉ còn 2,5 tiếng) đã thu hút một lượng lớn du khách đến Bình Thuận, góp phần thúc đẩy du lịch tăng trưởng mạnh.
Các lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, bất động sản, y tế, giáo dục, văn hóa… cũng sẽ phát triển theo khi điều kiện giao thông thuận lợi hơn.
Nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng của Bình Thuận khi có cao tốc đi qua, đặc biệt là ở vị trí tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ hướng ra biển của khu vực Nam Tây Nguyên.
Để nắm bắt cơ hội ấy, Bình Thuận đang thúc đẩy tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch, nhất là Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 1, Khu Công nghiệp Tân Đức và Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 2; quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghệ cao trong tầm nhìn dài hạn.
Trên lĩnh vực du lịch, tỉnh đang "định hình", quy hoạch lại không gian du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, kinh nghiệm, đầu tư các dự án du lịch, vui chơi, giải trí hấp dẫn, quy mô lớn để thu hút nhiều hơn du khách trong nước và quốc tế.
Tỉnh cũng sẽ đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối với 3 trục giao thông quan trọng (cao tốc - quốc lộ - đường ven biển), như: đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, đường Tân Minh - Sơn Mỹ, đường ĐT.711… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các công việc của tỉnh để Bộ GTVT sớm khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B kết nối Bình Thuận với các tỉnh khu vực Nam Tây Nguyên, thúc đẩy phát triển tam giác du lịch TPHCM - Đà Lạt - Phan Thiết.
Đặc biệt, dự kiến cuối năm nay hoặc chậm nhất đầu năm sau, tỉnh sẽ khởi công dự án Cảng hàng không Phan Thiết (hạng mục hàng không dân dụng); tiếp đến là Cảng tổng hợp Sơn Mỹ, giúp hoàn thiện đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ - đường biển - đường không để "mở cửa bầu trời", "mở hướng ra biển", đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Lâu nay, vùng đất Bình Thuận gắn liền với 3 chữ "khô, khó, khổ". Thời gian qua, tỉnh đã làm thế nào để biến những vùng đất hoang hóa, nhiều nắng, nhiều gió thành những vùng nông nghiệp trù phú và phát triển mạnh về năng lượng tái tạo?
- Bình Thuận được biết đến là vùng đất có lượng mưa thấp nhất nước, là nơi "đồng khô, cỏ cháy, nước chờ mong".
Để "trị hạn", qua từng nhiệm kỳ, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã vừa tranh thủ nguồn hỗ trợ của Trung ương, vừa tự lực cánh sinh, chắt chiu ngân sách, huy động thêm cả sức dân để đắp đập, xây hồ trữ nước, đào kênh, mương thủy lợi.
Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 209 công trình hồ chứa, đập dâng, trạm bơm và các kênh tiếp nước với tổng dung tích hơn 400 triệu m3, tổng chiều dài hệ thống kênh thủy lợi hơn 1.800 km, hơn cả quãng đường từ Bình Thuận ra địa đầu Móng Cái.
Hệ thống kênh thủy lợi "nối mạng" với nhau, kết nối các hồ chứa nước tạo ra sự linh hoạt của toàn hệ thống. Nhờ vậy, từ một tỉnh khô hạn, khả năng đáp ứng nước cho sản xuất nông nghiệp rất yếu, đến nay, Bình Thuận đã cơ bản chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất.
Nước chảy đến đâu, những cánh đồng lúa, hoa màu và nhất là những vườn thanh long phủ màu xanh trên vùng đất khô cằn đến đó. Những thửa ruộng vườn ngày xưa không đủ nuôi sống con người giờ đã giúp nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả, có người trở thành giàu có…
Có thể nói, việc giải quyết bài toán về nước đã tạo nên những đổi thay trên vùng đất khô cằn ở Bình Thuận, được xem là kỳ tích.
Bình Thuận cũng có nhiều nắng, nhiều gió. Tỉnh đã biến những bất lợi từ thiên nhiên này thành tiềm năng phát triển ngành năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, điện gió. Hiện nay, tỉnh đã có 36 nhà máy điện gió, điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt 1.407 MW vận hành thương mại.
Bên cạnh đó, có nhiều nhà đầu tư điện gió ngoài khơi đăng ký đầu tư vào Bình Thuận như dự án Thăng Long Wind của tập đoàn Enterprize Energy (3.400 MW, tổng vốn đầu tư 11,9 tỷ USD); dự án điện gió Tuy Phong của tập đoàn Orsted và T& T (4.600 MW, 15 tỷ USD); dự án điện gió AMI AC Bình Thuận của Công ty AMI AC Renewable (1.800 MW, 5 tỷ USD)…
Tỉnh đã và đang tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, mặt hồ, không gian biển để đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, góp phần đưa công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh trong thời gian tới.
Với những nỗ lực biến khó khăn, thách thức thành tiềm năng, lợi thế, khát vọng của địa phương trong tương lai là gì, thưa Bí thư?
- Trước kia, Bình Thuận chỉ được biết đến với bộn bề khó khăn, là nơi "khô, khó, khổ"; hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, thiếu đồng bộ; nguồn nhân lực thiếu thốn… Nhưng nay, với vị thế và tiềm lực mới, Bình Thuận được biết đến là tỉnh có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Chúng tôi có khát vọng đưa Bình Thuận phát triển mạnh mẽ, mạnh về kinh tế biển, năng lượng, du lịch; trở thành một cực tăng trưởng của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.
Khát vọng biến Bình Thuận thực sự là nơi đáng sống, người dân giàu có, hạnh phúc, là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho du khách cũng là điều chúng tôi hướng tới, để Bình Thuận tới đây sẽ là mảnh đất "xa là nhớ, chưa đến thì muốn đến, đến rồi muốn đến nữa, đến mãi", như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhắn nhủ trong Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận.
Nhìn lại quãng đường nửa nhiệm kỳ đã đi qua, đất nước phải đối diện quá nhiều khó khăn, thách thức từ bên trong và cả tác động bên ngoài. Theo ông, nửa cuối nhiệm kỳ địa phương cần tập trung vào những định hướng nào để góp phần hiện thực hóa mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đề ra, đó là đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao?
- Những năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức nên kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến nay đều thấp hơn Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Vì vậy, chặng đường còn lại, Bình Thuận phải cố gắng nhiều hơn, quyết tâm cao hơn, phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh hơn để bù đắp cho sự sụt giảm của những năm đầu nhiệm kỳ.
Trước hết, tỉnh sẽ thúc đẩy tăng trưởng ba trụ cột kinh tế, tạo "kiềng 3 chân" để phát triển một cách hài hòa, bền vững, là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp.
Đối với công nghiệp, tỉnh duy trì hiệu quả sản xuất của ngành điện. Hiện tại, tỉnh đang có 48 nhà máy công suất lắp đặt 6.794 MW đã phát điện thương mại, sản lượng năm 2022 đạt 24 tỷ kWh.
Chúng tôi tiếp tục triển khai các dự án Nhà máy điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch Điện VIII. Vừa rồi, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1,3 tỷ USD.
Đây là một trong những dự án kho cảng khí LNG lớn nhất Việt Nam để cung cấp khí LNG cho 2 dự án nhà máy điện khí là Sơn Mỹ 2 (đã được Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương đầu tư) và Sơn Mỹ 1 (đang đàm phán đầu tư), tổng công suất lắp đặt 4.500 MW, tạo thành tổ hợp điện khí lớn nhất Việt Nam.
Với việc Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, các dự án điện gió ngoài khơi cũng sẽ được chấp thuận đầu tư trong thời gian tới.
Bên cạnh ngành công nghiệp năng lượng, tỉnh cũng tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và phụ trợ, tiếp tục phát triển các cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
Với du lịch, Bình Thuận xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp để phục hồi ngành du lịch.
Tỉnh đã chủ động đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023 với hơn 200 hoạt động đa dạng, phong phú, tạo động lực cho ngành du lịch sớm phục hồi.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng định hướng các doanh nghiệp du lịch tái cơ cấu mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, khai thác các lợi thế nổi trội như những bãi biển, đồi cát đẹp; di tích lịch sử, văn hóa; khí hậu trong lành, nhiều nắng, nhiều gió để phát triển những sản phẩm du lịch khác biệt (như du lịch - thể thao biển, du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa…). Nhờ vậy, ngành du lịch Bình Thuận đã phục hồi nhanh và hiệu quả.
Với nông nghiệp còn nhiều dư địa đất đai, tỉnh tập trung phát triển theo hướng bền vững, hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tạo thành chuỗi giá trị: sản xuất, chế biến, tiêu thụ với các sản phẩm lợi thế (như thanh long, nước mắm, tôm giống, hải sản…); kết hợp du lịch và nông nghiệp.
Công tác cán bộ được nhận định là "then chốt của then chốt" nhưng nửa nhiệm kỳ qua, bên cạnh thực tế nhiều cán bộ bị kỷ luật, có một bộ phận không nhỏ cán bộ sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm. Địa phương có giải pháp gì để thúc đẩy cán bộ làm việc và tránh được bài học đau xót "vừa mất tài sản Nhà nước, vừa mất cán bộ"?
Thời gian gần đây, rất nhiều hội nghị, diễn đàn từ Trung ương đến địa phương đã thảo luận về vấn đề cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, làm chậm trễ công việc, gây bức xúc trong nhân dân. Đây cũng là lực cản quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, của địa phương nói riêng.
Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều đợt sinh hoạt để vừa chia sẻ, động viên, vừa nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Chúng tôi động viên mỗi cán bộ, công chức cần cố gắng thêm, mỗi người một chút, để cùng nhau vượt qua khó khăn. Chúng tôi cũng nói với anh em rằng, đối với bất kỳ công việc nào mà mình đặt lợi ích tập thể, lợi ích nhân dân lên trước hết để tham mưu thì rất khó xảy ra sai phạm.
Thậm chí, nếu trong quá trình tham mưu, có những nội dung công việc có sai sót nhưng cán bộ tham mưu có động cơ, mục đích trong sáng, vì lợi ích chung, không có tiêu cực, cũng sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét một cách hợp tình, hợp lý.
Đảng và nhân dân đã đặt trọng trách lên vai mình, mình phải gánh vác. Nếu không đủ tự tin, bản lĩnh thì "đứng sang một bên, nhường cho người khác làm". Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã mạnh dạn thay thế một số cán bộ lãnh đạo, quản lý không đảm đương được yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã phát động đợt sinh hoạt chính trị chủ đề "Giữ trọn lời thề đảng viên". Đây là dịp để tất cả đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh tự soi rọi lại lời tuyên thệ, lời hứa của mình khi được vinh dự kết nạp vào Đảng, khi được đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, từ đó phấn đấu vì sự nghiệp chung.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, địa phương quán triệt tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".
Năm 2022, sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tỉnh Bình Thuận đã tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,75% so với năm 2021.
Các lĩnh vực kinh tế - xã hội tăng trưởng đều, nhất là 3 trụ cột công nghiệp - du lịch - nông nghiệp. Đặc biệt, du lịch của tỉnh phục hồi rất ấn tượng, tổng lượng khách đến Bình Thuận đạt hơn 5,7 triệu lượt, doanh thu tăng gấp hơn 3,2 lần năm 2021.
Bước sang năm 2023, dù tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn, Bình Thuận vẫn giữ được đà tăng trưởng. GRDP của tỉnh tăng 7,76% (xếp thứ 11/63 địa phương).
Ngành du lịch của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đón gần 4,5 triệu lượt khách (tăng 86,36% so với cùng kỳ năm 2022); doanh thu đạt hơn 11.300 tỷ đồng (tăng 2,52 lần so với cùng kỳ năm 2022), xếp trong "top" những địa phương có số lượng du khách và doanh thu ngành du lịch cao nhất cả nước.
Ảnh: Chí Hùng - Ngọc Thắng