Hiện trạng 7 tuyến đường ở Hà Nội dự kiến được xén vỉa hè, dải phân cách
(Dân trí) - 7 tuyến đường ở Hà Nội gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến, dự kiến được xén vỉa hè, dải phân cách để giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề nghị UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường để giảm thiểu ùn tắc. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 225 tỷ đồng, nguồn từ ngân sách UBND TP. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2024-2027.
Cụ thể, dự án cải tạo hạ tầng dự kiến sẽ điều chỉnh kích thước vỉa hè, dải phân cách tại các vị trí đủ điều kiện, tổ chức giao thông tại một số nút giao trên 7 tuyến đường, phố gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, trong số 7 tuyến đường phố dự kiến sẽ điều chỉnh kích thước vỉa hè, dải phân cách, đường Lê Văn Lương có vỉa hè, dải phân cách rộng nhất. Hiện dải phân cách giữa đường Lê Văn Lương rộng khoảng 5-7m. Trong khi đó, vỉa hè của tuyến đường này cũng rộng từ 3 đến 5m, nhiều khu vực lên đến 7m.
Dải phân cách giữa đường Lê Văn Lương đang được trồng hoa, cây cảnh.
Đường Lê Văn Lương dài khoảng 2km, mỗi chiều rộng 11,25m, có 3 làn xe. Làn trong cùng sát dải phân cách dành riêng cho buýt nhanh BRT, 2 làn còn lại là hỗn hợp.
Đây là trục đường quan trọng trong việc kết nối quận Hà Đông và quận Nam Từ Liêm với các quận nội thành của Hà Nội. Dọc tuyến có nhiều nhà ở cao tầng, văn phòng làm việc, nhiều điểm giao cắt nên lưu lượng phương tiện lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Trên đường Hoàng Minh Giám không có dải phân cách giữa đường nhưng vỉa hè của tuyến đường này rộng 3-5m.
Đường Hoàng Minh Giám dài hơn 1km, rộng 17,5m, là một trong những trục quan trọng kết nối giữa đường Trần Duy Hưng và đường Lê Văn Lương.
Nhiều đoạn vỉa hè trên đường Hoàng Minh Giám được sử dụng làm bãi đỗ ô tô, bán hàng rong,...
Các tuyến đường, phố Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu nằm trên trục tuyến buýt nhanh BRT, là trục giao thông xuyên tâm, do tập trung phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.
Tại nút giao Láng Hạ - Giảng Võ - La Thành thường xuyên xảy ra ùn tắc giờ cao điểm.
Sở GTVT Hà Nội cho biết việc đầu tư xây dựng dự án, cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường (giai đoạn 1) sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Qua đó tạo cho người dân có ý thức khi tham gia giao thông trên tuyến đường có vận tải hành khách công cộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực có tuyến đi qua.
Theo quan sát của phóng viên, đường điện cao thế nằm ở dải phân cách giữa phố Tố Hữu và chạy dọc tuyến phố này nên việc xén dải phân cách ở đây là không khả thi.
Thường xuyên lưu thông trên cung đường từ Tố Hữu đến Láng Hạ, chị Đinh Thị Như Huyền (35 tuổi, trú quận Hà Đông) cho biết, buổi sáng, tuyến đường này thường tắc từ 7h30 đến 8h30. Buổi chiều, tuyến đường tắc từ 17h đến 19h.
Vào giờ cao điểm, phố Tố Hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài. Phố Tố Hữu mỗi chiều có 3 làn xe, làn trong cùng sát dải phân cách dành cho buýt nhanh BRT.
Hiện phần vỉa hè hai bên phố Tố Hữu rộng từ 3 đến 5m, ít người đi bộ. Đặc biệt, nhiều đoạn vỉa hè dọc tuyến phố này bị lấn chiếm làm nơi trông giữ ô tô, bán hoa, cây cảnh,...
"Việc xén vỉa hè, mở rộng thêm 1 làn đường hỗn hợp để phương tiện lưu thông thuận lợi hơn trên phố Tố Hữu là hoàn toàn khả thi, giảm thiểu ùn tắc vào các khung giờ cao điểm", anh Nguyễn Văn Luấn (41 tuổi, trú phường Mộ Lao, quận Hà Đông) nói.