Hình ảnh TPHCM trước và sau 12 năm xây dựng metro Bến Thành - Suối Tiên
(Dân trí) - Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau 12 năm thi công đã hoàn thiện và chờ ngày vận hành chính thức. Cùng nhìn lại hành trình hơn một thập kỷ xây dựng của công trình này.
TPHCM sau hơn 10 năm phát triển, từ những ngày đầu bắt đầu xây dựng dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), liệu đã có những thay đổi gì về diện mạo?
Cùng Dân trí nhìn lại những hình ảnh đánh dấu sự đổi thay và hành trình hơn một thập kỷ xây dựng tuyến metro đầu tiên của TPHCM.
Dự án metro số 1 dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng.
Nhà ga trung tâm của tuyến metro số 1 là ga ngầm Bến Thành, được khởi công từ tháng 11/2017. Đây là nhà ga hiện đại nhất với kiến trúc được thiết kế độc đáo, nằm cạnh chợ Bến Thành.
Sau 7 năm xây dựng, vào cuối tháng 4/2023, những hạng mục cuối cùng của nhà ga ngầm Bến Thành hoàn thiện. Rào chắn xung quanh đại công trường của ga ngầm Bến Thành (cạnh Công viên 23/9, quận 1) được tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng.
Ga ngầm Bến Thành được thiết kế một giếng trời khổng lồ, là điểm nhấn kiến trúc mang ý nghĩa biểu tượng cho ga Bến Thành nói riêng và tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nói chung.
Giếng trời có hình hoa sen, cao 6m, đường kính 21,6m. Có chức năng chính là tạo điểm nhấn, cung cấp ánh sáng và tạo nên không gian mở.
Dự án metro số 1 dài 19,7km, trong đó có 2,6km đi dưới lòng đất qua 3 ga ngầm: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành.
Trước đó, khoảng tháng 8/2022, toàn bộ khu vực rào chắn, lô cốt trên đường Lê Lợi đã được tháo dỡ, trả lại mặt bằng sau khi phần đường ray ngầm được hoàn thiện sau 6 năm thi công.
Trong ảnh là ga Nhà hát Thành phố cũng đã hoàn thiện với quy mô lớn, gồm 4 tầng, trong đó 3 tầng phục vụ hành khách và một tầng kỹ thuật.
Hiện 3 ga ngầm đã hoàn tất 100% hệ thống điện lạnh, cổng soát vé, toàn bộ nội thất,... sẵn sàng chờ ngày vận hành chính thức.
Kết thúc phần ga ngầm, đoạn trên cao bắt đầu từ cuối ga Ba Son, tàu metro sẽ đi từ các ga ngầm lên đoạn metro trên cao về phía quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức, với hơn 17km.
Ngày 29/8/2023, metro số 1 lần đầu tiên chạy thử toàn tuyến, bắt đầu từ ga Bến Thành (quận 1) đến ga Suối Tiên (TP Thủ Đức) và ngược lại (với lộ trình gần 40km).
Toàn tuyến metro số 1 có 11 ga trên cao gồm: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên, Bến xe Miền Đông mới và 3 ga ngầm: Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành.
Trong ảnh, ga Thảo Điền là một ga của đoạn đường trên cao nằm gần khu vực chân cầu Sài Gòn, TP Thủ Đức.
Đoạn đường ray trên cao đi qua nút giao Cát Lái (TP Thủ Đức), một trong những nút giao lớn nhất TPHCM. Sau khi tuyến metro số 1 hoàn thiện, diện mạo hạ tầng giao thông của TPHCM sẽ có nhiều đổi thay.
Sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, tuyến metro số 1 được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo giao thông của TPHCM trong tương lai. Đồng thời giảm tải tình trạng kẹt xe cho cửa ngõ phía Đông thành phố.
Toàn tuyến metro số 1 cũng được lắp đặt 9 cầu bộ hành hiện đại, giúp hành khách tiếp cận các nhà ga trên cao thuận tiện, an toàn.
Tuyến metro số 1 đoạn qua Xa lộ Hà Nội, được trồng nhiều cây xanh, thảm cỏ và làm công viên để tăng tính thẩm mỹ sau khi metro đi vào hoạt động.
Hơn một thập kỷ chờ đợi, tuyến metro số 1 dự kiến đi vào khai thác chính thức vào ngày 22/12.
Tổng chiều dài của đường ray metro số 1 là 19,7km, chạy từ ga ngầm Bến Thành về depot Long Bình (TP Thủ Đức) với nhiều đoạn uốn lượn trên cao, đi song song với tuyến đường Xa lộ Hà Nội.
"Hay tin tuyến metro đầu tiên của TPHCM sắp đi vào hoạt động tôi vô cùng phấn khởi, vui vì giao thông thành phố ngày càng hiện đại, người dân đi lại thuận tiện hơn", ông Cao Ngọc Vinh (TP Thủ Đức) nói.