DMagazine

Khát vọng phát triển và "bí quyết" để cán bộ không còn sợ sai

(Dân trí) - "Quan trọng là cần cán bộ năng động đề xuất cơ chế, những người lãnh đạo cũng phải mạnh dạn quyết đáp để anh em bên dưới yên tâm làm việc", Bí thư Yên Bái nhấn mạnh việc sẵn sàng đứng ra giải trình.

Những ngày đầu tháng 6, trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, vui mừng chia sẻ về sự thăng hạng "chỉ số hạnh phúc" của địa phương này.

"Chỉ số hạnh phúc của Yên Bái hiện rất tốt, đạt 62,57%. Quyết định đưa chỉ số này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cùng với triết lý phát triển xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc là một quyết định đúng đắn", ông Duy nói.

Khát vọng phát triển và bí quyết để cán bộ không còn sợ sai - 1

Nhớ lại, cũng trong cuộc trò chuyện với phóng viên gần 3 năm trước, ông Đỗ Đức Duy rất say mê nói về điểm nhấn của Yên Bái khi đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh.

Lý giải về hướng đi tiên phong này, ông Duy cho rằng nếu đặt nặng vấn đề tăng trưởng và thu ngân sách, Yên Bái mãi là tỉnh khó khăn, mãi là tỉnh nghèo, có trình độ phát triển thấp. Bởi vậy, địa phương chọn hướng đi "làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc".

Khát vọng "tạo ra sự khác biệt" vì thế nhen nhóm trong ý tưởng xây dựng định hướng phát triển địa phương trong giai đoạn mới của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

Bí thư Đỗ Đức Duy cho biết trước khi quyết định áp dụng chỉ số này, tỉnh đã tham khảo kinh nghiệm của một tổ chức nghiên cứu kinh tế, xã hội ở Anh để "định lượng"  chỉ số hạnh phúc.

Theo đó, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đánh giá trên 3 tiêu chí: Sự hài lòng về cuộc sống (gồm sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất; về mối quan hệ với gia đình và xã hội; về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội; sự hài lòng về hoạt động của các cơ quan công quyền); đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện nay trên địa bàn tỉnh (gồm 3 mức 65 tuổi, 70 tuổi, 75 tuổi) và sự hài lòng về môi trường sống (gồm sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh).

Chỉ số hạnh phúc được tính bằng công thức: (Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống x Tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình) : Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống.

Khát vọng phát triển và bí quyết để cán bộ không còn sợ sai - 3

Để việc đánh giá mức độ hạnh phúc được cụ thể và chuẩn xác hơn, tỉnh đề nghị chia thành các mức độ hạnh phúc khác nhau, cụ thể: Khá hạnh phúc gồm 2 mức: Mức 1 (từ 50-60%); mức 2 (từ 61-70%). Hạnh phúc gồm 3 mức: Mức 1 (từ 71-80%); mức 2 (từ 81-90%); mức 3 (từ 91-100%). Dưới 50% là xếp vào mức độ Chưa hạnh phúc.

Sau khi điều tra xã hội học với các chỉ số của người dân trên địa bàn, Yên Bái xác định "chỉ số hạnh phúc" của người dân nơi đây là 53,3% - ở mức "Khá hạnh phúc mức 1".

Tỉnh phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng chỉ số hạnh phúc lên 15% - thành "Khá hạnh phúc mức 2". Như vậy, đến nay, Yên Bái đã "chạm đến mục tiêu" khi đưa chỉ số hạnh phúc của người dân đến mốc "khá hạnh phúc mức 2".

Để làm được những việc này, theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, quan trọng nhất, chính là công tác cán bộ.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc này, Bí thư Đỗ Đức Duy cho biết tỉnh rất chú trọng các khâu từ tìm nguồn cho đến quy hoạch, đào tạo cán bộ từ sớm, từ xa.

"Yên Bái có một đề án về xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ quản lý. Đề án này bắt đầu thực hiện từ năm 2018 với việc tuyển chọn cán bộ từ sớm, đào tạo rồi mới luân chuyển đi huyện, các sở ngành để cán bộ có kiến thức, kỹ năng, có phẩm chất đạo đức", ông Duy cho biết việc này đã có những kết quả bước đầu.

Khát vọng phát triển và bí quyết để cán bộ không còn sợ sai - 5

Theo quan điểm của địa phương, cán bộ trẻ phải được đưa đi cơ sở, xuống những nơi khó khăn để rèn luyện bản lĩnh. Ở Yên Bái, ông dẫn chứng việc đưa cán bộ về cấp huyện, đặt ra một "đầu bài" cho cán bộ đó là "xây dựng xong xã nông thôn mới thì quay về bố trí vị trí công tác cao hơn".

Thực tế, có cán bộ chỉ 1-2 năm đã hoàn thành chỉ tiêu, được bố trí công tác mới nên họ rất có động lực phấn đấu, theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Thông tin thêm về kết quả ban đầu của việc này, ông Duy cho biết từ 4.000 người trong đợt tuyển dụng đầu tiên, địa phương đã sàng lọc còn 2.000 người, sau đó qua các vòng tuyển chọn, đào tạo, cuối cùng chọn được 150 cán bộ đủ tiêu chuẩn.

"Đến nay đã có 20 cán bộ đã tốt nghiệp đề án, từ mục tiêu ban đầu chỉ là cán bộ cấp phòng, chuyên viên nhưng một số cán bộ có năng lực đã được bổ nhiệm, bầu vào các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Ví dụ ở cấp huyện là diện ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ở cấp tỉnh là trưởng, phó các sở, ngành", Bí thư Yên Bái cho hay.

Theo ông, kinh phí cho việc này không nhiều nhưng rõ ràng hiệu quả và ý nghĩa mang lại rất lớn.

Khát vọng phát triển và bí quyết để cán bộ không còn sợ sai - 7

 Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cụ thể hóa khát vọng hùng cường bằng những mục tiêu cụ thể như đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

"Làm thế nào đạt được mục tiêu đó thì mọi thứ còn ở phía trước, nhưng chuẩn bị con người là quan trọng nhất", Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, nói.

Theo ông, cốt lõi của cán bộ nên phải kỹ lưỡng từ khâu đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ.

"Ngoài hoàn thiện thể chế, tranh thủ tận dụng cơ hội hiện nay với Việt Nam như dân số vàng, vị thế đất nước được nâng cao, sự ủng hộ của quốc tế với Việt Nam và sức mạnh nội tại của nền kinh tế, chúng ta phải chú trọng xây dựng một lực lượng, có nguồn nhân lực có chất lượng cao để đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra", theo ông Hạ.

Khát vọng phát triển và bí quyết để cán bộ không còn sợ sai - 9

Ông cho rằng nếu để đến giai đoạn "nước rút" mới "đãi cát tìm vàng" thì sẽ thiếu nhân lực nên phải đi trước một bước trong chuẩn bị xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên".

Bên cạnh đó, phải tiếp tục có cơ chế để thu hút đầu tư, khai thác thế mạnh của Việt Nam trong tiếp nhận, chuyển giao những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất của thế giới mà không mất nhiều thời gian đi vào nghiêm cứu.

Khi nhắc đến thực trạng cán bộ không dám làm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ông Hạ muốn nói đến khía cạnh khác khi hệ thống pháp luật chưa được hoàn thiện.

"Nhiều người đặt vấn đề phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và coi giải pháp đó như cái phao để giải quyết câu chuyện đùn đẩy và né tránh trách nhiệm hiện nay, nhưng cái đó không phải căn cơ", theo ông Hạ, cần tìm ra nguyên nhân "Vì sao phải bảo vệ cán bộ", khi đó mới giải quyết được cái gốc của vấn đề.

Nếu vấn đề xuất phát từ quy định của pháp luật chưa rõ, ông Hạ cho rằng phải tích cực hoàn thiện thể chế pháp luật, hành lang pháp lý để cán bộ yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh lựa chọn con người cần đáp ứng yêu cầu, tránh chuyện "chỉ chọn người được làm việc mà bỏ người làm được việc". Ông Hạ nhìn nhận đó là cái họa, cái nguy đất nước.

"Khái quát lại, bên cạnh câu chuyện về lựa chọn con người, giải pháp về hoàn thiện thể chế, cũng phải có chính sách đãi ngộ để thu hút, giữ chân được cán bộ có năng lực, trình độ, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh những việc này phải làm ngay và làm đồng bộ.

TPHCM là một địa phương thời gian qua được nhắc đến như một điển hình của thực trạng cán bộ không dám làm vì sợ sai. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nói chuyện nay không phải chỉ của riêng thành phố, mà là vấn đề của cả nước. Đó là lý do nhiều đại biểu Quốc hội liên tục kiến nghị cần thể chế hóa pháp luật đồng bộ, kịp thời.

Khát vọng phát triển và bí quyết để cán bộ không còn sợ sai - 11

Với các địa phương có tính đặc thù như TPHCM, theo ông Ngân, cần có nghị quyết đặc thù với thể chế vượt trội. "Cán bộ dám nghĩ, dám nói ra, dám đề xuất rồi mà được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật thì chắc chắn sẽ giúp họ tự tin hơn, giải quyết công việc tốt hơn", theo ông Ngân.

Ở khía cạnh khác, vị đại biểu cho rằng "cán bộ sợ là tốt, không sợ mới lo". Bởi khi cán bộ biết sợ họ sẽ cẩn trọng hơn trong công việc. Dù vậy, sợ đến mức không dám làm gì, ông Ngân cho rằng cần mạnh dạn xử lý.

Theo vị đại biểu Quốc hội TPHCM, khi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để thực hiện quyết liệt, lòng dân rất hào hứng, người làm trong các cơ quan Nhà nước cũng có ý thức cẩn trọng hơn vì biết sai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Sau đó, khi Kết luận số 14 của Bộ Chính trị ra đời nhấn mạnh khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, ông Ngân cho rằng sẽ tạo động lực quan trọng giúp cán bộ tự tin hơn trong thực thi công vụ. Nhưng quan trọng hơn, cần thể chế hóa chủ trương này bằng các quy định cụ thể của pháp luật.

"Nếu cơ chế được luật hóa, cán bộ sẽ tự tin hơn, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân nhanh hơn, hiệu quả hơn", ông Ngân tái khẳng định.

Từ góc độ cụ thể của ngành y - một lĩnh vực đang có rất nhiều vướng mắc hiện nay, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy), ủng hộ đề xuất của đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Khát vọng phát triển và bí quyết để cán bộ không còn sợ sai - 13

"Chúng tôi đang rất cần một văn bản thể chế hóa, cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đặc biệt là những cán bộ quản lý trong ngành y tế như chúng tôi", ông Thức nhấn mạnh đang "cực kỳ mong mỏi" điều này.

Theo chia sẻ của đại biểu, những cán bộ ngành y tế hiện nay chỉ mong có một hành lang pháp lý đủ mạnh để mạnh dạn mua sắm, đấu thầu, phát triển chuyên môn, giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn.

Khát vọng phát triển và bí quyết để cán bộ không còn sợ sai - 15

 Nhìn câu chuyện "cán bộ sợ sai" từ góc độ của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nói chuyện này diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, song ông khẳng định "ở Yên Bái không có chuyện đó". Bởi lẽ theo ông, điều quan trọng nhất là người đứng đầu phải dám nghĩ, dám làm mới có thể thúc đẩy cán bộ các cấp ở địa phương mạnh dạn cống hiến vì lợi ích chung. "Nếu không làm, sẽ không thể có tăng trưởng", ông Duy nói và cho biết tăng trưởng của Yên Bái 3 tháng đầu năm đạt 6,06% - cao gần gấp đôi mức của cả nước.

Nhắc đến thực tế "cán bộ sợ sai", ông Duy cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết là do hệ thống pháp luật chưa thống nhất và đồng bộ giữa các bộ luật, thậm chí ngay trong một luật ở các giai đoạn khác nhau, chế độ chính sách cũng đã khác nhau. Việc này khiến cán bộ thực thi nhiều khi lúng túng khi áp dụng. Bên cạnh đó, có nguyên nhân do năng lực của một bộ phận cán bộ ở cơ sở,

Thứ hai nữa là cũng có trường hợp năng lực của anh em cán bộ cơ sở chưa nghiên cứu sâu, chưa nắm vững quy định của pháp luật cho nên khi có những quy định đủ  rồi, rõ rồi nhưng vẫn thấy băn khoăn, vẫn thấy vướng, vẫn hỏi cấp trên.

Khát vọng phát triển và bí quyết để cán bộ không còn sợ sai - 17

Đáng lưu ý, theo Bí thư Yên Bái, việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý nhiều cán bộ, tổ chức sai phạm cũng phần nào tạo ra tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Dù vậy, người đứng đầu Đảng bộ Yên Bái khẳng định quan trọng nhất vẫn là năng lực, bản lĩnh của cán bộ bởi làm đúng thì không có gì phải sợ.

"Tôi không biết các địa phương nào để so sánh, nhưng tinh thần của Yên Bái là bám sát chỉ đạo của Chính phủ và chúng tôi cũng nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, quá trình triển khai dự án phải luôn luôn thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc", theo lời ông Duy.

Ông dẫn chứng công tác giải phóng mặt bằng ở Yên Bái cũng rất vướng, nhưng tỉnh quyết định thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của cấp huyện và giao trách nhiệm đến từng cán bộ cụ thể để thực hiện.

Nhấn mạnh cần sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy, tổ chức đảng cho đến chính quyền và cán bộ ở cấp cơ sở, ông Duy cho rằng trong câu chuyện giải phóng mặt bằng dù quy định của pháp luật rất đầy đủ, chi tiết, nhưng không bao phủ được hết tất cả tình huống xảy ra trong thực tế.

Vì thế, để bảo đảm sự đồng thuận giữa người dân bị thu hồi đất, Nhà nước và chủ đầu tư, theo ông Duy, phải có sự vận dụng về cơ chế chính sách. Khi đó có những việc có thể đúng quy định của pháp luật, nhưng có những việc chỉ đúng một phần nên ở Yên Bái, Ban thường vụ Tỉnh ủy phải có những nghị quyết thể hiện đồng thuận để cấp chính quyền và cán bộ dưới cơ sở vận dụng chính sách đó.

Khát vọng phát triển và bí quyết để cán bộ không còn sợ sai - 19

Điều kiện tiên quyết, theo ông Duy, là không được làm trái quy định của Nhà nước, không được gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

"Một điều quan trọng nữa cần cán bộ năng động đề xuất cơ chế; cấp ủy, chính quyền và những người lãnh đạo cũng phải mạnh dạn quyết đáp để anh em bên dưới yên tâm làm việc. Sau này nếu cơ quan thanh tra, kiểm tra thì từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng phải đứng ra để giải trình", ông Duy nhấn mạnh.

Theo ông, các quy định về công tác cán bộ của Trung ương ngày càng đầy đủ, chặt chẽ, nhất là quy định bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Chính phủ cũng đang xây dựng dự thảo nghị định để cụ thể hóa, triển khai chính sách này. Đây là điều kiện cần thiết để giải quyết bài toán hiện nay là cán bộ sợ sai.

Khát vọng phát triển và bí quyết để cán bộ không còn sợ sai - 21