Hiện trạng khu đô thị lấn biển Cần Giờ sắp được khởi công
(Dân trí) - Tại khu vực dự án xây dựng khu đô thị lấn biển Cần Giờ rác thải phủ kín, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Vừa qua, TPHCM dự kiến sẽ khởi công dự án này vào năm 2025.
Bãi biển Cần Giờ, nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và hệ sinh thái đa dạng, từng là điểm đến lý tưởng cho du khách và người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, nơi đây đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm trầm trọng khi rác thải từ nhiều nguồn đổ về, từ túi ni-lông đến các loại phế thải khác.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, rác thải phủ kín dọc đường ven biển gây ô nhiễm nặng, tạo nên bức tranh nham nhở gây lo ngại cho người dân địa phương.
"Tình trạng rác thải diễn ra thường xuyên, tôi mong chính quyền sớm có các giải pháp để xử lý. Nếu khu đô thị (KĐT) được xây dựng thì chúng tôi cũng được nhờ, không phải chịu cảnh sống cùng rác nữa", một người dân trong khu vực nói.
Vừa qua, UBND TPHCM đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 KĐT lấn biển Cần Giờ. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được khởi công vào đầu năm 2025.
Dự án KĐT lấn biển Cần Giờ có diện tích quy hoạch 2.870ha, với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng.
UBND TPHCM đã giao cho Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trình thẩm định, phê duyệt theo đúng tiến độ.
Phạm vi quy hoạch nằm trên địa bàn xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) bao gồm 5 phân khu chức năng: A, B, C, D và E. Mỗi phân khu sẽ có chức năng riêng, mục tiêu dự án sẽ trở thành khu du lịch biển, nghỉ dưỡng, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở và khách sạn.
Trong khu vực dự án, trâu bò được người dân thả tự do để ăn cỏ.
Ông Lý Văn Mai (54 tuổi, huyện Cần Giờ) cho biết: "Dự án sắp được khởi công nhưng tôi vừa mừng vừa lo. Tôi làm nghề đánh bắt hải sản ở đây từ nhỏ, khu vực đánh bắt nằm trong dự án nên sắp tới sẽ khó khăn hơn. Tôi mong dự án này sẽ tạo được công ăn việc làm cho người dân nơi đây và không còn rác thải nữa".
TPHCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng công trình bảo vệ bờ biển để chống xói lở và không gây tác động đến môi trường. Những công nghệ này không chỉ bảo vệ bờ biển một cách bền vững mà còn giúp bồi đắp thêm, tạo cảnh quan môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại 2 phân khu rộng nhất (A, B) với hơn 1.500ha, được đặc biệt chú trọng để làm khu sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng), cây xanh đô thị và đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
Việc rác thải tràn lan trong khu vực gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của người dân nơi đây. Phần lớn, người dân quanh khu vực dự án KĐT lấn biển Cần Giờ làm nghề đánh bắt hải sản, kinh doanh du lịch nhỏ lẻ.
Dọc tuyến đường đê biển, người dân và khách qua lại vắng vẻ, thưa thớt. Nhiều quán ăn, nhà hàng cũng không có khách.
Theo định hướng của TPHCM, đến năm 2030, huyện đảo này sẽ trở thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao, một động lực tăng trưởng mới.