PhotoStory

"Kẻ khóc, người cười" giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết

Thực hiện: Nguyễn Hải

(Dân trí) - Những ngày giáp Tết, tại siêu thị, trung tâm thương mại luôn đông đúc khách hàng, trong khi đó ở chợ truyền thống chỉ có lác đác khách đến mua hàng.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 1

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trong chiều 4/2 (25 tháng Chạp) ở nhiều siêu thị, trung tâm thương mại tại Hà Nội luôn đông đúc khách hàng đến mua sắm để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đặc biệt, tại một siêu thị lớn ở quận Cầu Giấy trong chiều nay luôn chật kín khách hàng đến mua sắm.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 2

Cổng chính dẫn vào khu mua sắm quần áo, bánh kẹo, rượu... của siêu thị trên đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) chật kín khách hàng. Chị Hoài Linh (33 tuổi, trú quận Cầu Giấy) cho biết, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chiều nay vợ chồng chị đến siêu thị để sắm đồ Tết. 

"Buổi sáng hai vợ chồng đi mua hoa, đào đến chiều đi mua thêm bánh kẹo, rượu để chuẩn bị cho Tết. Mấy năm nay cứ đến dịp Tết là vợ chồng ra siêu thị để sắm đồ, không còn đến chợ truyền thống như trước đây", chị Linh chia sẻ.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 3

Khu vực ra, vào bãi gửi xe của siêu thị luôn chật kín người.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, do đó các siêu thị ở Hà Nội hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 4

Khu vực để xe của siêu thị chật kín các phương tiện. Do lượng xe quá đông, không đủ chỗ, nhiều người phải gửi xe ở bên ngoài rồi đi bộ vào trong.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 5

Hàng trăm người dùng xe đẩy để mua hàng, các lối đi trong siêu thị lại hẹp dẫn đến cảnh "ách tắc".

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 6

Quần áo và bánh kẹo là những sản phẩm được nhiều người lựa chọn.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 7

Mỹ Lan (24 tuổi) nhân viên bán bánh kẹo trong siêu thị cho biết, khoảng 10 ngày nay lượng khách đổ đến siêu thị ngày một đông. Đặc biệt, từ sáng qua đến chiều nay, lượng khách có phần đông hơn. 

"Nhiều sản phẩm của chúng tôi đã hết hàng để bán, nhân viên phải liên tục bổ sung hàng để phục vụ khách", Mỹ Lan nói.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 8

Tranh thủ ngày Chủ nhật cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chiều 4/2, Thanh Tùng (28 tuổi, trú quận Thanh Xuân) đến siêu thị để mua sắm quần áo. 

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 9

Do lượng khách đông, các nhân viên tại siêu thị luôn hoạt động hết công suất.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 10

Cầu thang cuốn luôn chật kín khách hàng ra, vào siêu thị để mua sắm đồ Tết.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 11

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc khi rời siêu thị.

Sau gần 2 tiếng mua sắm đồ Tết, anh Hoàng Thạch (34 tuổi, trú huyện Hoài Đức, Hà Nội) tiêu hết hơn 10 triệu đồng. "Mua đồ ở siêu thị cho yên tâm, nhiều sự lựa chọn nhưng đến đây thứ gì cũng muốn mua nên rất tốn kém", anh Thạch bộc bạch.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 12

Khu vực quầy thanh toán, các khách hàng luôn phải xếp hàng chờ đợi đến lượt. Do đó, nhiều khách hàng cảm thấy mệt mỏi khi phải đứng đợi.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 13

Trái ngược với siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều chợ truyền thống tại Hà Nội lại rất vắng khách hàng.  Ghi nhận của phóng viên trong chiều 4/2, tại chợ truyền thống Ngã Tư Sở chỉ lác đác khách đến mua hàng.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 14

Các gian hàng tại chợ truyền thống Ngã Tư Sở vắng khách ngày giáp Tết. Chị Hương (41 tuổi), tiểu thương tại chợ Ngã Tư Sở cho biết, sau dịch Covid-19 lượng khách đến chợ ngày một giảm dần. Mặc dù chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn nhưng lượng khách đến chợ tăng không đáng kể.

Kẻ khóc, người cười giữa chợ truyền thống và siêu thị ngày giáp Tết - 15

Khu vực bán quần áo trong chợ Ngã Tư Sở vắng người mua hàng.

Một người trông xe ở cổng chợ Ngã Tư Sở cho biết, ngày giáp Tết nhưng cũng chỉ có khoảng 40-50 lượt gửi xe máy. Tương tự, tại chợ Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng rất vắng khách đến mua hàng.